Ngày 28/7, gần 250 đại biểu đến từ các cơ quan, tổ chức trong mạng lưới phòng, chống mua bán người tại Việt Nam, bao gồm đại diện các cơ quan chính phủ, các tổ chức Liên hợp quốc, tổ chức quốc tế, chuyên gia an ninh mạng, thủ lĩnh thanh niên, đã tham dự buổi tọa đàm với chủ đề “Kết nối hành động: Không để ai lại phía sau trong công tác phòng, chống mua bán người” tại Hà Nội.
Chia sẻ tại sự kiện, Quyền Trưởng Phái đoàn Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tại Việt Nam Mitsue Pembroke đánh giá cao những nỗ lực chỉ đạo của Việt Nam nhằm thúc đẩy hiệu quả di cư an toàn và phòng, chống mua bán người, đặc biệt là nỗ lực của Chính phủ trong công tác sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người năm 2024.
Bà nhận định: “Đây là cột mốc đáng chú ý và thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong công cuộc đấu tranh với loại tội phạm này. Việc sửa đổi luật sẽ đặt nền tảng vững chắc hơn để giải quyết các xu hướng ngày càng phức tạp của nạn mua bán người vốn đang trở nên phức tạp hơn do những thách thức về kinh tế-xã hội”.

Với gần 2,4 tỷ thanh niên toàn cầu, đây là thế hệ lớn nhất trong lịch sử. Trong số 281 triệu người di cư quốc tế, khoảng 11,3% là người dưới 24 tuổi. Tại Việt Nam, có hơn 22 triệu người trẻ trong độ tuổi từ 16 đến 30 và nhiều bạn trẻ đã và đang cân nhắc việc rời khỏi quê hương để có cơ hội làm việc và học tập tốt hơn.
Bà Mitsue Pembroke nhấn mạnh rằng, mặc dù thanh niên và lao động trẻ ngày càng dễ bị tổn thương trước các hình thức mua bán người qua nền tảng trực tuyến, họ cũng chính là lực lượng có thể kiến tạo ra sự thay đổi.
“Sự sáng tạo, năng lượng và khả năng làm chủ công nghệ của thanh niên giúp họ có thể phát triển các giải pháp mới để phòng, chống mua bán người trong thời đại số. Do đó, việc đầu tư vào thế hệ trẻ sẽ khuyến khích các bạn hành động để bảo vệ bạn bè đồng trang lứa và phát huy triệt để tiềm năng để xây dựng một cộng đồng kiên cường hơn”, bà Mitsue Pembroke khẳng định.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, nhận định: “Việt Nam đang chuẩn bị tổ chức lễ ký kết Công ước Hà Nội, hiệp ước toàn cầu đầu tiên nhằm giải quyết tội phạm mạng, đánh dấu một bước ngoặt trong hợp tác quốc tế nhằm chống lại các tội phạm sử dụng công nghệ, bao gồm cả mua bán người.
Trên hết, chúng ta cần cùng nhau khẳng định cam kết bảo vệ các nạn nhân, đặc biệt là cộng đồng dễ bị tổn thương và trẻ em, đồng thời triệt phá các mạng lưới tội phạm có tổ chức trong kỷ nguyên số.

Bên lề sự kiện tọa đàm là không gian triển lãm và trải nghiệm sáng tạo “Phát hiện dấu hiệu–Ngăn chặn tội ác”, cho phép người tham gia tương tác trải nghiệm, chủ động tìm hiểu các dấu hiệu của mua bán người thông qua các số liệu cập nhật, câu chuyện có thật và hình ảnh trực quan.
Không gian này nhằm nâng cao nhận thức của người tham gia, nhận diện mua bán người là một loại hình tội phạm có tổ chức; và trang bị các kỹ năng cần thiết để bảo vệ bản thân và cộng đồng, biết cách tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ và đưa ra quyết định di cư sáng suốt.
Những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người ở khu vực châu Á–Thái Bình Dương diễn biến rất phức tạp. Kể từ sau đại dịch Covid-19, khu vực Đông Nam Á đã chứng kiến sự bùng nổ của các khu tổ hợp lừa đảo, nơi những tổ chức tội phạm xuyên quốc gia vận hành các hoạt động lừa đảo trực tuyến với quy mô phức tạp.

Theo ghi nhận từ Báo cáo Thực trạng nạn mua bán người vào các tổ hợp lừa đảo trực tuyến tại Đông Nam Á của Tổ chức Di cư quốc tế, số ca bị mua bán được nhận hỗ trợ của IOM trong khu vực đã tăng hơn 3 lần từ 296 vào năm 2022 lên 978 vào năm 2023.
Ngày 30/7 hằng năm được Liên hợp quốc chọn là Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người - dịp để cộng đồng quốc tế cùng nhìn lại, nâng cao nhận thức và khẳng định cam kết chống lại một loại tội phạm đang để lại hậu quả sâu sắc không chỉ với nạn nhân mà còn với toàn xã hội.
Chủ đề của năm nay, “Mua bán người là hoạt động tội phạm có tổ chức-Hãy cùng hành động để chấm dứt các hình thức bóc lột!”, kêu gọi tăng cường vai trò của các cơ quan thực thi pháp luật trong việc triệt phá các mạng lưới tội phạm có tổ chức, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đặt nạn nhân ở vị trí trung tâm trong quá trình bảo vệ, hỗ trợ và tiếp cận công lý.