Một dây chuyền sản xuất cát nhân tạo tại Thanh Hóa.
Một dây chuyền sản xuất cát nhân tạo tại Thanh Hóa.

Thanh Hóa nỗ lực phát triển thị trường vật liệu thay thế

Tỉnh Thanh Hóa đang tích cực phát triển cát nhân tạo, vật liệu được kỳ vọng sẽ gánh bớt sức ép đè nặng lên cát sông truyền thống. Đây không chỉ là giải pháp tình thế, mà đang dần định hình thành một chiến lược dài hạn nhằm ổn định thị trường vật liệu xây dựng, bảo vệ tài nguyên và hướng đến phát triển bền vững. 

Thanh Hóa đang trong giai đoạn phát triển hạ tầng mạnh mẽ, với hàng loạt dự án giao thông, đô thị, khu công nghiệp được triển khai. Theo Sở Xây dựng tỉnh, tổng nhu cầu cát xây dựng trên địa bàn năm 2025 ước khoảng 5,49 triệu m³; dự báo đến giai đoạn 2026-2030 sẽ là hơn 38 triệu m³. Trong khi đó, tổng trữ lượng cát tự nhiên theo quy hoạch đến năm 2030 chỉ đạt khoảng 18 triệu m³, với khả năng khai thác thực tế chưa tới 14 triệu m³, nghĩa là chỉ đáp ứng được dưới 40% nhu cầu.

Cát nhân tạo - hướng đi chủ động và bền vững

Khảo sát tuyến đường ven biển Nga Sơn-Hoằng Hóa cho thấy, nhiều nhà thầu buộc phải gom cát giá cao từ nhiều đầu mối, vừa đội chi phí, vừa làm giảm chất lượng đầu vào. Có nơi phải chờ cả tuần mới có xe chở cát đến công trường.

Ông Nguyễn Hữu Đức, Phó Trưởng phòng Quản lý vật liệu, Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Việc phát triển vật liệu thay thế rất quan trọng trong giai đoạn sắp tới. Đây là giải pháp giúp giảm nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, góp phần bảo đảm tiến độ, kiểm soát chi phí đầu tư công và ổn định hoạt động xây dựng dân dụng”.

Bên cạnh thực trạng giá cả leo thang, việc khai thác cát tự nhiên tại Thanh Hóa còn kéo theo nhiều hệ lụy. Tình trạng sạt lở bờ sông, mất đất sản xuất, thậm chí xung đột lợi ích giữa các nhóm khai thác ngày càng trở nên phổ biến. Nhiều địa phương phải kiến nghị hạn chế hoặc tạm dừng khai thác để bảo vệ ruộng đồng.

Áp lực cung-cầu khiến giá cát xây dựng tại Thanh Hóa biến động mạnh, từ vùng cao biên giới xa xôi tới khu vực thành thị đồng bằng.

Áp lực cung-cầu khiến giá cát xây dựng tại Thanh Hóa biến động mạnh, từ vùng cao biên giới xa xôi tới khu vực thành thị đồng bằng. Giá cát kèm chi phí vận chuyển tăng vọt, kéo theo tổng mức đầu tư công trình tăng. Ông Lê Thế Thông, người đang xây ngôi nhà 5 tầng tại phường Hạc Thành, chia sẻ: “Cát vàng có lúc tôi phải nhập gần 500.000 đồng/m³, gần gấp đôi so với 3 năm trước. Rất nhiều vật liệu xây dựng khác cũng tăng giá”.

Thanh Hóa hiện có 28 mỏ cát đã được cấp phép, nhưng chỉ còn 1 mỏ hoạt động với công suất 15.000m³/năm. Ông Phạm Văn Hoành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, cho biết: “14 mỏ đang tạm dừng hoặc chưa đủ điều kiện khai thác, do tàu thuyền không đăng kiểm, phải đo đạc lại trữ lượng, hoặc đánh giá nguy cơ sạt lở. Một số mỏ khác thì chủ sở hữu lại đang bị khởi tố về hành vi khai thác trái phép”.

