Các đại biểu tham dự Diễn đàn chụp ảnh lưu niệm trước giờ khai mạc.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn chụp ảnh lưu niệm trước giờ khai mạc.

Phụ nữ Việt Nam tự tin hội nhập cùng phụ nữ khu vực trong kỷ nguyên số

Diễn đàn giao lưu hợp tác phát triển phụ nữ ASEAN năm 2025 là dịp để các đại biểu phụ nữ các nước ASEAN và Trung Quốc thảo luận về vai trò của phụ nữ trong kỷ nguyên số; trao đổi, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao vai trò của phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới trong khu vực.

Ngày 16/7, tại thành phố Nam Ninh, thủ phủ khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc, đã diễn ra Diễn đàn giao lưu hợp tác phát triển phụ nữ ASEAN năm 2025 nhân dịp kỷ niệm 30 năm Hội nghị Thế giới về Phụ nữ lần thứ tư của Liên hợp quốc, 30 năm công bố Tuyên bố Bắc Kinh và Cương lĩnh hành động.

Sự kiện do Hội Liên hiệp Phụ nữ khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây đăng cai tổ chức, với chủ đề "Trao quyền, chia sẻ, đổi mới sáng tạo: Trí tuệ nhân tạo và sự phát triển của phụ nữ", thu hút sự tham dự của hơn 180 đại biểu đến từ Trung Quốc, ASEAN và một số quốc gia trên thế giới, tập trung thảo luận về những cơ hội và thách thức với sự phát triển của phụ nữ trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo, nhằm tập hợp sức mạnh của nữ giới, thúc đẩy nâng cao chất lượng giao lưu hợp tác về phụ nữ giữa Trung Quốc và ASEAN.

ndo_br_gen-h-z6810048182627-0302b27ae5280d1b9b1d2236b2a6917f.jpg
Bà Hồ Tinh Ba, Hội Liên hiệp Phụ nữ khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, chủ trì lễ khai mạc Diễn đàn.

Đoàn đại biểu Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam gồm 13 thành viên do Phó Chủ tịch Thường trực Đỗ Thị Thu Thảo làm Trưởng đoàn, có sự tham gia của đại biểu 5 tỉnh, thành phố: Cao Bằng, Lạng Sơn, Hải Phòng, Tuyên Quang và Quảng Ninh. Bà Nguyễn Thị Hường, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh, đã tham dự lễ khai mạc Diễn đàn.

ndo_br_gen-h-z6809800795715-7d49400094a820504164d4ef7a45f69e.jpg
Đoàn đại biểu Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Tổng Lãnh sự Nguyễn Thị Hường tại lễ khai mạc.

Phát biểu ý kiến tại lễ khai mạc, ông Vương Duy Bình, Phó Bí thư Đảng ủy khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, nhấn mạnh vai trò của địa phương này trong việc kết nối Trung Quốc với ASEAN cả về địa lý, con người và văn hóa, thúc đẩy hợp tác thiết thực giữa phụ nữ khu vực trên các lĩnh vực; đồng thời cho biết, Quảng Tây đang nắm bắt cơ hội quan trọng từ Chương trình xây dựng năng lực trí tuệ nhân tạo cấp nhà nước, đẩy nhanh xây dựng hệ sinh thái ngành nghề xuyên biên giới hướng tới ứng dụng ở khu vực ASEAN, mang lại dư địa rộng lớn cho phụ nữ trong việc phát huy năng lực và lợi thế của mình.

ndo_br_gen-h-z6809800149538-9825a49a926408af34928333541f8c60.jpg
Ông Vương Duy Bình, Phó Bí thư Đảng ủy khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây phát biểu tại lễ khai mạc.

Ông Vương Duy Bình kêu gọi phát huy đầy đủ vai trò của phụ nữ trong các lĩnh vực hợp tác về trí tuệ nhân tạo, kinh tế số; thúc đẩy liên kết sâu rộng giữa trí tuệ nhân tạo với công tác phụ nữ, thúc đẩy phát triển chất lượng cao, đóng góp nhiều hơn cho mối quan hệ chặt chẽ giữa Trung Quốc và ASEAN.

ndo_br_gen-h-z6809800257126-25e25dd9d93d4ef81907dd0d78f773c3.jpg
Bà Lâm Di, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ toàn quốc Trung Hoa phát biểu tại lễ khai mạc.

Nhấn mạnh vai trò của phụ nữ là những người chứng kiến, tham gia và đóng góp cho quan hệ Trung Quốc-ASEAN, bà Lâm Di, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ toàn quốc Trung Hoa cho biết, sẵn sàng chung tay hợp tác và đồng hành cùng phụ nữ các nước ASEAN, làm sâu sắc hơn giao lưu và hợp tác phụ nữ trong lĩnh vực khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo; bày tỏ mong muốn, phụ nữ Trung Quốc và ASEAN nói riêng, phụ nữ toàn cầu nói chung, nắm bắt cơ hội từ cuộc cách mạng khoa học-công nghệ và làn sóng chuyển đổi ngành nghề mới, biến thành quả nghiên cứu khoa học thành những giải pháp cho các thách thức toàn cầu, đóng góp cho quan hệ song phương cũng như thúc đẩy tiến bộ văn minh nhân loại.

