Hội thảo quốc gia “Nữ giới trong thực hiện giáo dục và bảo vệ quyền con người”.
Hội thảo quốc gia “Nữ giới trong thực hiện giáo dục và bảo vệ quyền con người”.

Khẳng định vai trò của nữ giới trong giáo dục và bảo vệ quyền con người

Nữ giới không chỉ là một bộ phận cần được bảo vệ mà chính là lực lượng nòng cốt, là nguồn nhân lực quan trọng trong sự nghiệp phát triển giáo dục, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng và tôn trọng quyền con người.

Ngày 20/7, Học viện Tài chính tổ chức Hội thảo quốc gia “Nữ giới trong thực hiện giáo dục và bảo vệ quyền con người”. Hội thảo là diễn đàn khoa học quan trọng nhằm đánh giá vai trò của phụ nữ trong tiến trình giáo dục và thúc đẩy quyền con người tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Nhà giáo ưu tú, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đào Tùng, Giám đốc Học viện Tài chính cho biết, Việt Nam đang ở trong giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ – kỷ nguyên của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, của chuyển đổi số toàn diện, của hội nhập quốc tế sâu rộng, của tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, giáo dục và quyền con người không thể bị xem nhẹ, càng không thể thiếu vắng vai trò của nữ giới.

dsc01440.jpg
Nhà giáo ưu tú, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đào Tùng, Giám đốc Học viện Tài chính phát biểu tại Hội nghị.

Hội thảo đã phân tích sâu sắc thực trạng sự tham gia của nữ giới trong lĩnh vực giáo dục và bảo vệ quyền con người tại Việt Nam, với những minh chứng cụ thể từ các cơ sở giáo dục, cơ quan chính quyền ở các vùng thành thị, nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tiến sĩ Lâm Thị Thanh Huyền, Học viện Tài chính cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số sâu rộng, quyền con người và bình đẳng giới trở thành những tiêu chí cốt lõi trong việc hoạch định và đánh giá chính sách phát triển bền vững. Trong đó, giáo dục đóng vai trò trung tâm không chỉ trong việc trang bị tri thức mà còn định hình tư duy, giá trị và hành vi xã hội của mỗi cá nhân.

Dẫn chứng làm rõ Việt Nam chủ động tham gia vào hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người do Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác ban hành, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, Học viện Tài chính nhấn mạnh, Việt Nam tham gia tích cực tại các diễn đàn khác của Liên hợp quốc về quyền con người như Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc (United Nations Economic and Social Council - ECOSOC) hoặc Ủy ban 3 của Đại hội đồng, để trao đổi về các vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm và giới thiệu về các nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người.

dsc01421.jpg
Quang cảnh Hội thảo.

Việt Nam đã xây dựng được hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội, trong đó chú trọng xây dựng pháp luật về quyền con người tương đối toàn diện, phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước và từng bước tương thích với các quy định quốc tế về quyền con người.

Chương trình hành động quốc gia về quyền con người đến năm 2025, ban hành kèm theo Quyết định số 1076/QĐ-TTg ngày 14/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là “đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục phổ thông và đại học”.

Giáo dục và bảo vệ quyền con người là yếu tố then chốt để phát triển xã hội bền vững, phù hợp với tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ trương của Đảng, Nhà nước ta. Trong kỷ nguyên mới, một trong những điểm cốt lõi chính là hướng tới mục tiêu mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đồng thời đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam, sự tham gia và đại diện của nữ giới trong lĩnh vực giáo dục và hệ thống bảo vệ quyền con người vẫn còn bị hạn chế bởi nhiều rào cản về văn hóa, thể chế và cơ hội tiếp cận.

dsc01587.jpg
Tiến sĩ Lâm Thị Thanh Huyền, Học viện Tài chính phát biểu tại Hội thảo.

Tại hội thảo, đại diện các Viện nghiên cứu Con người, Gia đình và Giới, Học viện Phụ nữ Việt Nam, Học viện Tài chính đã đưa ra kiến nghị xác đáng và thiết thực để phát huy vai trò của nữ giới trong lĩnh vực này.

Các đại biểu thống nhất đẩy mạnh việc xây dựng các chương trình giáo dục quyền con người có lồng ghép giới tính và sự tham gia tích cực của nữ giới trong vai trò giáo viên, người làm công tác quản lý và hoạch định chính sách.

Cần tăng cường đầu tư vào các chính sách hỗ trợ phụ nữ ở vùng khó khăn, dân tộc thiểu số; Khuyến khích sự tham gia của phụ nữ trong các diễn đàn, tổ chức, mạng lưới xã hội về quyền con người và giáo dục quyền con người;

Đồng thời, thúc đẩy các nghiên cứu liên ngành, liên lĩnh vực về giới và quyền con người trong môi trường giáo dục mạnh mẽ hơn nữa.

Việc nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia đi trước để vận dụng vào Việt Nam trong thời gian tới cho thấy rằng bình đẳng giới trong giáo dục và quyền con người, trong đó có vai trò của nữ giới không thể đạt được chỉ bằng những chính sách rời rạc mà đòi hỏi một hệ sinh thái pháp lý, tổ chức, thực thi chặt chẽ, từ đó góp phần xây dựng một xã hội công bằng, bền vững và hướng đến phát triển toàn diện.

Xem thêm