Trước hạn chế về nguồn cung, một số doanh nghiệp tại Thanh Hóa đã tiên phong sản xuất cát nhân tạo từ đá vụn, nguồn nguyên liệu từng bị coi là phế thải trong khai thác khoáng sản.

Tại xưởng nghiền của Công ty TNHH Hoàng Tuấn ở xã Tống Sơn, dây chuyền sàng đá luôn chạy hết công suất. Đá vụn được tái sinh thành cát mịn, chất lượng ổn định. Từ năm 2019, doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền nghiền sàng với công suất đạt 150.000m³/năm, từng bước biến đá vụn từ phế thải thành vật liệu có giá trị.

Ông Nguyễn Duy Nở, Giám đốc công ty, cho biết: “Cát nhân tạo của chúng tôi đã được sử dụng cho nhiều công trình lớn như đường giao thông, nền móng nhà xưởng. Hiện doanh nghiệp đang triển khai nâng công suất lên gấp đôi, dự kiến đạt khoảng 300.000m³ mỗi năm”.

Tại xã Trường Lâm, từ năm 2024, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại tổng hợp Nhân Nam đã đầu tư dây chuyền nghiền đá bazan hiện đại, tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn dùng cho bê-tông mác cao. Giám đốc công ty Ngô Xuân Đông chia sẻ: “Nguồn đá tại chỗ giúp tiết kiệm lớn chi phí vận chuyển, sản phẩm lại sạch tạp chất, cường độ tốt. Năm đầu tiên chúng tôi đã cung ứng gần 10.000m³ cát nhân tạo ra thị trường”.

Công ty TNHH Thương mại Phú Sơn ở xã Nga Sơn cũng đang vận hành hệ thống nghiền đá công suất 100.000m³/năm. Anh Mai Văn Nguyên, Quản lý sản xuất, cho biết: “Doanh nghiệp đang tính đến việc nâng công suất lên cao hơn nữa, nếu thị trường đủ tin tưởng và có kênh phân phối ổn định”.

Theo thống kê của Sở Xây dựng, đến nay toàn tỉnh Thanh Hóa đã có 21 doanh nghiệp đầu tư hệ thống máy nghiền đá để sản xuất cát nhân tạo, với tổng công suất thiết kế vượt 2 triệu m³/năm. Năng lực này không chỉ góp phần giúp chủ động nguồn cung, mà còn tạo nền tảng cho thị trường vật liệu xây dựng thay thế phát triển bền vững.

Dù vậy, theo anh Mai Văn Nguyên, trở ngại lớn nhất hiện nay vẫn là tâm lý dè chừng của người tiêu dùng. “Chúng tôi có đủ điều kiện để mở rộng quy mô sản xuất, nhưng nhiều khách hàng vẫn lo ngại về chất lượng hay chưa quen dùng loại vật liệu mới”, anh nói.

Chia sẻ quan điểm này, anh Trần Anh Tuấn, phụ trách kỹ thuật Tập đoàn Xây dựng Miền Trung, khẳng định: “Chất lượng cát nhân tạo đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật. Trong một số hạng mục, liên quan đến độ đồng đều hạt hay cường độ nén, loại vật liệu này cũng tỏ ra rất ổn định. Điều cần nhất lúc này là sự định hướng rõ ràng từ cơ quan quản lý, cùng truyền thông mạnh mẽ hơn tới thị trường”.

Để tháo gỡ những rào cản hiện hữu, Thanh Hóa đã chỉ đạo rà soát toàn bộ quy hoạch mỏ vật liệu xây dựng. Các cơ quan chức năng được yêu cầu nghiên cứu giải pháp rút ngắn thời gian xử lý thủ tục thăm dò, đánh giá trữ lượng, cấp phép đầu tư. Quá trình đấu giá mỏ phải công khai, minh bạch. Các sở, ngành được giao nhiệm vụ cụ thể trong hướng dẫn, thẩm định, cấp phép, hậu kiểm. Những mỏ ảnh hưởng đến đê điều, khu dân cư sẽ bị đình chỉ hoặc không cấp phép.

