Cán bộ, kỹ thuật viên Khoa Xét nghiệm sinh học, Viện Pháp y Quân đội thực hiện quy trình giám định AND hài cốt liệt sĩ.
Cán bộ, kỹ thuật viên Khoa Xét nghiệm sinh học, Viện Pháp y Quân đội thực hiện quy trình giám định AND hài cốt liệt sĩ.

Giải “bài toán ngược” giữa dòng chảy lịch sử

Xác định danh tính cho hàng trăm nghìn liệt sĩ vô danh, những người đã hiến dâng tuổi xuân, xương máu cho độc lập, tự do của Tổ quốc là một hành trình đầy gian nan nhưng cũng vô cùng thiêng liêng.

Trên dải đất hình chữ S, nơi từng thấm đẫm máu và nước mắt của bao thế hệ cha anh, vẫn còn đó hàng trăm nghìn ngôi mộ chưa có tên. Họ nằm lại trầm mặc trong các nghĩa trang liệt sĩ, trên bia mộ chỉ vỏn vẹn bốn chữ: “Liệt sĩ vô danh”. Việc tìm lại tên cho họ chính là lời tri ân sâu nặng nhất của Tổ quốc.

Bài toán xác định danh tính liệt sĩ là một “bài toán ngược” đầy thách thức. Đó là hành trình đi từ hiện tại, từ những bộ hài cốt đã bị thời gian và điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên bào mòn để lần về quá khứ, tìm lại tên cho các anh, một mảnh ghép còn thiếu trong bức tranh lịch sử hào hùng. Đó không chỉ là công việc khoa học đơn thuần mà còn là lòng biết ơn, trách nhiệm và tình đồng đội thiêng liêng xuyên qua bao thế hệ.

Một chiến dịch đặc biệt: 20 ngày cho 6 tên tuổi trở lại

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Quốc phòng, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần–Kỹ thuật và Cục Quân y, Viện Pháp y Quân đội đã triển khai một chiến dịch đặc biệt: Đẩy nhanh tiến độ giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Đây không chỉ là một nhiệm vụ chuyên môn mà còn là một cuộc chạy đua với thời gian với những thách thức về khoa học và sự kỳ vọng của các gia đình thân nhân liệt sĩ.

z6837198411050-bddf987c08cd8c11f21823b4143ffc35.jpg
Trung tướng Trần Minh Đức, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần–Kỹ thuật kiểm tra quá trình thực hiện nhiệm vụ của Viện Pháp y Quân đội.

Đại tá Nguyễn Văn Lợi, Viện trưởng Viện Pháp y Quân đội chia sẻ: “Chúng tôi đã thu thập và lấy 88 mẫu từ thân nhân liệt sĩ tại nhiều địa phương các tỉnh: Nghệ An, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa. Công việc này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ với các ban ngành liên quan, chính quyền địa phương, các ban liên lạc cựu chiến binh và thân nhân liệt sĩ. Mỗi cuộc hành trình đến các địa phương không chỉ là đi lấy mẫu mà còn là những buổi gặp gỡ đong đầy cảm xúc, lắng nghe những câu chuyện về các liệt sĩ đã hy sinh, chia sẻ nỗi niềm và hy vọng của các gia đình”.

Viện Pháp y Quân đội đã tiến hành giám định 109 mẫu thân nhân và 30 mẫu hài cốt. Đây là một khối lượng công việc khổng lồ, đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác tuyệt đối trong từng khâu, từ chuẩn bị mẫu, tách chiết ADN cho đến phân tích dữ liệu trên các thiết bị hiện đại. Chỉ trong vỏn vẹn 20 ngày làm việc liên tục, với cường độ làm việc cao độ, các cán bộ kỹ thuật viên của Viện Pháp y Quân đội đã đạt được những kết quả đáng kinh ngạc.

Theo Thượng tá Nguyễn Tất Thọ, Phó Viện trưởng Viện Pháp y Quân đội, chúng tôi được biết: Viện đã xác định thành công 6 cặp hài cốt và thân nhân có quan hệ huyết thống theo dòng mẹ. Như vậy, 6 cái tên được tìm thấy không chỉ là một con số mà là 6 gia đình được xoa dịu nỗi đau, 6 linh hồn được trở về với đúng danh tính của mình, 6 phần lịch sử được hoàn thiện.

Đây là một thành quả đáng ghi nhận không chỉ về mặt kỹ thuật mà còn về tinh thần trách nhiệm, ý chí kiên cường và tình cảm sâu sắc dành cho những người đã hy sinh. Nó minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ, sự tận tâm của những cán bộ, nhân viên Viện Pháp y Quân đội.

