Thống kê về phát triển xe điện
Theo thống kê toàn quốc về số lượng xe điện và xe sạc do Hiệp hội quốc gia Pháp chuyên về phát triển vận tải điện (Avere France) công bố ngày 8/1/2025, Pháp đã vượt mốc 1,3 triệu xe điện 100% được đăng ký và tổng cộng 2 triệu xe nếu tính cả xe hybrid (phương tiện kết hợp động cơ đốt trong và động cơ điện) tính đến hết ngày 31/12/2024.
Thị phần xe điện hóa tại Pháp, gồm cả xe hybrid và xe điện, đạt 26,5% trên thị trường xe mới, vượt qua Tây Ban Nha và Italia, nhưng vẫn còn kém Na Uy, có gần 80% doanh số là xe điện.
Tại Pháp, xe điện chiếm khoảng 2-3% tổng số phương tiện đang lưu hành. Mặc dù có sự sụt giảm nhẹ (khoảng 3%) trong lượng đăng ký xe điện mới so cùng kỳ năm 2024, con số này đánh dấu sự phát triển ngoạn mục từ số lượng chỉ 102 xe vào năm 2010 tại Pháp.

Tháng 3 năm nay, Avere France cũng công bố một số số liệu khác về cơ sở hạ tầng sạc điện công cộng, trong đó chỉ rõ: Tính đến ngày 28/2/2025, Pháp đã triển khai 159.963 điểm sạc công cộng, đánh dấu mức tăng trưởng 30% chỉ trong một năm.
Sự tăng trưởng đáng chú ý nhất là ở các điểm sạc nhanh có công suất từ 150kW trở lên, với 58% từ tháng 2/2024 đến tháng 2/2025. Các điểm sạc này phân bổ chủ yếu tại các khu thương mại (chiếm 43%), trên đường công cộng (33%) và bãi đỗ xe (17%).
Theo một bài viết trên cổng thông tin tham vấn về các vấn đề của Liên minh châu Âu (EU) Toute l’Europe xuất bản ngày 24/6/2025, tính đến tháng 5/2025, khu vực này có gần 970.000 điểm sạc công cộng.
Hà Lan, Đức và Pháp là 3 quốc gia dẫn đầu về số lượng điểm sạc, chiếm hơn 40% tổng số điểm sạc công cộng của EU vào cuối năm 2024. So năm 2023, tổng số điểm sạc ở EU đã tăng 39,5% vào cuối năm vừa rồi.
Tuy nhiên, tốc độ triển khai cơ sở hạ tầng sạc vẫn chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng của phương tiện sử dụng điện năng. Theo một bài viết trên cổng thông tin của Hiệp hội các nhà sản xuất ô-tô châu Âu (ACEA) xuất bản ngày 29/4/2024, doanh số bán xe điện tại EU đã tăng nhanh gấp 3 lần so việc lắp đặt trạm sạc từ năm 2017-2023.
ACEA ước tính cần 8,8 triệu trạm sạc vào năm 2030 để đạt được mục tiêu giảm khí thải CO2, cao hơn nhiều so ước tính 3,5 triệu điểm của Ủy ban châu Âu.
Bài viết trên báo Pháp, Le Monde, số ra ngày 20/7 vừa qua cũng cho thấy: Trong quý I năm 2025, xe điện chiếm 15,2% tổng doanh số phương tiện mới được bán ra tại EU. Trong đó, Đan Mạch đạt 65,5%, tiếp đó là Hà Lan (35%) và Bỉ (33%). Đây là những quốc gia có tỷ lệ đăng ký xe điện mới cao nhất. Còn ở Pháp là 18%.

