Nhưng để đạt được khát vọng đó, điều quan trọng không chỉ nằm ở chính sách hay hạ tầng, mà là sự sẵn sàng đồng hành từ người dân và cộng đồng doanh nghiệp, những người trực tiếp sống và làm du lịch mỗi ngày.
Thông minh = số hóa, thân thiện, chuyên nghiệp, văn minh
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng, trong 6 tháng đầu năm, thành phố đón hơn 3,1 triệu lượt khách, trong đó có gần 950 nghìn lượt khách quốc tế, tăng gấp đôi cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt hơn 11.200 tỷ đồng, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GRDP toàn thành phố.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, một trong những điểm nổi bật giúp Đà Nẵng giữ được đà tăng trưởng là việc tổ chức các sự kiện quốc tế quy mô lớn: Lễ hội pháo hoa quốc tế (DIFF), giải marathon quốc tế, các hội nghị MICE (loại hình du lịch kết hợp tổ chức hội thảo, hội nghị), lễ hội âm nhạc đường phố... Các sự kiện này đã tạo ra dòng khách ổn định quanh năm, kéo dài thời gian lưu trú và thúc đẩy tiêu dùng tại chỗ.
Không dừng lại ở sản phẩm, thành phố cũng đi đầu trong chuyển đổi số ngành du lịch. Ứng dụng “Danang Fantasticity” được tích hợp các tính năng hỗ trợ du khách như: bản đồ số, tìm kiếm địa điểm, đặt phòng khách sạn, mua vé online và đánh giá trải nghiệm. Các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) cũng được ứng dụng để phân tích xu hướng du lịch, cá nhân hóa chiến dịch truyền thông theo từng nhóm khách. Ứng dụng này giúp du khách tìm kiếm điểm tham quan, sự kiện, ẩm thực, chỗ ở, phương tiện di chuyển và các thông tin cần thiết khác. Từ năm 2024 đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn chuyển đổi số du lịch miễn phí, hỗ trợ đăng ký kinh doanh online, hướng dẫn dùng phần mềm quản lý đặt phòng cho các cơ sở lưu trú quy mô nhỏ. “Du lịch thông minh không chỉ là ứng dụng công nghệ, mà còn là cách người dân tương tác với du khách một cách thân thiện, chuyên nghiệp và văn minh” Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nhấn mạnh.
Sạch sẽ, niềm nở là chưa đủ
Tuy nhiên, trong làn sóng chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm du lịch cao cấp, nhiều doanh nghiệp du lịch tư nhân, đặc biệt là nhóm nhỏ và siêu nhỏ, vẫn đang “bơi” giữa kỳ vọng và thực tế. Anh Nguyễn Văn Hậu, chủ một cơ sở lưu trú quy mô 10 phòng chia sẻ, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, nhưng không phải ai cũng đủ năng lực để làm ngay. “Tôi biết là cần app, cần website, cần tương tác trên mạng xã hội, nhưng thuê người làm thì tốn chi phí, còn tự học thì quá chậm. Trong khi đó, khách giờ toàn đặt phòng qua điện thoại thông minh”.
Nhiều người dân từng kiếm sống từ du lịch theo hình thức tự phát, bán hàng rong, chạy xe du lịch tự do, cho thuê nhà ở, homestay... nay cũng đứng trước áp lực phải thay đổi. Bà Trần Thị Lệ, sống gần khu vực cầu Rồng, cho biết: “Ngày xưa chỉ cần sạch sẽ, niềm nở là có khách. Giờ khách toàn hỏi có Wi-Fi không, đặt phòng qua app, rồi review. Mình không học thì tụt lại”.
Giữa những thách thức đó, các lớp học kỹ năng bán hàng, đào tạo nghề, xây dựng thương hiệu cá nhân online cho chủ homestay... đang thu hút sự quan tâm. Tại khu vực phường Hải Châu 1, trung tâm du lịch của thành phố, mô hình “tổ dân phố du lịch” được triển khai thí điểm với lực lượng tình nguyện viên hỗ trợ du khách, phát tờ rơi hướng dẫn, đồng thời dạy tiếng Anh giao tiếp cơ bản cho tiểu thương và người dân buôn bán quanh chợ.
Đà Nẵng muốn trở thành thành phố du lịch thông minh, điều đó không chỉ cần hệ thống phần mềm hiện đại, mà cần một “hệ điều hành xã hội” mà ở đó, người dân là chủ thể. Khi mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp nhỏ đều là đại sứ du lịch, thành phố sẽ thực sự là điểm đến bền vững, không chỉ với du khách, mà với chính những người sống trong đó.