Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính xã Yên Na, tỉnh Nghệ An nỗ lực vượt khó, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính xã Yên Na, tỉnh Nghệ An nỗ lực vượt khó, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

Nghệ An nhanh chóng thích ứng mô hình chính quyền địa phương mới

Sau ba tuần chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp, tại tỉnh Nghệ An đang cho thấy những chuyển biến tích cực trong nỗ lực tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả công việc.

Từ miền núi đến đồng bằng, tinh thần chủ động, quyết liệt, không để gián đoạn công việc, các địa phương trong tỉnh đã nhanh chóng thích ứng mô hình mới, bảo đảm vận hành nhịp nhàng, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện mô hình mới tại nhiều địa phương, nhất là các xã miền tây Nghệ An sau sáp nhập vẫn còn bộc lộ không ít thách thức. Từ câu chuyện cơ sở vật chất, nhân lực thiếu và yếu đang đặt ra những yêu cầu cấp thiết để thời gian tới đáp ứng yêu cầu công việc trong giai đoạn cải cách hành chính toàn diện hiện nay.

Đi trước một bước để dân không phải đi xa hơn”

Xã Tam Hợp được thành lập trên cơ sở hợp nhất từ bốn xã gồm: Xã Tam Hợp, xã Đồng Hợp, xã Nghĩa Xuân, xã Yên Hợp. Hơn nửa tháng đi vào vận hành chính quyền địa phương hai cấp, nhờ sự chủ động, dự báo những khó khăn từ trước, mà bộ máy chính quyền địa phương xã đi vào hoạt động thông suốt ngay từ ngày đầu.

Bí thư Đảng ủy xã Tam Hợp Cao Đức Trung cho biết: Trước ngày 1/7, khi có nhân sự dự kiến của Ủy ban nhân dân xã, lãnh đạo xã đã chủ động về cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc, kết nối đường truyền vận hành thử vào ngày 28/6. Đến ngày 1/7, khi chính thức vận hành chính quyền địa phương hai cấp, Trung tâm Phục vụ hành chính công xã chính thức tiếp nhận, xử lý trả kết quả cho người dân trong ngày. Với dân số gần 43.000 người sau sáp nhập, cho nên lượng tiếp nhận hồ sơ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã rất nhiều.

Bên cạnh đó, một số bộ phận nhân dân thuộc xã Minh Hợp chủ động lên giao dịch tại xã Tam Hợp dẫn đến số lượng tiếp nhận hồ sơ hằng ngày quá tải. Tuy nhiên, các cán bộ, công chức xã đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, vì vậy, việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính đầy đủ, kịp thời, đúng thời gian quy định. Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Tam Hợp Đinh Thị Vân Anh cho biết: Từ ngày 1/7 đến 14/7, trung tâm đã tiếp nhận 443 hồ sơ, trả kết quả 238/443 hồ sơ, được đánh giá là 27/130 xã hoàn thành 100 chỉ tiêu.

Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Tam Hợp, ông Nguyễn Văn Trọng cho biết: “Trước đây muốn làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tôi phải đi hơn 10 km để lên huyện thì nay chỉ cần đi bộ tới xã. Đến đây, cán bộ hướng dẫn tận tình, chu đáo; quy trình hiện đại và dễ hiểu, lại có tin nhắn thông báo thời gian tiếp nhận và kết quả, rất tiện lợi, minh bạch và đáng tin cậy”. Với ông Trọng, quãng đường ấy không còn là vấn đề khi đi kèm với một phương thức vận hành mới cùng niềm tin và sự kỳ vọng lớn.

Xã Nhôn Mai được hình thành trên cơ sở sáp nhập hai xã Nhôn Mai và Mai Sơn của huyện Tương Dương cũ, là xã tiếp giáp nước bạn Lào, cách trung tâm huyện lỵ Tương Dương hơn 130 km. Khoảng cách từ trung tâm xã đi bản xa nhất là gần 30 km. Xã có 21 bản, với ba dân tộc H’Mông, Khơ Mú và Thái sinh sống, do đó trình độ người dân còn nhiều hạn chế, nhất là việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Phó Bí thư Thường trực xã Nhôn Mai Lữ Xuân Hà cho biết: Khi đi vào vận hành chính quyền địa phương hai cấp, xã bắt tay ngay vào bố trí chỗ làm việc cho cán bộ công chức phù hợp.

Để giải quyết thủ tục hành chính kịp thời cho người dân, Trung tâm Phục vụ hành chính công xã đã bố trí sáu nhân sự - những người có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và biết tiếng đồng bào. Bí thư Đảng ủy xã Nhôn Mai Mạc Văn Nguyên cho biết: Mặc dù còn hạn chế về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhất là việc nhiều cán bộ công chức nhà ở xa phải tá túc ngay nơi phòng làm việc hay ở nhờ nhà bà con, thuê nhà dân bản, thậm chí bỏ tiền ra làm nhà tạm để ở, nhưng tất cả đều thể hiện quyết tâm vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Sau ba tuần vận hành chính quyền địa phương hai cấp ở Nghệ An, bước đầu đã ghi nhận những tín hiệu tích cực từ cơ sở. Cấp xã, nơi trực tiếp tiếp xúc, phục vụ người dân đang thể hiện rõ tinh thần đổi mới, chuyển mình mạnh mẽ; được thể hiện rõ tính hiệu quả gần dân, sát dân, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân qua trung tâm phục vụ hành chính công; đặc biệt, không có tình trạng gián đoạn trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp... Nghệ An cũng đã bố trí 9.928 cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện, xã, các sở, ban, ngành về làm việc tại cấp xã mới. Đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo, bố trí nguồn lực hoàn thiện cơ sở, vật chất để vận hành bảo đảm thông suốt, đặc biệt việc tổ chức vận hành các trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã.