Tỉnh đã triển khai đồng bộ các biện pháp chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản. Việc lắp đặt camera tại mỏ, ứng dụng phần mềm giám sát hành trình, xử lý hành vi gian lận hóa đơn, lập bến bãi trái phép đang được đẩy mạnh. Lực lượng công an tiếp tục kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác sai tọa độ, vượt công suất... Thượng tá Đỗ Ngọc Dương, Phó Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Muốn triển khai được những giải pháp ở tầm vĩ mô thì trước hết phải quản lý cho tốt”.

Để vật liệu thay thế trở thành xu hướng tất yếu

Để cát nhân tạo thật sự đi vào cuộc sống, cần nâng cao nhận thức, thói quen của thị trường. Một số đơn vị thi công dù thừa nhận chất lượng cát nhân tạo tốt nhưng vẫn ngần ngại sử dụng. Ông Nguyễn Đắc Khảng, Quản lý mỏ đá Hang Loòng, xã Tống Sơn, chia sẻ: “Chúng tôi có đủ nguyên liệu và thiết bị, nhưng nếu không có đầu ra ổn định thì khó thu hồi vốn, vì thế rất cần chính sách hỗ trợ thị trường ban đầu”.

Trong báo cáo của các doanh nghiệp gửi Sở Xây dựng, giá cát nhân tạo tại xưởng hiện ở mức khoảng 250.000 đồng/m³. Trong khi đó, giá cát tự nhiên thấp nhất trên thị trường cũng không dưới 350.000 đồng/m³. Theo ông Nguyễn Hữu Đức, Phó Trưởng phòng Quản lý vật liệu, Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa, nếu tổ chức tốt chuỗi cung ứng, tận dụng phụ phẩm đá xây dựng và có chính sách giá hợp lý, vật liệu này hoàn toàn có thể cạnh tranh, thậm chí thay thế cát tự nhiên trong các công trình kỹ thuật cao.

Để cát nhân tạo thật sự đi vào cuộc sống, cần nâng cao nhận thức, thói quen của thị trường.

Để đẩy mạnh việc sản xuất cát nhân tạo, ngay từ đầu năm 2025, ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các ngành tiếp tục kêu gọi đầu tư sản xuất cát nghiền, đặc biệt tại những khu vực không có nguồn cát tự nhiên. Các doanh nghiệp được hướng dẫn công bố giá, hỗ trợ đầu tư dây chuyền sản xuất cát mịn dùng cho xây, trát công trình.

Thanh Hóa khuyến khích sử dụng cát nghiền trong các công trình có vốn ngân sách nếu đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và có tính cạnh tranh về giá. Cùng với đó, tỉnh định hướng phát triển vùng sản xuất gắn với các mỏ đá thuận lợi về giao thông, hình thành chuỗi cung ứng khép kín từ khai thác đến tiêu thụ. Những chuyển động này không chỉ cho thấy sự thích ứng linh hoạt với yêu cầu thực tiễn, mà còn mở ra dư địa để vật liệu mới từng bước khẳng định vị thế trên thị trường.

Đá vụn từng bị coi là phế thải, nay được hồi sinh thành cát tiêu chuẩn. Ở một góc độ, đó là thành công kỹ thuật của dây chuyền nghiền sàng hiện đại. Nhưng từ góc nhìn rộng hơn, đó còn là biểu tượng cho bước chuyển trong tư duy phát triển vật liệu. Tư duy ấy đang dịch chuyển từ tận thu sang sử dụng tiết kiệm tài nguyên, từ chạy theo nhu cầu sang tiếp cận chủ động, tính toán dài hơi cho phát triển bền vững.

Xem thêm