Trong những năm qua, từ thực tế triển khai tại các cơ sở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc tại tỉnh Sơn La cho thấy, khi công tác đào tạo gắn sát nhu cầu, phù hợp đặc thù vùng miền, thì hiệu quả đem lại không chỉ là con số lao động được đào tạo, mà còn là những mô hình sinh kế phát triển bền vững.
Từ những nhu cầu thực tế về công tác đào tạo nghề, thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề theo các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; kế hoạch dạy nghề cho thanh niên là bộ đội xuất ngũ, người khuyết tật; hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tỉnh Sơn La cũng đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan triển khai, thực hiện các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia gắn với hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động khi Nhà nước thu hồi đất. Trong đó thực hiện lồng ghép các nội dung tại Quyết định số 1446/QĐ-TTg ngày 31/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”; hoàn thiện và bổ sung cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi cho người học tạo khung pháp lý để tổ chức, quản lý và triển khai đào tạo theo 3 cấp trình độ: cao đẳng, trung cấp, sơ cấp.
Từ năm 2022 đến 2024, tỉnh Sơn La đã tổ chức đào tạo cho hơn 58.400 lao động ở nhiều cấp trình độ khác nhau. Trong đó, gần 40.000 người thuộc diện đào tạo sơ cấp, ngắn hạn dưới 3 tháng, chuyển giao kỹ thuật hoặc được định hướng tham gia lao động tại các khu công nghiệp.
Đáng chú ý, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh Sơn La đã đạt 63%, riêng tỷ lệ có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28%. Đây là kết quả thể hiện sự nỗ lực của tỉnh Sơn La trong việc đa dạng hóa mô hình và hình thức đào tạo nghề.

Riêng trong năm 2024, công tác đào tạo nghề nông nghiệp tại tỉnh Sơn La đạt kết quả vượt kế hoạch với hơn 20.600 người được học nghề, tập trung vào các nội dung gắn liền với phát triển sản xuất của từng cơ sở.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, đã có thêm 1.309 người được đào tạo nghề nông nghiệp, chủ yếu ở trình độ sơ cấp. Cùng thời gian, hơn 5.000 lao động nông thôn tìm được việc làm mới, thể hiện rõ hiệu quả của định hướng đào tạo gắn với giải quyết việc làm và cải thiện thu nhập cho lao động vùng nông thôn, khó khăn.
Trong thời gian qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La cũng đã chủ động điều chỉnh chương trình, giáo trình theo hướng tích hợp lý thuyết, thực hành và kỹ năng nghề nghiệp. Các ngành nghề đào tạo cũng được thiết kế bám sát điều kiện thực tế như trồng trọt, chăn nuôi, sơ chế nông sản, sửa chữa máy nông nghiệp, kỹ thuật cơ khí nhỏ, khởi nghiệp nông thôn… phù hợp với tập quán canh tác và điều kiện sống của đồng bào dân tộc.
Cùng với đó, hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cũng được triển khai đến tận bản, trong các trường phổ thông dân tộc nội trú, giúp học sinh tiếp cận sớm với lựa chọn nghề nghiệp, phù hợp năng lực và điều kiện kinh tế gia đình.

Tại tỉnh Sơn La, tác động tích cực của công tác đào tạo nghề được thể hiện qua những mô hình thực tiễn, như anh Cà Văn Cử, người dân tộc Thái ở xã Mường Bú, từng tham gia lớp sửa chữa xe máy, nhưng khi có cơ hội học lớp trồng cây ăn quả, anh đã chuyển hướng và mạnh dạn đầu tư hơn 2ha đất trồng mít Thái, xoài, na, ổi, nhãn ghép, đồng thời phát triển mô hình nuôi cá, nuôi heo.
Từ những kiến thức học được, anh Cà Văn Cử đã cải tạo đất, lựa chọn giống cây phù hợp, áp dụng kỹ thuật mới. Chỉ tính riêng năm 2024, mô hình của gia đình anh đã đem lại thu nhập gần 400 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 60%.
Một thí dụ khác là chị Vì Thị Xuân, dân tộc Thái ở xã Phù Yên, sau khóa đào tạo nghề may kéo dài 3 tháng tại nhà máy may trên địa bàn, đã trở thành công nhân chính thức với mức lương ổn định từ 5 triệu đến 6 triệu đồng/tháng, được đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Hiện gia đình chị đã có thu nhập ổn định nhờ kết hợp làm nghề may với sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi tại nhà.

Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác đào tạo nghề tại Sơn La vẫn còn nhiều hạn chế. Việc gắn kết giữa đào tạo với thị trường lao động chưa thực sự hiệu quả; chất lượng đào tạo ở một số ngành kỹ thuật còn thấp; thiếu đội ngũ giáo viên chuyên sâu, nhất là trong lĩnh vực công nghệ mới; cơ sở vật chất của nhiều cơ sở đào tạo chưa theo kịp yêu cầu đổi mới. Doanh nghiệp còn thiếu mặn mà trong phối hợp đào tạo và sử dụng lao động có tay nghề. Công tác khảo sát, dự báo nhu cầu đào tạo chưa sát thực tiễn, mang tính hình thức, dẫn đến thiếu linh hoạt trong tổ chức lớp học.
Theo đồng chí Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La, trong bối cảnh nhu cầu lao động chất lượng ngày càng cao, tỉnh Sơn La xác định nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới là đổi mới căn bản tư duy đào tạo: từ đào tạo theo năng lực sẵn có sang đào tạo sát nhu cầu thị trường; từ đào tạo đơn lẻ sang mô hình gắn kết với việc làm bền vững.
Tỉnh Sơn La đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28%. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, các định hướng lớn đã được xác lập: tăng cường phân luồng học sinh vào học nghề ngay sau trung học cơ sở, trung học phổ thông; mở rộng các hình thức đào tạo ngắn hạn, linh hoạt tại chỗ. Đồng thời, tiếp tục xây dựng mạng lưới cơ sở đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp và thị trường lao động; đẩy mạnh tư vấn hướng nghiệp đến vùng sâu, vùng xa; phát triển mô hình đào tạo nghề kết hợp xuất khẩu lao động đến các thị trường ổn định, thu nhập cao; kiến nghị Trung ương bố trí nguồn lực đầu tư đồng bộ cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp, ưu tiên chính sách đặc thù đối với học viên là người dân tộc thiểu số và người lao động ở vùng đặc biệt khó khăn.