Ông Lê Tiến Đại (thứ ba từ phải sang), ở xã La Hiên, tỉnh Thái Nguyên, chia sẻ niềm vui với đoàn cán bộ đến thăm trong ngôi nhà vừa được sửa chữa khang trang.
Ông Lê Tiến Đại (thứ ba từ phải sang), ở xã La Hiên, tỉnh Thái Nguyên, chia sẻ niềm vui với đoàn cán bộ đến thăm trong ngôi nhà vừa được sửa chữa khang trang.

Mãi mãi sáng ngọn lửa tri ân

Ngày 10/7, tại phiên họp thứ 6 Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo đã yêu cầu, các địa phương cần kiểm tra, đôn đốc để chậm nhất tới ngày 24/7, tất cả gia đình người có công với cách mạng phải được hỗ trợ xóa xong nhà tạm, nhà dột nát.

Các địa phương còn số lượng nhà chưa khởi công, cần khẩn trương khởi công đồng loạt, phấn đấu hoàn thành, bàn giao cho người dân trước ngày 15/8.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình từng hộ gia đình, cập nhật số liệu chính xác, tăng cường kiểm tra, đôn đốc “nói đi đôi với làm, làm bằng tinh thần trách nhiệm cao nhất, làm vì nhân dân, vì đất nước, bằng sự sẻ chia từ trái tim”. Chỉ đạo này thể hiện rõ sự quyết tâm cao độ của Chính phủ trong việc không chỉ hiện thực hóa chính sách, mà còn lan tỏa mạnh mẽ tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau” - đặc biệt là những người từng hy sinh, cống hiến cho đất nước.

Từ mái nhà vững chắc đến lòng dân bền chặt...

Hiện nay, tại nhiều địa phương, công tác hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ đang được triển khai với tinh thần khẩn trương, quyết liệt để kịp hoàn thành trước dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2025) theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trong những ngày nắng nóng gay gắt tháng 7, tại xã Yên Phúc (tỉnh Lạng Sơn), một ngôi nhà mới đang dần hình thành. Với nhiều người, đó chỉ là ngôi nhà nhỏ bé, nhưng với bà Nông Thị Việt, 84 tuổi (vợ liệt sĩ Mạc Văn Tăng), đó là niềm mơ ước cả đời sau bao nhiêu năm sống trong căn nhà cấp 4, dột nát, chắp vá. “Một chính sách thật sự nhân ái, có ngôi nhà mới, kiên cố, khang trang để ở, chắc chắn mẹ tôi sẽ vui hơn nhiều”, ông Mạc Văn Thỏa (sinh năm 1964), con trai của bà Việt xúc động khi chia sẻ. Tại xã Điềm He (tỉnh Lạng Sơn), căn nhà mới lợp mái tôn khang trang của ông Lăng Văn Bằng, người tham gia hoạt động kháng chiến, cũng vừa được hoàn thành. Sau nhiều năm phải ở nhà thuê tạm, nhà dột nát, giờ đây có căn nhà mới xây dựng trên nền đất cũ, các con của ông Bằng rất mừng vì được ở gần, phụng dưỡng và chăm sóc bố.

xoanhatam2.png
Con trai bà Nông Thị Việt (vợ liệt sĩ) hứa với mẹ sẽ sớm chuyển sang ngôi nhà mới.

Toàn tỉnh Lạng Sơn hiện đang nỗ lực hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho 104 người có công. Tại các địa phương, cán bộ xã bám sát từng hộ dân, trực tiếp kiểm tra, đôn đốc tiến độ xây dựng để bảo đảm các mái ấm được hoàn thiện kịp thời trong dịp tri ân tháng 7.

