Quang cảnh buổi Tọa đàm.
Quang cảnh buổi Tọa đàm.

Giải pháp hồi sinh những dòng sông chết

Ngày 10/7, tại Trung tâm Báo chí Thủ đô, Báo Tiền Phong phối hợp Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Tọa đàm “Giải pháp hồi sinh những dòng sông chết” để tìm ra các giải pháp có tính khả thi, hiệu quả, thực tiễn khi triển khai chủ trương hồi sinh các dòng sông.

Nhiều dòng sông ô nhiễm nghiêm trọng

Dự Tọa đàm có các khách mời là những chuyên gia, nhà khoa học có uy tín như: Ông Nguyễn Hồng Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Nông nghiệp và Môi trường); Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Hòa, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam; Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường; chuyên gia Nguyễn Trường Duy, Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam. Tọa đàm cũng có sự hiện diện của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Ninh Bình…

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, nhà báo Phùng Công Sưởng, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong nhấn mạnh, thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực, giải pháp thay thế nguồn nước, thau rửa sông Tô Lịch và các dòng sông bị ô nhiễm.

Hà Nội cũng đã phối hợp các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ để xử lý nguồn nước cho các dòng sông như: Dự án thoát nước giai đoạn 1, giai đoạn 2, xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá... góp phần cải thiện môi trường các dòng sông.

Các giải pháp này ít nhiều đã có kết quả nhưng về tổng thể vẫn cần những giải pháp có tính hệ thống, đồng bộ, có tính liên kết cao hơn để kiểm soát được dòng nước. Bởi vậy, Tọa đàm mong muốn các chuyên gia, lãnh đạo sở, ngành địa phương cùng mổ xẻ khó khăn, hiến kế, đưa ra các giải pháp cải tạo tốt nhất cho các dòng sông.

ong-hieu1.jpg
Ông Nguyễn Hồng Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước phát biểu tại Tọa đàm.

Cung cấp bức tranh ô nhiễm của các dòng sông trên cả nước, ông Nguyễn Hồng Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 3.450 con sông, phân bố trên 3 lưu vực sông lớn và các khu vực sông ven biển.

Dưới áp lực của quá trình phát triển kinh tế-xã hội, nhiều dòng sông ở nước ta đang bị ô nhiễm ở các mức độ khác nhau, đặc biệt là tại khu vực trung và hạ lưu - nơi có mật độ dân cư đông và nhiều hoạt động sản xuất, đô thị.

Tình trạng ô nhiễm xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: Nước thải sinh hoạt đô thị lên tới hơn 9 triệu m3/ngày nhưng mới xử lý được khoảng 17%; nước thải từ các khu công nghiệp, làng nghề vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất nhỏ xử lý phân tán, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm cao; việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi thiếu kiểm soát gây tồn dư hóa chất ra môi trường nước; ý thức người dân còn hạn chế khi đổ chất thải rắn bừa bãi vào hệ thống sông, hồ. Cùng với đó là tác động của biến đổi khí hậu như mùa khô kéo dài, mưa lớn gây ngập úng khiến ô nhiễm tích tụ và gia tăng.

Ngày 24/1/2025 vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Chỉ thị số 2/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách tăng cường công tác kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước một số lưu vực sông. Chỉ thị đã giao cho các bộ, ngành, địa phương nhiệm vụ cụ thể, cấp bách để giải quyết vấn đề ô nhiễm các hệ thống sông.

Đề xuất nhiều giải pháp cải tạo các dòng sông

Tại tọa đàm, đại diện cơ quan chức năng và các chuyên gia đã chia sẻ các giải pháp cụ thể để hồi sinh những dòng sông đã và đang bị ô nhiễm nghiêm trọng trong nội đô Hà Nội.

Theo ông Lê Đình Du, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng cấp thoát nước (Sở Xây dựng Hà Nội), Thành phố Hà Nội đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hồi sinh sông Tô Lịch. Trước mắt, các dự án nạo vét lòng sông, thu gom cửa xả nước thải đang được đẩy nhanh tiến độ để đến ngày 30/8/2025 phải hoàn thành. Sau đó, sẽ đưa nước đã xử lý từ Nhà máy Yên Xá vào sông Tô Lịch qua hệ thống đập dâng ở cầu Quang và bổ cập thêm nước từ hồ Tây để tạo dòng chảy. Về lâu dài, thành phố sẽ chỉnh trang cảnh quan hai bên sông, lấy ý kiến cộng đồng và chuyên gia để phát triển không gian văn hóa, hướng tới hình thành tuyến du lịch đô thị dọc sông.

Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho biết, Hà Nội đã áp dụng nhiều giải pháp đúng và trúng, thể hiện quyết tâm lớn. Ông gợi ý nên học tập mô hình quản lý phân lưu vực từ Trung Quốc, lắp trạm bơm nhỏ dọc sông để bổ cập nước nhanh, rẻ.

Đồng thời, theo Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, muốn có giải pháp riêng cho từng dòng sông phải có dữ liệu số, quan trắc riêng biệt.

dai-bieu.jpg
Nhiều chuyên gia, nhà khoa học tham dự Tọa đàm.

Chuyên gia Nguyễn Trường Duy, Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam cho rằng, cần kết hợp cả giải pháp công trình và phi công trình. Mực nước các sông hiện nay đều hạ thấp, chỉ có giải pháp là tôn đáy sông, tạo các đập dâng mới có thể bảo đảm mực nước, giúp khai thác các dòng sông theo hướng đa mục tiêu, đa ngành, ít ảnh hưởng đến môi trường chung quanh. Đồng thời, cần xử lý triệt để nước thải trước khi đổ ra sông và tăng cường trách nhiệm pháp lý cho cơ quan cấp phép xả thải.

Ông Nguyễn Hồng Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, cho biết Bộ đang xây dựng Đề án thí điểm phục hồi các dòng sông, dự kiến trình Chính phủ trước tháng 1/2026. Đề án sẽ rà soát quy trình vận hành thủy lợi, kiểm soát nước thải, khuyến khích doanh nghiệp cùng tham gia cải tạo dòng chảy, tạo cơ chế phối hợp liên vùng để khắc phục tình trạng ô nhiễm và cạn kiệt nguồn nước.

Tại Tọa đàm, đại diện các địa phương như Hưng Yên, Ninh Bình... đều chia sẻ thách thức trong kiểm soát nước thải từ các tỉnh thượng nguồn và kiến nghị tăng cường liên kết vùng, tái lập các Ủy ban lưu vực sông như Nhuệ-Đáy để bảo đảm điều tiết nguồn nước đồng bộ.

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Hòa, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cũng cho rằng, để giải quyết vấn đề về ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt các dòng sông không phải của riêng địa phương nào. Các địa phương phải bắt tay hợp tác giải quyết để có giải pháp tổng thể. Việc liên kết vùng không chỉ riêng về vấn đề thuỷ lợi, ứng phó thiên tai mà phải quyết liệt xử lý nước thải liên quan tới cả hệ thống dòng sông.

Xem thêm