Về phần mình, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo đánh giá cao việc Hội Liên hiệp Phụ nữ Quảng Tây chủ trì tổ chức Diễn đàn giao lưu hợp tác phát triển phụ nữ ASEAN năm 2025 trong bối cảnh thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ trước làn sóng chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo, thể hiện sự nhạy bén trong việc kết nối phụ nữ khu vực cùng hành động, cùng chuyển đổi trong giai đoạn thế giới đang thực hiện số hóa và ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào mọi mặt của đời sống con người.

ndo_br_gen-h-z6809800418628-3cf76a94e3a9918c46a70c5b3d13b5e9.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo phát biểu tại lễ khai mạc.

Thông tin về 4 nghị quyết quan trọng mà Bộ Chính trị ban hành gần đây là những trụ cột thể chế nền tảng, tạo động lực mạnh mẽ đưa đất nước Việt Nam tiến lên trong kỷ nguyên mới, trong đó có Nghị quyết số 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, bà Đỗ Thị Thu Thảo nhấn mạnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình khi xác định một trong hai khâu đột phá trọng tâm của nhiệm kỳ 2022-2027 là ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới phương thức hoạt động Hội trong nhiệm kỳ mới từ Trung ương đến cơ sở.

ndo_br_gen-h-z6809800634233-9b92d39101ec2ed006367a805cd567ee.jpg
Các đại biểu tại Diễn đàn.

Hội đã và đang kết nối mọi nguồn lực để xây dựng các điển hình, mô hình: "Gia đình số", "Chi hội số", "Cơ sở Hội số", "Mỗi cán bộ hội là một công dân số", "Mỗi công dân-Một danh tính số", "Đại sứ chuyển đổi số" tiến tới hình thành mạng lưới "Đại sứ chuyển đổi số"; Câu lạc bộ "Phụ nữ số", Câu lạc bộ "Phụ nữ giúp nhau chuyển đổi số", "Tổ Phụ nữ kinh doanh số", "Chợ số-Nông thôn số" để giúp phụ nữ đối mặt và vượt qua những vấn đề thách thức như thiếu kiến thức và kỹ năng số, nguy cơ mất việc làm trong các ngành truyền thống, an toàn thông tin, lừa đảo, quấy rối trên không gian mạng.

Bà Đỗ Thị Thu Thảo bày tỏ hy vọng Hội Phụ nữ các tỉnh biên giới của Trung Quốc với Việt Nam, Lào và Campuchia sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ số, nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng ứng dụng công nghệ cho hội viên phụ nữ của nhau; cùng nhau thực hiện các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số, giao lưu hợp tác giữa nữ doanh nghiệp các nước về lĩnh vực thương mại và thương mại điện tử, hợp tác du lịch xuyên biên giới, hỗ trợ lẫn nhau về chăm sóc y tế, giáo dục...

ndo_br_gen-h-z6809800903061-ad099b00230920b337f2ad509ae7aaa5.jpg
Một đại biểu tham luận về cách kế thừa sáng tạo các nghề thủ công truyền thống.

Trong phần tham luận đề dẫn, các đại biểu đã được nghe các đại diện phụ nữ xuất sắc của Trung Quốc và ASEAN chia sẻ về cách thức ứng dụng trí tuệ nhân tạo để thúc đẩy sự phát triển của phụ nữ, mang đến nhiều tư duy mới, phương hướng mới cho sự phát triển của phụ nữ trong kỷ nguyên số.

Ngoài ra, các đại biểu cùng tham gia 2 phiên đối thoại bàn tròn về chủ đề: Cơ hội và thách thức nghề nghiệp của phụ nữ trong kỷ nguyên số; Thực tiễn thương mại điện tử xuyên biên giới do phụ nữ dẫn dắt.

ndo_br_gen-h-z6810919000589-3241466b4de1a9683dbc7e97213951ba.jpg
Phiên thảo luận bàn tròn trong khuôn khổ Diễn đàn.
ndo_br_gen-h-z6811026172314-892b0d5c95a4c0e711f91abb1a2cb747.jpg
Các đại biểu phụ nữ ASEAN trải nghiệm robot.

Được biết, Diễn đàn giao lưu hợp tác phát triển phụ nữ ASEAN (tiền thân là Diễn đàn phụ nữ Trung Quốc-ASEAN) được khởi xướng từ năm 2006; qua 9 lần tổ chức thành công, đã trở thành nhịp cầu giao lưu hợp tác quan trọng giữa phụ nữ các nước ASEAN và Trung Quốc.

Xem thêm