Hành trình khoa học và những thách thức thầm lặng

Công việc giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ mang ý nghĩa khoa học, lịch sử đặc biệt nhưng cũng chất chứa bao áp lực và kỳ vọng. Đó là một công việc đòi hỏi sự kết hợp giữa kiến thức chuyên môn sâu rộng về sinh học phân tử, di truyền học và sự am hiểu về lịch sử, địa lý chiến trường.

Như những người trực tiếp làm nhiệm vụ trong phòng thí nghiệm, các kỹ thuật viên Khoa Xét nghiệm sinh học, Viện Pháp y Quân đội luôn đối mặt với những thách thức lớn. “Khó khăn lớn nhất chúng tôi đang đối mặt chính là chất lượng mẫu, vốn đã bị phân hủy nghiêm trọng qua hàng chục năm trong điều kiện khí hậu nóng ẩm, khắc nghiệt của Việt Nam,” – Trung tá Nguyễn Thị Ngọc Anh, Phó Chủ nhiệm Khoa Xét nghiệm sinh học chia sẻ với ánh mắt đầy trăn trở.

Hài cốt liệt sĩ đã nằm sâu dưới lòng đất hàng thập kỷ, chịu tác động của độ ẩm, nhiệt độ cao, vi sinh vật khiến ADN bị phân mảnh, suy giảm nhanh chóng. Việc thu nhận đủ lượng ADN đạt chuẩn để phân tích là một thách thức không hề nhỏ, đòi hỏi kỹ thuật viên phải có kinh nghiệm, sự kiên nhẫn và áp dụng các phương pháp tách chiết, khuếch đại ADN tiên tiến nhất.

z6837198670067-af0a97a04cc928fb08594d5dcc4c61c0.jpg
Cán bộ, kỹ thuật viên Khoa Xét nghiệm sinh học, Viện Pháp y Quân đội thực hiện quy trình giám định AND hài cốt liệt sĩ.

Bên cạnh đó là bài toán không kém phần nan giải: thiếu nguồn mẫu đối chiếu từ thân nhân liệt sĩ. Đây là một thực tế đau lòng. Nhiều liệt sĩ hy sinh khi còn rất trẻ, chưa lập gia đình hoặc gia đình không còn người thân trực hệ có thể cung cấp mẫu đối chiếu (như mẹ ruột, con cái).

Thông tin về gia đình, quê quán của liệt sĩ cũng bị thất lạc theo dòng thời gian do chiến tranh loạn lạc, do sự di cư hoặc do các thế hệ sau không nắm rõ. Điều này đòi hỏi những người làm công tác giám định phải linh hoạt, tìm kiếm những nguồn mẫu đối chiếu tiềm năng khác như anh chị em ruột, cô dì chú bác, thậm chí là những đồng đội cũ. Họ là những người tuy không có quan hệ huyết thống nhưng lại nắm giữ những thông tin quý giá về liệt sĩ và gia đình liệt sĩ.

Những người như Trung tá Nguyễn Thị Ngọc Ánh cùng toàn thể đội ngũ của mình, không chỉ là những nhà khoa học làm việc với các thiết bị hiện đại mà còn là những người mang trong mình sứ mệnh nhân văn sâu sắc. Họ hiểu rằng, mỗi mẫu hài cốt đưa về phòng thí nghiệm không chỉ là một vật chứng mà là một phần xương máu của người anh hùng, là niềm hy vọng của cả một gia đình. Sự tỉ mỉ, cẩn trọng trong từng thao tác, sự kiên trì trong việc tìm kiếm dù chỉ là một đoạn ADN nhỏ nhất đều xuất phát từ lòng biết ơn vô hạn đối với sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ. Họ không ngừng nghiên cứu, cải tiến quy trình, áp dụng những công nghệ mới nhất để nâng cao tỷ lệ thành công.

Ba “chìa khóa” để giải bài toán ngược

Để vượt qua những thách thức tưởng chừng như không thể, Viện Pháp y Quân đội đã xây dựng một chiến lược bài bản, dựa trên ba “chìa khóa” quan trọng: Ý chí quyết tâm từ lãnh đạo đến từng cán bộ nhân viên. Kết hợp chặt chẽ giữa giám định ADN và tra cứu lịch sử chiến đấu. Đầu tư đồng bộ nhân lực và trang thiết bị.

