Kết quả khảo sát cho thấy, có tới 57,2% số doanh nghiệp cho biết giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao đã ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất-kinh doanh, tăng tới 10,1 điểm phần trăm so với quý I/2025 (là mức tăng cao số kỷ lục trong các kỳ điều tra hằng quý gần đây).
Kết quả khảo sát cũng cho thấy trong quý II/2025, có tới 54,0% doanh nghiệp cho biết chi phí nguyên vật liệu trực tiếp của doanh nghiệp tăng so với quý I/2025.
Lý giải nguyên nhân gia tăng, Cục Thống kê cho rằng, đầu tư công dồn dập vào các dự án hạ tầng lớn (cao tốc, cảng, sân bay…) khiến nhu cầu cát, đá, thép, xi-măng tăng đột biến. Thêm vào đó, nguồn cát và đá phục vụ xây dựng ở một số địa phương còn xảy ra hiện tượng khan hiếm cục bộ, do tình trạng thiếu nguồn cung cấp: mỏ hết hạn, bị gián đoạn khai thác, sạt lở.

Chi phí nguyên liệu đầu vào-năng lượng-vận chuyển tăng làm cho giá vật liệu xây dựng có xu hướng tăng. Giá thép tăng nhẹ do giá phôi, quặng sắt thế giới tăng; giá nhựa đường cũng tăng do xăng dầu tăng và chi phí vận chuyển tăng nhẹ. Riêng đối với xi-măng, dù giá tương đối ổn định trong tháng 6, nhưng chi phí nguyên liệu và điện than tăng khiến áp lực chi phí gia tăng.
Ngoài ra, tâm lý tích trữ hàng hóa tại một số đại lý, doanh nghiệp trung gian cũng góp phần đẩy giá vật liệu lên trong ngắn hạn.
Cũng theo Cục Thống kê, biến động giá vật liệu xây dựng cũng có ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành xây dựng.
Chi phí đầu vào tăng làm tăng tổng chi phí thi công, ảnh hưởng đến lợi nhuận và hiệu quả tài chính của các hợp đồng đã ký theo đơn giá cố định. Nếu giá tăng cao trong thời gian dài có thể làm chậm tiến độ thi công của các công trình, buộc các chủ đầu tư, nhà thầu phải điều chỉnh kế hoạch tài chính, tiến độ và công nghệ.