Hơn 1/3 trong tổng số khoảng 10.000 người dân tại Tuvalu vừa nộp đơn xin thị thực theo diện tị nạn khí hậu để di cư đến Australia. Nằm ở nam Thái Bình Dương, quốc đảo Tuvalu nhỏ bé này là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu. Thủ tướng Tuvalu Feleti Teo nhấn mạnh, hơn một nửa diện tích Tuvalu sẽ thường xuyên bị ngập lụt do thủy triều dâng vào năm 2050 và đến năm 2100, 90% đất nước sẽ bị nhấn chìm trong biển.
Trong khi đó, tại đảo Gardi Sugdub ở Panama, quá trình di dân đã gần như hoàn tất. Những con đường từng tràn ngập tiếng cười trẻ thơ ở Gardi Sugdub giờ trở nên yên ắng, bởi hầu hết cư dân đã chuyển đến nơi ở mới trên đất liền. Đây là một trong những cuộc di cư đầu tiên ở khu vực Mỹ Latin được triển khai theo kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học cảnh báo, đến năm 2050, khoảng 2% lãnh thổ Panama sẽ bị lũ lụt ven biển, một số đảo và bờ biển có thể biến mất, dẫn đến mất đa dạng sinh học và buộc hàng nghìn người di dời.
Tuvalu và Panama chỉ là hai trong số rất nhiều quốc gia ven biển đang phải ứng phó tình trạng nước biển dâng ngày càng nhanh. Theo nghiên cứu do Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa công bố, trong năm 2024, mực nước biển toàn cầu đã tăng 0,59 cm, vượt xa mức dự đoán 0,43cm của các nhà khoa học. Chỉ trong gần 30 năm qua, mực nước biển trung bình trên thế giới đã tăng khoảng 10cm, đe dọa cuộc sống của hàng triệu người dân sống ở khu vực ven biển và các hòn đảo.
Các nhà khoa học cho biết, sự tan chảy của sông băng và hiện tượng giãn nở của nước do nhiệt độ cao là hai nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nước biển dâng. Theo ước tính của Cơ quan Giám sát sông băng thế giới, kể từ năm 1975 đến nay, Trái đất đã mất 9.000 tỷ tấn băng từ các dãy núi, tương đương với một khối băng dày 25m và có diện tích bằng nước Đức. Nếu biến đổi khí hậu không được kiểm soát, hơn 75% sông băng trên thế giới có nguy cơ biến mất vào năm 2100, kéo theo mực nước biển dâng cao và đe dọa nghiêm trọng nguồn cung nước cho hàng tỷ người.
Châu Á là khu vực chịu tác động nặng nề hơn cả do hiện tượng băng tan toàn cầu. Tại các nước ven biển, mực nước biển dâng đồng nghĩa với thủy triều lên cao nhấn chìm nhiều cộng đồng dân cư, gây ô nhiễm nguồn nước ngọt, phá hủy mùa màng, hạ tầng, làm suy giảm đa dạng sinh học và tàn phá nền kinh tế. Ngư nghiệp, nông nghiệp và du lịch là những lĩnh vực gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, chặn đà tăng nhiệt độ của Trái đất là giải pháp hữu hiệu ngăn nước biển dâng cao nhanh chóng. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết, sự gia tăng mực nước biển ở một mức độ nhất định là điều không thể tránh khỏi. Ngay cả khi thế giới ngừng phát thải khí nhà kính ngay lập tức, vẫn sẽ có độ trễ trong tác động của tình trạng nóng lên toàn cầu đối với nhiệt độ đại dương và băng tan.
Vì vậy, nhiều quốc gia ven biển đang tiếp tục triển khai giải pháp thích ứng mực nước biển tăng cao. Trên thực tế, Indonesia đã quyết định xây dựng bức tường chắn biển khổng lồ kéo dài hàng trăm km, nhằm bảo vệ các cánh đồng lúa ở bờ biển phía bắc của đảo Java. Đối với những khu vực dễ bị tổn thương như những đảo nhỏ ở Fiji và Tuvalu, chính quyền cũng di dời dân cư lên vùng đất cao hơn hoặc xây dựng thành phố nổi và lấn biển.
Bên cạnh nỗ lực của các nước, Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay hỗ trợ các quốc gia đang phát triển, dễ bị tổn thương ứng phó hiệu quả mối đe dọa ngày càng hiện hữu này.