Thay đổi tích cực và đầu tư vào xe điện
Một nghiên cứu toàn diện mới do Hội đồng quốc tế về giao thông sạch (ICCT) công bố ngày 9/7/2025, khẳng định rằng xe điện chạy pin (BEV) được bán ra ở châu Âu phát thải ít khí nhà kính hơn 73% trong suốt vòng đời của chúng so xe chạy xăng, ngay cả khi tính đến quá trình sản xuất.
Một phần của dấu hiệu tích cực này là từ sự gia tăng nhanh chóng của điện tái tạo trong cơ cấu năng lượng châu Âu và hiệu quả năng lượng ngày một cải thiện hơn của các dòng xe BEV.
Trung bình, một chiếc xe điện chạy pin phát thải 63g CO2e/km trong suốt vòng đời, ít hơn nhiều so xe chạy xăng và dầu diesel phát thải khoảng 235g CO2e/km.
Nghiên cứu trên của ICCT cũng chỉ ra rằng xe hybrid và hybrid sạc điện (PHEV) chỉ giảm lần lượt 20% và 30% lượng khí thải so xe chạy xăng, và phát thải cao gấp 3 lần so xe BEV.
Các chuyên gia của ICCT cũng cho biết: Mặc dù việc sản xuất pin cho xe điện tại châu Âu có thể làm tăng lượng khí thải ban đầu, khoảng 40% cao hơn so sản xuất xe sử dụng động cơ đốt trong (ICEV), lượng phát thải khi sử dụng phương tiện điện chạy pin trong vòng 1-2 năm sử dụng lại giảm hơn đáng kể.

Về độ bền, bài viết trên tạp chí xe hơi của Pháp, L’Automobile, xuất bản ngày 22/6 vừa qua cho biết: Pin xe điện có độ bền cao hơn nhiều so lo ngại ban đầu.
Arval, một trong những công ty cho thuê xe hàng đầu tại châu Âu, báo cáo rằng pin chỉ mất trung bình 1,7% công suất mỗi năm, duy trì 85% dung lượng sau 7 năm sử dụng hoặc 90% sau 200.000km. Tesla cũng ghi nhận pin xe của hãng này chỉ mất 12-15% dung lượng sau hơn 240.000km.
Trước đó, quy định của EU ban hành ngày 13/3/2024 yêu cầu pin xe điện phải giữ được 80% dung lượng sau 5 năm sử dụng hoặc sau 100.000km, và 72% sau 8 năm hoặc 160.000km. Như vậy, sự phát triển của công nghệ đã giúp các nhà sản xuất vượt xa tiêu chuẩn quy định trên.
Cũng trong bài báo trên, Hiệp hội ô-tô Đức (ADAC) nhận định rằng xe điện có tỷ lệ hỏng hóc thấp hơn xe động cơ đốt trong, cụ thể tương ứng 3,8 lỗi so 9,4 lỗi trên 1.000 xe trong năm 2024.
Trước đó, ngày 28/6/2022, Nghị viện châu Âu thậm chí đã bỏ phiếu ủng hộ lệnh cấm bán xe chạy bằng xăng, dầu diesel và xe hybrid mới từ năm 2035. Để đạt được mục tiêu đầy tham vọng này, EU và các quốc gia thành viên đang thực hiện nhiều bước chuẩn bị.
Trước tiên, Liên minh châu Âu ban hành quy định về Hạ tầng Nhiên liệu Thay thế (AFIR) có hiệu lực từ ngày 13/4/2024, yêu cầu lắp đặt các trạm sạc điện có công suất ít nhất 400kW cứ mỗi 60km dọc theo các đường cao tốc chính ở các nước thành viên. Các trạm hydro cũng sẽ được triển khai mỗi 200km vào năm 2031, chủ yếu cho xe tải nặng.

