Sáng 24/7, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Thanh Hoài (áo xanh) dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra hiện trường và phối hợp một số đơn vị thuộc Lực lượng Cảnh sát giao thông, Khu Quản lý đường bộ II, Sở Xây dựng Nghệ An, Nhà đầu tư và cơ quan, đơn vị liên quan đã tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai do bão số 3 và hoàn lưu bão đối với tuyến đường địa bàn tỉnh Nghệ An.
Sáng 24/7, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Thanh Hoài (áo xanh) dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra hiện trường và phối hợp một số đơn vị thuộc Lực lượng Cảnh sát giao thông, Khu Quản lý đường bộ II, Sở Xây dựng Nghệ An, Nhà đầu tư và cơ quan, đơn vị liên quan đã tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai do bão số 3 và hoàn lưu bão đối với tuyến đường địa bàn tỉnh Nghệ An.

Ngành giao thông nỗ lực ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3

Bão số 3 (Wipha) đã gây mưa lớn, ngập lụt và sạt lở nghiêm trọng tại nhiều tỉnh miền trung và miền bắc. Hàng trăm điểm sạt lở, nhiều cầu treo dân sinh bị cuốn trôi, giao thông một số khu vực bị chia cắt. Ngành giao thông đang huy động tối đa lực lượng, phương tiện để khắc phục thiệt hại, bảo đảm giao thông an toàn và thông suốt.

Theo báo cáo từ Cục Đường bộ Việt Nam gửi Bộ Xây dựng: Từ 16 giờ ngày 23 đến 16 giờ 30 phút ngày 24/7, bão Wipha đã gây mưa lớn, sạt lở và ngập úng nghiêm trọng tại nhiều địa phương miền trung và miền bắc, khiến hệ thống giao thông đường bộ tại một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề. Cục Đường bộ Việt Nam đã nhanh chóng triển khai các biện pháp ứng phó và khắc phục hậu quả, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt.

Nghệ An chịu thiệt hại nặng nề nhất

Tại Nghệ An, hiện còn 21 điểm ngập nước, trong đó có 4 điểm trên Quốc lộ 7 và 17 điểm trên các tuyến đường tỉnh như ĐT.543, ĐT.543B, ĐT.534… Riêng tuyến ĐT.543D bị sạt lở nghiêm trọng cả taluy âm lẫn taluy dương, một số cống bị xói trôi khiến tuyến đường bị chia cắt hoàn toàn.

Nhiều cầu treo dân sinh ở các xã Tương Dương, Mường Quàng, Na Loi bị sập, trôi theo dòng lũ. Hàng loạt tuyến đường liên xã, liên bản ở các xã vùng cao như Nhôn Mai, Bắc Lý, Mỹ Lý, Mường Ải… bị sạt lở, lũ cuốn, gây tê liệt giao thông.

Trên các tuyến quốc lộ 7, 16, 48 và 48C ghi nhận 160 vị trí sạt lở; các tuyến đường tỉnh ghi nhận 56 điểm sạt lở và hư hỏng kết cấu. Cống, cầu, mặt đường bị hư hại nghiêm trọng ở nhiều nơi.

Thanh Hóa: Giao thông gián đoạn tại nhiều điểm

Tại Thanh Hóa, vẫn còn 3 điểm tắc đường trên quốc lộ và đường tỉnh do sạt lở taluy dương. Tổng cộng có 83 điểm sạt lở trên quốc lộ, với gần 30.000m³ đất đá tràn ra đường. Đường tỉnh cũng bị ảnh hưởng tại 181 vị trí, trong đó nhiều nơi bị đá lăn, sạt taluy âm, xói lở lề đường và hư hỏng cống, rãnh.

Lào Cai: Ngập cục bộ, sạt trượt nhỏ

Dù chịu ảnh hưởng nhẹ hơn, Lào Cai vẫn ghi nhận 3 điểm ngập cục bộ trên các tuyến quốc lộ 32C và 2D, gây cản trở giao thông. Một số điểm sạt trượt nhỏ cũng được ghi nhận, nhưng đã và đang được khẩn trương khắc phục.

ndo_br_thiet-ke-chua-co-ten-23.png
Cục Đường bộ đang huy động toàn lực để khắc phục nhanh nhất hậu quả bão số 3 để lại nhằm khơi thông các tuyến đường bị sạt lở.

Các tuyến quốc lộ khác: Giao thông cơ bản ổn định

Các khu quản lý đường bộ I, II, III cho biết, giao thông trên tuyến do đơn vị phụ trách cơ bản ổn định. Các điểm ngập đã rút, không phát sinh thêm sạt lở lớn.

Ngành giao thông vào cuộc khẩn trương

Ngay sau khi bão đổ bộ, Cục Đường bộ Việt Nam đã huy động lực lượng, phối hợp với cảnh sát giao thông, các sở xây dựng địa phương, các nhà đầu tư và đơn vị quản lý đường bộ để tổ chức kiểm tra, khắc phục. Các biện pháp như dọn đất đá, khơi thông cống rãnh, lắp đặt biển báo và phân luồng giao thông được triển khai đồng bộ, kịp thời.

Ngành giao thông vận tải đang tiếp tục theo dõi sát diễn biến thời tiết, chủ động xử lý các điểm xung yếu và tăng cường cảnh báo, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Xem thêm