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho biết: Các trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã bước đầu đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận dịch vụ công, đúng theo tinh thần “đưa chính quyền về gần dân, sát dân, phục vụ kịp thời, tốt hơn cho nhân dân”.

Nhiều nút thắt cần tháo dỡ

Sau sắp xếp đơn vị hành chính, Nghệ An giảm từ 412 đơn vị cấp xã xuống còn 130. Ngoài những kết quả tích cực ban đầu, hiện nay quá trình thực hiện mô hình mới tại nhiều địa phương, đặc biệt là các xã miền tây sau sáp nhập vẫn còn bộc lộ không ít thách thức. Đó là cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa bảo đảm; cán bộ công chức thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Qua đi thực tế, chúng tôi nhận thấy, nhiều xã mới được thành lập, nhưng cơ sở hạ tầng lại chưa theo kịp quy mô nhiệm vụ. Không ít xã vẫn dùng tạm trụ sở cũ, diện tích hẹp, không đủ công năng và phòng làm việc cho cán bộ chuyên môn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mường Lống Phạm Văn Hòa chia sẻ: Hiện trụ sở xã đang xây dựng dở dang, nên phòng làm việc thiếu trầm trọng. Do đó, xã đã ngăn nhà văn hóa xã làm phòng làm việc cho 23 cán bộ, công chức xã trong khuôn viên khoảng 100 m2. Ngoài thiếu trang thiết bị tối thiểu, thì hiện xã đang thiếu 13 biên chế so với tổng biên chế cho phép. Một số vị trí rất cần người làm, nhưng chưa được bố trí chuyên môn như công chức văn hóa-thông tin, chính sách; một số vị trí chất lượng chuyên môn chưa đạt yêu cầu. Đặc biệt, hiện Mường Lống chưa tổ chức thành lập các phòng chuyên môn (do chưa sáp nhập), do đó việc xử lý văn bản theo luồng rất khó khăn, không có các phòng chuyên môn để tham mưu thực hiện các nhiệm vụ theo phân quyền của Trung ương, tỉnh.

Cách Mường Lống hơn 130 km đường núi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tam Quang Nguyễn Hữu Hiến cũng chia sẻ: Hiện trụ sở làm việc còn thiếu, hệ thống thiết bị của Trung tâm Phục vụ hành chính công chưa đồng bộ, chưa bảo đảm cho việc vận hành, xử lý dịch vụ công. Đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ, chất lượng chưa đồng đều. Việc bố trí, phân bổ đội ngũ công chức bảo đảm thực hiện nhiệm vụ còn thiếu chuyên môn chuyên sâu. Chẳng hạn như, sau sắp xếp, nhiều cán bộ có chuyên môn lại không tiếp tục làm việc ở vị trí cũ mà chuyển sang nhiệm vụ mới đã gây ra nhiều khó khăn.

Ngoài ra, ở các xã miền núi Nghệ An, việc luân chuyển cán bộ đến làm việc tại địa phương mới đã nảy sinh vấn đề chỗ ăn, chỗ nghỉ. Nhiều cán bộ làm việc cách xa nhà hàng chục đến cả trăm cây số, đường sá miền núi đi lại hết sức khó khăn, cho nên việc đi về trong ngày là điều không thể. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nhôn Mai Lê Hồng Thái cho biết: Trước mắt, lãnh đạo địa phương bố trí một số trụ sở của các tổ chức đoàn thể cũ; ưu tiên sửa các công trình vệ sinh, nước sạch bị hư hỏng do lũ quét hồi tháng 5 vừa qua để anh em có nơi ăn, ở. Thậm chí, một số người đã bỏ tiền túi ra để dựng nhà tôn lắp ghép; hay thuê nhà người dân trong bản, ở nhờ nhà người quen… đã gây ra nhiều khó khăn. Chưa kể, hạ tầng giao thông miền núi Nghệ An thường xuyên bị tác động sâu sắc của mưa bão.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An Hoàng Phú Hiền khẳng định: Từ nay đến cuối năm, tỉnh sẽ tiến hành rà soát, sắp xếp lại cơ sở vật chất, trụ sở làm việc và phương tiện phục vụ, ưu tiên đầu tư bổ sung cho các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang phát sinh.

Tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương ghi nhận và đánh giá cao những kết quả bước đầu mà tỉnh Nghệ An đã đạt được trong triển khai chính quyền địa phương hai cấp. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đã định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm đối với tỉnh, đặc biệt phải quyết tâm thực hiện tốt các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư để tiếp tục xây dựng tổ chức, hoạt động của đơn vị hành chính hai cấp bảo đảm thông suốt, hiệu quả.

Đồng chí cũng lưu ý quá trình triển khai cần quán triệt thật sâu, thật kỹ các kết luận, kế hoạch của Trung ương gắn với thực tiễn địa phương, phát huy cao nhất những kết quả đã đạt được, đồng thời huy động sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị, nhất là đoàn viên, thanh niên, lực lượng vũ trang và sự đồng hành của các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ tham gia hỗ trợ cơ sở, nhất là trong chuyển đổi số, vận hành công nghệ tại xã, phường…

Xem thêm