Trong bài phát biểu của Ủy viên Liên minh châu Âu Thierry Breton, người phụ trách thị trường nội địa khu vực, tại buổi ra mắt diễn đàn hợp tác “Route 35” diễn ra ngày 15/12/2022, thị trường xe điện dự kiến sẽ cần 150GW công suất điện vào năm 2050, chiếm 10% tổng công suất của châu Âu.
Kéo theo đó là nhu cầu về lithium trong quá trình sản xuất pin dự kiến tăng gấp 15 lần vào năm 2030, coban và than chì tăng gấp 4 lần. EU đang thúc đẩy Liên minh Pin châu Âu (EBA) để đáp ứng 90% nhu cầu pin từ sản xuất trong khu vực vào năm 2030, đồng thời chuẩn bị ban hành Quy định về nguyên liệu thô thiết yếu.
Tại Pháp, Chính phủ thông qua một khoản trợ cấp tài chính nhằm khuyến khích người dân mua hoặc thuê (dài hạn) một chiếc xe điện mới, hoặc đôi khi là xe điện đã qua sử dụng. Tuy nhiên, tới năm 2024, các chính sách hỗ trợ xe điện của Pháp đã có những thay đổi đáng kể, với trọng tâm dịch chuyển từ các khoản trợ cấp mua xe trực tiếp sang việc khuyến khích sản xuất bền vững và phát triển hạ tầng sạc.
Trong bối cảnh các khoản hỗ trợ mua xe bị thu hẹp, Chính phủ Pháp vẫn duy trì các lợi ích về thuế nhằm thúc đẩy việc lắp đặt các giải pháp sạc. Người dân vẫn có thể hưởng các ưu đãi thuế và VAT khi lắp đặt trạm sạc tại nhà.

Bài báo trên tờ Le Monde số ra ngày 20/7/2025 cũng trích lời nhận định của thành viên Nghị viện châu Âu Pascal Canfin: Tại các quốc gia phát triển mạnh về xe điện, một hệ sinh thái thuận lợi bao gồm chính sách thuế, cơ sở hạ tầng và chi phí sạc luôn đóng vai trò quan trọng.
Liên minh châu Âu tiếp tục đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông bền vững và kết nối thông qua các chương trình như: Cơ chế kết nối châu Âu (CEF), InvestEU, Horizon Europe...
Trên cổng thông tin tham vấn về các vấn đề của Liên minh châu Âu Toute l’Europe, bài viết số ra ngày 8/7/2025 cho hay: Ngày 3/7 vừa qua, EU đã công bố khoản đầu tư 2,8 tỷ euro vào 94 dự án giao thông để thúc đẩy di chuyển bền vững và kết nối trên toàn châu Âu.
Một số thách thức
Tuy nhiên, thách thức về chi phí vẫn còn lớn. Việc giảm chi phí xe điện, từng được dự đoán sẽ diễn ra nhanh chóng, đang bị ảnh hưởng bởi sự tăng giá của các loại nguyên liệu thô phục vụ sản xuất pin và tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn.
Quá trình chuyển đổi sang xe điện sẽ dẫn đến việc mất hàng trăm nghìn việc làm trong chuỗi cung ứng, nhưng cũng tạo ra việc làm mới trong lĩnh vực sản xuất pin. Việc đào tạo lại kỹ năng cho người lao động trong một lĩnh vực hoàn toàn mới là ưu tiên hàng đầu.

Thực tế cho thấy thách thức về chi phí của xe điện vẫn còn cao đối với một bộ phận dân cư, cũng như sự cần thiết phải cải thiện độ tin cậy và khả năng sẵn có của các trạm sạc. Bên cạnh đó, sự gia tăng nhập khẩu xe điện giá cả phải chăng từ Trung Quốc cũng đang gây lo ngại về khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp ô-tô châu Âu.
Các nhà phân tích môi trường cho rằng Pháp và các quốc gia trong Liên minh châu Âu đang đi đúng hướng trong quá trình chuyển đổi sang xe điện với những tiến bộ rõ rệt về số lượng phương tiện và hạ tầng.
Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng vào năm 2035, cần có sự đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào cơ sở hạ tầng sạc, cải thiện chính sách hỗ trợ tài chính, đổi mới công nghệ và đảm bảo nguồn cung nguyên liệu thô, cũng như sự chuyển đổi công bằng về việc làm.