Nhân viên Bưu điện tỉnh Tuyên Quang vận chuyển bưu phẩm.
Nhân viên Bưu điện tỉnh Tuyên Quang vận chuyển bưu phẩm.

Giữ thông suốt hoạt động bưu chính

Việc thay đổi địa giới hành chính đặt ra không ít thách thức cho hoạt động chuyển phát, đặc biệt là nguy cơ sai lệch thông tin, chậm trễ hoặc thất lạc bưu gửi do không đồng nhất địa chỉ giữa các hệ thống dữ liệu.

Nhằm bảo đảm quá trình khai thác, vận chuyển và phát bưu gửi diễn ra thông suốt, Bưu điện Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực và cụ thể, đáp ứng kịp thời yêu cầu của các cơ quan đảng, chính quyền và người dân.

Với mạng lưới gần 13.000 điểm phục vụ trên toàn quốc, Bưu điện Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn khi sáp nhập địa giới hành chính. Hiện, đã có nhiều khách hàng, tổ chức, doanh nghiệp và một số cơ quan nhà nước đã sử dụng hoàn toàn địa chỉ hành chính mới, trong khi không ít người dân và một bộ phận nghiệp vụ vẫn có thói quen dùng địa chỉ cũ.

Sự không đồng nhất này khiến việc vận hành, từ khâu phát hàng, xử lý dữ liệu đến đối soát thông tin gặp sai lệch hoặc chậm trễ nếu không có công cụ hỗ trợ chuyển đổi chính xác và linh hoạt. Đặc biệt, tại các khu vực xã, phường mới thành lập hoặc chia tách, địa chỉ mới có thể trùng hoặc nhiều địa chỉ cũ, mới còn lẫn lộn, gây khó khăn trong việc xác định địa điểm duy nhất.

Ngoài ra, hệ thống dữ liệu đầu vào của các bộ phận và đối tác bên ngoài cũng chưa đồng nhất về cấu trúc và mã định danh, cho nên việc tích hợp và đồng bộ hóa dữ liệu đòi hỏi nhiều kiểm thử, xử lý ngoại lệ và bảo đảm tương thích giữa các hệ thống.

Trao đổi với phóng viên, ông Nghiêm Tuấn Anh, Giám đốc Bưu điện tỉnh Tuyên Quang cho biết, với 124 xã, phường mới sau sáp nhập, trong những ngày đầu khi mô hình chính quyền mới đi vào hoạt động, cán bộ, nhân viên Bưu điện cũng bỡ ngỡ. Tuy nhiên, từng công đoạn đã được rà soát một cách cẩn trọng nhờ đó hành trình đường thư của Bưu điện bảo đảm đúng hiệu suất, đủ công đoạn, phục vụ tốt nhất cho mô hình chính quyền mới.

Anh Gia Long, nhân viên Bưu điện Tỉnh Tuyên Quang chia sẻ, bằng kinh nghiệm và kỹ năng nhớ địa chỉ, chúng tôi đã nhanh chóng cập nhật và thực hiện tốt các nhiệm vụ của mình. Người dân, khách hàng có thể tin tưởng tuyệt đối vào bưu điện dù bưu phẩm là địa chỉ cũ hay mới; chỉ cần nhìn vào địa chỉ của bưu gửi chúng tôi có thể biết được địa chỉ mới hay cũ để chuyển đổi và phát bưu kiện, bưu phẩm chính xác.

Nhằm bảo đảm quá trình khai thác, vận chuyển và phát bưu gửi không bị gián đoạn trong tình hình mới, Bưu điện Việt Nam đã phát triển Công cụ tra cứu chuyển đổi địa chỉ hành chính tại địa chỉ https://diachi.vnpost.vn. Công cụ không chỉ giúp bảo đảm các hệ thống nghiệp vụ của Bưu điện không bị gián đoạn do thay đổi địa giới hành chính mà còn hướng tới khả năng hỗ trợ rộng rãi cho các đối tác, khách hàng và các đơn vị bên ngoài có liên quan.

Thông qua công cụ này, người dùng dễ dàng tìm địa chỉ mới từ địa chỉ cũ và ngược lại. Tính năng này đặc biệt hữu ích trong việc lưu trữ, đối soát thông tin khách hàng, cũng như bảo đảm tính chính xác cho các hoạt động giao nhận, chăm sóc khách hàng và vận hành dữ liệu.

Với định hướng tích hợp linh hoạt, hệ thống được thiết kế để kết nối dễ dàng với các nền tảng công nghệ của đối tác, khách hàng doanh nghiệp và các nhà cung cấp dịch vụ thông qua Giao diện lập trình ứng dụng (API) và bảng mã tiêu chuẩn. Nhờ đó, các tổ chức có thể nhanh chóng cập nhật dữ liệu địa chỉ hành chính mới mà không làm gián đoạn chuỗi hoạt động, từ khâu giao hàng, xử lý đơn hàng đến chăm sóc khách hàng...

Cơ sở dữ liệu địa chỉ số mà Bưu điện Việt Nam đang sở hữu hiện bao gồm hơn 23 triệu địa chỉ thực tế trên toàn quốc, được thu thập và chuẩn hóa trong suốt quá trình cung cấp dịch vụ. Đây là nền tảng dữ liệu trọng yếu, không chỉ phục vụ nội bộ mà còn đóng vai trò then chốt trong các giải pháp số.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, cơ sở dữ liệu địa chỉ số mà Bưu điện Việt Nam đang sở hữu hiện bao gồm hơn 23 triệu địa chỉ thực tế trên toàn quốc, được thu thập và chuẩn hóa trong suốt quá trình cung cấp dịch vụ. Đây là nền tảng dữ liệu trọng yếu, không chỉ phục vụ nội bộ mà còn đóng vai trò then chốt trong các giải pháp số.

Bên cạnh ứng dụng địa chỉ số, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cũng đã chủ động rà soát, đánh giá toàn diện các khâu trong quy trình sản xuất, kinh doanh, nhằm xác định sớm các nguy cơ rủi ro có thể phát sinh. Đặc biệt, Bưu điện Việt Nam đã thiết lập hệ thống phản hồi nhanh, nơi các bưu tá, giao dịch viên có thể phản ánh vướng mắc và nhận hỗ trợ ngay trong ngày. Việc kiểm tra chất lượng dịch vụ cũng được tăng cường, nhằm bảo đảm dù địa chỉ hành chính có thay đổi, người nhận vẫn nhận được hàng đúng nơi, đúng thời gian, không bị chậm trễ hay hoàn trả sai.

Để vận hành tốt mô hình mới, hơn 8.000 cán bộ, nhân viên Bưu điện trên toàn quốc cũng đã có mặt tại các Trung tâm phục vụ hành chính công để tham gia hỗ trợ cấp xã triển khai thủ tục hành chính, hướng dẫn người dân nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến; chuyển hồ sơ giữa các cơ quan đơn vị, trả kết quả giải quyết thủ tục cho dân qua đường bưu điện. Bà Vũ Thị Châu Giang, Giám đốc Bưu điện tỉnh Ninh Bình cho biết, đã rà soát, cập nhật thông tin hành chính mới trên toàn bộ hệ thống mạng lưới, phần mềm nghiệp vụ để bảo đảm địa chỉ hành chính của người dân, cơ quan tiếp nhận và trả kết quả được chính xác tuyệt đối.

Tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, tập trung nguồn lực triển khai đồng bộ các tiện ích ứng dụng và đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất, kinh doanh, Bưu điện Việt Nam đang ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân trong giai đoạn phát triển mới.

Xem thêm