Chỉ cách đây vài năm, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh có chủ trương di dời các cảng container trong nội thành ra các vùng ven để phục vụ công tác quy hoạch thành phố công nghiệp hiện đại. Mặt khác, khi triển khai dự án hầm Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ... các tàu vận tải hàng lớn sẽ không thể vào sâu tận cảng Sài Gòn để giao, nhận hàng. Và cảng Cát Lái - Tân Cảng (quận 2) ra đời, nhanh chóng đi vào hoạt động. Lúc đó, 200 ha đất quy hoạch cảng Cát Lái gặp nhiều khó khăn trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, nên nhiều người nghĩ rằng việc đưa Cát Lái vào hoạt động chỉ trên "giấy tờ". Vậy mà hiện nay Cát Lái là cảng container lớn nhất Việt Nam, với thiết bị xếp dỡ hiện đại xếp ngang tầm các cảng trong khu vực và thế giới.
Không những thế, Tân Cảng - Cát Lái đang được thí điểm và triển khai đồng loạt mô hình quản lý sản xuất Terminal và bước đầu đã thành công với hiệu năng giải phóng tàu lên tới 23,7% so với mô hình cũ. Ðến nay, Tân cảng Sài Gòn có mối quan hệ với 46 hãng tàu trên thế giới và có tốc độ tăng trưởng hằng năm cao nhất trong hiệp hội cảng biển với ba địa bàn hoạt động là cảng Tân Cảng, cảng Tân Cảng - Cát Lái, ICD Tân Cảng - Sóng Thần (Bình Dương).
Nhìn lại 17 năm xây dựng và phát triển, cùng với việc hoàn thành nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, có thể khẳng định rằng, từ 36 quân nhân thuộc các đơn vị Hải quân chuyển về chưa có kiến thức, kinh nghiệm quản lý khai thác cảng quân sự - kinh tế ban đầu, song với phương châm "lấy cảng nuôi cảng", "lấy ngắn nuôi dài", đến nay, Công ty Tân cảng Sài Gòn đã không ngừng mở rộng các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các loại hình dịch vụ cảng biển và đã khẳng định được thương hiệu "Saigon new port" trên thị trường cảng biển trong nước và quốc tế, thu hút số lượng lớn khách hàng, bạn hàng các hãng tàu vào làm hàng tại các cảng của công ty. Kết quả đó đã khẳng định được tầm nhìn, hướng đi phù hợp của một doanh nghiệp trong quá trình phát triển và hội nhập cùng đất nước. Ðó là kết quả của bước đầu tư chiến lược lâu dài, đi tắt đón đầu hiện đại hóa quản lý khai thác cảng, đã giúp công ty luôn đứng vững và liên tục phát triển lớn mạnh trong cơ chế thị trường.
Bước vào thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế bằng việc Việt Nam chính thức gia nhập vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), lãnh đạo Công ty Tân cảng Sài Gòn đã chủ động đầu tư và triển khai phát triển cảng nước sâu đầu tiên ở Việt Nam là Tân Cảng - Cái Mép tại Khu công nghiệp Cái Mép thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ðây là vị trí có nhiều tiềm năng và lợi thế, được coi là một mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của công ty. Bởi cảng Tân Cảng - Cái Mép nằm trong những KCN lớn nhất ở khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu, Ðồng Nai, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh. Theo quy hoạch, cảng có cầu tàu dài 900 m, sâu 15,40 m, 60 ha kho bãi cùng các trang thiết bị xếp dỡ hiện đại, có thể tiếp nhận được tàu có sức chở 80.000 DWT. Dự kiến giai đoạn 1 công ty sẽ thi công 300 m cầu tàu số 1 với 20 ha kho bãi và sẽ đưa vào sử dụng cuối năm 2008; đến năm 2010 hoàn thành dự án. Tính đến tháng 12-2006, tổng vốn tài sản của công ty tăng 142 lần so với 14 tỷ đồng vốn ban đầu. Thuế XNK thông qua cảng Tân Cảng - Cát Lái đạt hơn 6.000 tỷ đồng. Ngoài ngành nghề kinh doanh xếp dỡ cảng biển và dịch vụ kho bãi, công ty còn mở thêm 11 ngành nghề khai thác khác, như xây dựng công trình cảng, kinh doanh tài chính, xúc tiến thương mại, xây dựng và kinh doanh cao ốc văn phòng, vận tải đa phương thức... Từ quý IV năm 2006, công ty đã chuyển đổi hoạt động doanh nghiệp theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Ðại tá Nguyễn Ðăng Nghiêm, Tổng Giám đốc công ty khẳng định: "Chúng tôi đang phấn đấu đến năm 2010, Tân cảng Sài Gòn sẽ đứng trong Top 50 cảng hàng đầu thế giới". Mục tiêu này khiến không ít người giật mình, nhưng với tốc độ phát triển nhanh như thời gian qua, có lẽ tham vọng này không quá tầm.