Việc thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp không chỉ đơn thuần là sự điều chỉnh về mặt tổ chức, mà còn là sự tái cấu trúc, bước đi chiến lược trong việc xây dựng Nhà nước hiện đại, phù hợp xu thế tất yếu của công cuộc phát triển, đổi mới và hội nhập. Tỉnh Nghệ An đã hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy từ 412 đơn vị hành chính cấp xã thành 130 đơn vị. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đoàn kết, nỗ lực, bộ máy các xã, phường mới đã chính thức đi vào hoạt động đầy khí thế từ ngày 1/7.
Chủ động “đón việc”, phục vụ nhân dân
Phường Thành Vinh được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ 5 phường và một xã của thành phố Vinh cũ, gồm các phường: Quang Trung, Lê Lợi, Cửa Nam, Đông Vĩnh, Hưng Bình và xã Hưng Chính. Dân số hiện nay là 123.507 người, vì vậy, nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp rất lớn.
Phó Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công phường Thành Vinh Nguyễn Văn Linh thông tin, ngày 1/7 vừa qua, trung tâm đã tiếp nhận 184 hồ sơ. Trong đó, có 82 hồ sơ được trả kết quả trong ngày. Song song với tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tiếp, Trung tâm phân công cán bộ hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đăng ký hồ sơ trực tuyến. Đối với những người dân chưa quen, sẽ được tổ ứng cứu công nghệ và nghiệp vụ hỗ trợ. Các bộ phận có số lượng hồ sơ nhiều đều được tăng cường thêm nhân lực, bảo đảm giải quyết nhanh chóng, kịp thời.
“Trung tâm là bộ phận gần dân và sát dân nhất, trực tiếp tiếp nhận, tư vấn, hướng dẫn, giám sát, đôn đốc việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh việc chuẩn bị tốt hạ tầng công nghệ thông tin, bảo đảm kết nối liên thông cơ sở dữ liệu, các cán bộ được quán triệt nêu cao tinh thần, trách nhiệm, nỗ lực, đoàn kết, phục vụ hết lòng vì nhân dân. Các bộ phận chuyên môn phải phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn với nhau để bảo đảm hoạt động diễn ra thông suốt. Mỗi cán bộ, bộ phận phải khẩn trương, chủ động “đón việc”, Phó Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công phường Thành Vinh chia sẻ.
Tại xã Đông Lộc, đơn vị hành chính mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 xã, gồm: Khánh Hợp, Nghi Thạch và Thịnh Trường (huyện Nghi Lộc cũ). Đông Lộc là xã được tỉnh Nghệ An chọn hoạt động thử nghiệm nhằm kiểm nghiệm mô hình ở một địa phương có yếu tố hợp nhất đơn vị hành chính, qua đó đánh giá năng lực tổ chức, điều hành và sự phối hợp giữa các thiết chế trong hệ thống chính trị cơ sở. Buổi tổ chức vận hành thử nghiệm ngày 20/6 được kết nối trực tuyến với 129 xã, phường trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Ghi nhận của phóng viên vào đầu giờ chiều 2/7, khá đông người dân đến Trung tâm phục vụ hành chính công xã Đông Lộc để giải quyết thủ tục hành chính. Anh Nguyễn Trung Huy cho biết, anh đến trụ sở xã để làm thủ tục về đất đai. Trước đây, việc đi lại để làm thủ tục rất vất vả. Phải lên xã rồi lại lên huyện, đi lại nhiều lần. Giờ đây, chỉ cần đến một điểm để được giải quyết.
Đang chờ đến lượt, ông Nguyễn Xuân chia sẻ: “Mới đầu, cả cán bộ và người dân sẽ khó tránh khỏi những bỡ ngỡ, khó khăn nhất định. Về lâu dài là rất tốt, thuận tiện, tiết kiệm được công sức, thời gian cho nên tôi rất ủng hộ việc sáp nhập này”.
Xã Nhôn Mai được hình thành trên cơ sở sáp nhập xã Nhôn Mai và Mai Sơn. Đây là xã miền núi tỉnh Nghệ An, dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Thái, H’Mông, Khơ Mú, sinh sống phân tán, điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn. Cách đây 2 tháng, xã Nhôn Mai bị thiệt hại nặng nề do lũ quét, nhiều nhà công vụ hư hỏng cho nên một số cán bộ đang phải ở nhờ trong nhà dân. Bên cạnh đó, một nửa nhân sự của bộ máy mới là cán bộ từ cấp tỉnh và cấp huyện (cũ), để đến được nơi làm việc phải di chuyển quãng đường từ 150 đến 300 km, nhiều đoạn đường chất lượng xấu, phương tiện di chuyển hết sức khó khăn.
Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai Lê Hồng Thái cho biết, trong ngày đầu hoạt động của xã mới, Trung tâm phục vụ hành chính công của xã đã tiếp nhận gần 40 hồ sơ. Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính được cán bộ hướng dẫn tận tình. Trước khi bộ máy mới đi vào vận hành, chính quyền xã thông báo về địa điểm trụ sở, địa điểm giao dịch đến người dân thông qua hệ thống truyền thanh, qua đội ngũ cán bộ thôn bản, mạng xã hội Facebook. Cùng với đó, để bố trí nơi ăn, chốn ở cho cán bộ yên tâm công tác, các nhà công vụ lắp ghép khẩn trương được xây dựng.
Kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh từ cơ sở
Xã Vạn An được thành lập trên cơ sở sáp nhập thị trấn Nam Đàn, xã Xuân Hòa và xã Thượng Tân Lộc của huyện Nam Đàn cũ. Trong ngày 1/7, có 36 hồ sơ được Trung tâm phục vụ hành chính công xã trả kết quả, trong tổng số 58 hồ sơ tiếp nhận.
Chủ tịch UBND xã Vạn An Vương Hồng Thái cho biết, với tinh thần không để trễ việc, không để ách tắc công việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp, ngay khi vận hành chính quyền địa phương hai cấp, lãnh đạo xã trực tiếp chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, ban và cá nhân, nhất là tập trung rà soát, bổ sung trang thiết bị, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin ở Trung tâm phục vụ hành chính công, bảo đảm vận hành thuận lợi, thông suốt. Sáng 1/7, xã Vạn An tổ chức hội nghị Ban Thường vụ Đảng ủy, hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ xã và Kỳ họp thứ nhất của HĐND, UBND xã để triển khai thực hiện một số nội dung công việc theo thẩm quyền.
Tại xã miền núi Tương Dương, Bí thư Đảng ủy xã Lê Văn Lương chia sẻ: “Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng, việc sáp nhập đơn vị hành chính, thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp là bước đi chiến lược, một cuộc cách mạng trong tư duy quản lý. Thực hiện chủ trương lớn này, 130 xã, phường mới của tỉnh Nghệ An, trong đó có xã Tương Dương đang bước vào vận hội mới với quy mô lớn hơn, tầm vóc cao hơn, là tiền đề để vươn mình, kiến tạo những giá trị mới trong tiến trình phát triển chung của tỉnh, của đất nước”.
Tại Phiên họp thường kỳ tháng 6 của UBND tỉnh Nghệ An vào ngày 1/7, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh đánh giá sơ bộ, không khí làm việc tại các xã, phường diễn ra nghiêm túc, nền nếp; bộ máy vận hành tương đối suôn sẻ, cho thấy những tín hiệu tích cực.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ngành tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Tập trung cao độ, bám sát cơ sở, thường xuyên theo dõi, hướng dẫn để đưa bộ máy mới vào hoạt động thông suốt. Rà soát, hệ thống hóa các văn bản chỉ đạo điều hành của tỉnh, các văn bản hướng dẫn của ngành. Tham mưu sửa đổi, bổ sung, thay thế, ban hành mới các quyết định, quy định, hướng dẫn,… hiện hành, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định của Trung ương, nhất là 28 Nghị định của Chính phủ về phân quyền, phân cấp; phân định thẩm quyền giữa Chính phủ và chính quyền địa phương 2 cấp.
Để công tác quản lý và điều hành của cấp xã thông suốt, hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An giao Văn phòng UBND tỉnh phối hợp các sở, ngành tham mưu tổ chức hội nghị tập huấn các chuyên đề theo lĩnh vực cho cán bộ, công chức sau một thời gian vận hành mô hình mới, dự kiến sau Kỳ họp thứ 31 HĐND tỉnh khóa XVIII. Nội dung tập huấn tập trung vào các chuyên đề thực tiễn, gắn với các quy định mới và tình huống cụ thể.
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, các địa phương cần khẩn trương rà soát, điều chỉnh, tái cấu trúc không gian phát triển, điều chỉnh quy hoạch tổng thể, phát triển hạ tầng, thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nông nghiệp hiện đại, thông minh, đô thị hóa hợp lý. Đặc biệt, chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng số, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện và ứng dụng hiệu quả khoa học, công nghệ, kỹ thuật trong công tác quản lý, điều hành, nhanh chóng chuyển trạng thái từ tư duy “hành chính quản lý” sang tư duy “phục vụ, kiến tạo”.
Người đứng đầu Tỉnh ủy Nghệ An yêu cầu đội ngũ cán bộ được điều động từ tỉnh, huyện về các xã, phường cần thích ứng nhanh với yêu cầu nhiệm vụ mới tại cơ sở; tăng cường tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe ý kiến góp ý của nhân dân, chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân để kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các cơ quan tham mưu giúp việc Tỉnh ủy, các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị-xã hội cấp tỉnh phải tiếp tục đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị các xã, phường mới, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đặc thù.