Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến cùng Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva và các đại biểu của đoàn Việt Nam tham dự Đại hội đồng IPU 149. (Ảnh: Anh Hiển/TTXVN)
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến cùng Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva và các đại biểu của đoàn Việt Nam tham dự Đại hội đồng IPU 149. (Ảnh: Anh Hiển/TTXVN)

Chung tay đóng góp cho hòa bình và phát triển

Với những đóng góp tích cực, sáng tạo và hiệu quả, Việt Nam đã ghi dấu ấn đậm nét tại Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), truyền tải hình ảnh về một thành viên năng động, có trách nhiệm, nỗ lực góp sức vì nền hòa bình, dân chủ, bình đẳng trên toàn cầu.

Thông qua diễn đàn này, mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và nghị viện các nước càng được thắt chặt.

Với 181 thành viên và 15 thành viên liên kết, IPU là trung tâm của hoạt động ngoại giao Nghị viện khắp thế giới, hướng tới mục tiêu thúc đẩy hòa bình, dân chủ, hợp tác giữa các dân tộc và nghị viện các nước. Kể từ khi gia nhập IPU vào năm 1979, Quốc hội Việt Nam luôn là một thành viên tích cực, có trách nhiệm tại diễn đàn.

Tham dự các hoạt động của IPU được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác ngoại giao nghị viện đa phương của Quốc hội Việt Nam, nhằm thúc đẩy và bảo vệ lợi ích dân tộc, tham khảo quan điểm của các nước cũng như thể hiện lập trường về các vấn đề quốc tế cùng quan tâm. Quốc hội Việt Nam đã đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng tại IPU, trong đó có thể kể đến Chủ tịch Nhóm địa chính trị châu Á-Thái Bình Dương trong khuôn khổ Đại hội đồng IPU (các năm 2006, 2016), Chủ tịch Nhóm ASEAN+3. Đại diện Quốc hội Việt Nam được Đại hội đồng IPU tín nhiệm hai lần bầu vào Ban Chấp hành IPU nhiệm kỳ 4 năm.

Việt Nam cũng ghi dấu ấn tại IPU với những đóng góp thiết thực nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự của IPU vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững. Quốc hội Việt Nam đã chủ trì, đăng cai nhiều hoạt động trong IPU, trong đó nổi bật là Đại hội đồng IPU-132 với dấu ấn đặc biệt về Tuyên bố Hà Nội thúc đẩy hành động của nghị viện trong việc triển khai các Mục tiêu phát triển bền vững, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 và các hội nghị chuyên đề khu vực khác.

Sự tham gia tích cực của Quốc hội Việt Nam tại IPU không chỉ góp phần quan trọng nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế, mà còn là minh chứng sống động cho sự ủng hộ mạnh mẽ của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương, cũng như vai trò của IPU. Thành phố Geneva của Thụy Sĩ là nơi đặt trụ sở làm việc của nhiều cơ quan Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế, trong đó có IPU.

Nằm ở châu Âu, Thụy Sĩ không chỉ nổi tiếng với những cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ, nền sản xuất công nghiệp phát triển mạnh mẽ và mức sống cao hàng đầu thế giới, mà còn được biết đến là quốc gia có chính sách đối ngoại trung lập, luôn nỗ lực xây dựng quan hệ hòa bình, hợp tác cùng phát triển với tất cả các nước. Nhân dịp đến Geneva tham dự hoạt động của IPU, các nhà lãnh đạo Việt Nam thường xuyên tiếp xúc, trao đổi, làm việc với các nhà lãnh đạo Thụy Sĩ, qua đó tăng cường mối quan hệ vượt khoảng cách địa lý của hai nước.

Là một trong những nước Tây Âu đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, Thụy Sĩ từ lâu đã là người bạn, là đối tác tin cậy, thân thiết của Việt Nam dù hai nước nằm ở hai châu lục khác nhau. Tháng 1/2025, các nhà lãnh đạo Việt Nam và Thụy Sĩ đã nhất trí về nguyên tắc nâng quan hệ song phương lên khuôn khổ Đối tác toàn diện, tạo tiền đề quan trọng để mở ra chương mới rực rỡ hơn nữa trong lịch sử quan hệ hai nước.

Thụy Sĩ là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam tại châu Âu và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 trong ASEAN của Thụy Sĩ. Việt Nam đang là một điểm đến đầu tư đầy hứa hẹn với các doanh nghiệp Thụy Sĩ. Theo TTXVN, trang tin La Tribune des Nations của Thụy Sĩ từng đăng bài viết đánh giá cao thành tựu kinh tế cũng như môi trường đầu tư của Việt Nam. Bài viết nêu rõ, Việt Nam khẳng định vị thế ngày càng lớn mạnh như một nhân tố chủ chốt trong nền kinh tế toàn cầu; quốc gia Đông Nam Á giàu tiềm năng này đang ngày càng thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư và doanh nghiệp trên toàn thế giới.

Truyền thông Thụy Sĩ cũng đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam đang tích cực khuyến khích đổi mới và chuyển đổi sang nền kinh tế số. Trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục chứng kiến xu hướng phân mảnh, việc các quốc gia đẩy mạnh hợp tác, đoàn kết, chung sức đồng lòng giải quyết các thách thức là con đường tất yếu để cùng nhau phát triển. Quốc hội Việt Nam cam kết tiếp tục vun đắp, thúc đẩy quan hệ tốt đẹp với nghị viện các thành viên IPU, trong đó có Quốc hội Thụy Sĩ, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân các nước.

Xem thêm