Cũng trong không khí khẩn trương đó, chúng tôi đến thăm xã La Hiên (tỉnh Thái Nguyên), nơi đây từng là một trong những căn cứ địa cách mạng quan trọng của vùng trung du, miền núi phía bắc. Nằm trên trục đường chính của xã, ngôi nhà ông Lê Văn Tám, người có công với cách mạng, đang dần được hoàn thiện. Ông Văn Tám đã bước sang tuổi 96, sức khỏe yếu, bệnh nhiều. Thay cha gánh vác phần việc nặng nhọc, anh Lê Văn Hùng, con trai ông đang cùng thợ xây khẩn trương hoàn thành các hạng mục của căn nhà đúng tiến độ đã đề ra. Căn nhà được hỗ trợ 60 triệu đồng từ ngân sách, phần còn lại do gia đình tiết kiệm cùng làng xóm góp công, góp sức. Cùng được hỗ trợ trong dịp này, ông Lê Tiến Đại (83 tuổi) hào hứng chia sẻ: “Khoản tiền hỗ trợ 30 triệu đồng để giúp gia đình tôi sửa chữa nhà là món quà tuyệt vời mà Đảng và Nhà nước dành cho tôi cũng như những người có công với cách mạng”.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã La Hiên, tỉnh Thái Nguyên Trần Đức Tú cho biết: “Chiến tranh qua đi, nhiều gia đình người có công với cách mạng tại địa phương đã được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, không chỉ giúp họ ổn định cuộc sống mà còn thể hiện nghĩa tình và sự tri ân của Đảng, Nhà nước với các thế hệ đã hy sinh, cống hiến cho đất nước. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã chỉ đạo tất cả các ban, ngành, đoàn thể vào cuộc. Chúng tôi đã tập trung hỗ trợ ngày công, huy động các nguồn lực của các nhà hảo tâm trên địa bàn xã và các địa phương khác để việc xây dựng nhà ở cho người có công đạt tiến độ theo quy định”.

Chính sách lớn mang giá trị nhân văn sâu sắc

Ngày 22/11/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 21/2024/QĐ-TTg về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương giai đoạn 2023-2025. Trong đó, quy định số tiền hỗ trợ nhà ở cho người có công từ ngân sách nhà nước (gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) với mức sau: Hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ đối với trường hợp xây mới nhà ở; hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ đối với trường hợp cải tạo, sửa chữa nhà ở; huy động vốn xã hội hóa, vốn góp của gia đình.

Đến ngày 23/4/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 808/QĐ-TTg về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước; phấn đấu đến hết ngày 31/10/2025 cơ bản hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, bao gồm cả 3 chương trình: Hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng; hỗ trợ nhà ở theo các Chương trình mục tiêu quốc gia; xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo.

Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định: Chậm nhất tới ngày 24/7, tất cả gia đình người có công với cách mạng phải được hỗ trợ xóa xong nhà tạm, nhà dột nát. Dự kiến, các địa phương sẽ cơ bản hoàn thành nhiệm vụ nêu trên trong dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ…

Theo Báo cáo số 1184/BC-BDTTG ngày 8/7/2025 của Bộ Dân tộc và Tôn giáo về kết quả triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, tổng số nhà ở cần hỗ trợ đối với người có công trên cả nước là khoảng 44.631 căn; trong đó xây dựng mới: 18.697 căn; sửa chữa, cải tạo: 25.934 căn. Tính đến ngày 8/7/2025, số nhà ở được hỗ trợ đối với người có công với cách mạng trên cả nước là 41.632 căn, trong đó: đã khánh thành 34.792 căn và khởi công, xây dựng dở dang 6.840 căn.

Không chỉ riêng Lạng Sơn hay Thái Nguyên, với tinh thần quyết liệt và đầy trách nhiệm, nhiều địa phương trên cả nước đang chạy đua để công tác hỗ trợ xây dựng, xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công với cách mạng hoàn thành đúng tiến độ mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo. Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Văn Giang cho biết: Là tỉnh biên giới vẫn còn nghèo, tuy nhiên công tác chăm sóc người có công hiện nay đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Ngoài nguồn lực mà Đảng và Nhà nước hỗ trợ, tỉnh Lạng Sơn đã huy động nhiều nguồn hỗ trợ, xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và hằng năm trích từ nguồn này ra để xóa nhà dột nát và nâng cao mức sống cho người có công.

Phó Cục trưởng Người có công (Bộ Nội vụ) Nguyễn Xuân Long chia sẻ: “Năm 2025, một năm có ý nghĩa đặc biệt khi đất nước kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập nước (2/9/1945-2/9/2025), ngay từ những phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo Trung ương về xóa nhà tạm, nhà dột nát, Thủ tướng Chính phủ đã đặc biệt quan tâm tới nhóm người có công với cách mạng. Theo báo cáo từ các địa phương và Bộ Dân tộc và Tôn giáo, công tác triển khai đã và đang diễn ra nhanh chóng, hiệu quả, với cam kết mạnh mẽ rằng chậm nhất đến ngày 24/7, toàn bộ số gia đình người có công sẽ được hoàn thành việc hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Tính đến nay, có thể nói công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công về cơ bản đã hoàn thành, đây không chỉ là chỉ tiêu hành chính, mà còn là niềm vui, là sự tri ân cụ thể khi người có công được sống trong những ngôi nhà khang trang, ấm áp nghĩa tình”.

Xem thêm