Toàn thể cán bộ, kỹ thuật viên của viện đều xác định đây là một nhiệm vụ thiêng liêng, là danh dự của người lính, của người làm khoa học. Họ hiểu rằng, mỗi hài cốt được xác định danh tính không chỉ là một thành công về mặt chuyên môn mà còn là sự trả ơn, sự tri ân sâu sắc đối với những người đã hy sinh. Tinh thần “vì đồng đội, vì Tổ quốc” luôn được đặt lên hàng đầu, thúc đẩy họ làm việc không ngừng nghỉ, vượt qua mọi khó khăn, áp lực.

Việc kết hợp chặt chẽ giữa giám định ADN và tra cứu lịch sử chiến đấu, yếu tố then chốt giúp khoanh vùng, định hướng tìm kiếm mẫu thân nhân một cách hiệu quả. Viện Pháp y Quân đội đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan như Cục Người có công (Bộ Lao động–Thương binh và Xã hội trước đây), Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng), các địa phương và đặc biệt là Ban liên lạc cựu chiến binh.

Từ thông tin về khu vực nghĩa trang liệt sĩ, đơn vị chiến đấu, thời gian hy sinh, các nhà khoa học có thể lần tìm về thân nhân có khả năng liên hệ huyết thống, từ đó thu thập mẫu đối chiếu chính xác.

Để bảo đảm chất lượng và độ chính xác của kết quả giám định, Viện Pháp y Quân đội không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật. Họ thường xuyên được huấn luyện, cập nhật các kỹ thuật giám định hiện đại nhất trong khu vực, đào tạo nâng cao nghiệp vụ. Song song đó, việc rà soát và bổ sung, bảo dưỡng trang thiết bị định kỳ, bảo đảm sở hữu những máy móc hiện đại là điều kiện tiên quyết để thực hiện nhiệm vụ.

Khi tình đồng đội làm nên phép màu

Trong hành trình đầy gian truân ấy, có những câu chuyện lay động lòng người, minh chứng cho sức mạnh của tình đồng đội và lòng tri ân sâu sắc. Câu chuyện về Liệt sĩ Ngô Văn Phóng, nguyên quán tại Lý Nhân, Hà Nam–chiến sĩ thuộc Sư đoàn 330, Quân khu 9–là một minh chứng xúc động cho tình đồng đội xuyên thế hệ.

Anh hy sinh năm 1973, trong những năm tháng cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ và được chôn cất tại Nghĩa trang liệt sĩ Ngã Bảy (nay thuộc thành phố Cần Thơ). Hơn 50 năm sau, khi đoàn công tác đến tỉnh Hà Nam để lấy mẫu thân nhân, thì một khó khăn bất ngờ ập đến: họ không liên lạc được với em trai của liệt sĩ–người duy nhất còn sống có thể cung cấp mẫu đối chiếu theo dòng mẹ.

Lúc đó đã gần 5 giờ chiều, thời điểm mà nhiều người nghĩ đến việc kết thúc một ngày làm việc. Nhưng các cán bộ của Viện Pháp y Quân đội không dừng lại mà khẩn trương lập tức được kết nối với Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 1, Sư đoàn 330, những người đồng đội năm xưa của Liệt sĩ Ngô Văn Phóng.

Từ Hà Nội, từ Hà Nam cũ, các cựu chiến binh dù tuổi cao, sức yếu vẫn không quản ngại lập tức bắt tay vào việc lần tìm, xác minh, liên hệ khẩn trương suốt đêm. Bằng tình đồng đội sâu nặng, sự kiên trì không mệt mỏi và mạng lưới thông tin của những người lính từng vào sinh ra tử, đến gần nửa đêm, địa chỉ mới của gia đình liệt sĩ đã được xác định. 6 giờ sáng hôm sau, không một phút chậm trễ, đoàn công tác lên đường và người dẫn đường là chính các cựu binh. Đoàn công tác đã gặp được bà Ngô Thị Chanh và bà Ngô Thị Mười là chị gái và em gái Liệt sĩ Ngô Văn Phóng.

z6837198870872-f812150718475a9b77cb1e3eaa4a4fd6.jpg
Cán bộ Viện Pháp y Quân đội lấy mẫu tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.

Kết quả xét nghiệm ADN sau đó đã mang lại niềm hạnh phúc vỡ òa. Mẫu răng của hài cốt tại mộ số 6, hàng 7, lô C, Nghĩa trang liệt sĩ Ngã Bảy có quan hệ huyết thống theo dòng mẹ với thân nhân Liệt sĩ Phóng. Vậy là đã tìm được tên anh, người con sau bao năm nay đã được trở về với gia đình. Câu chuyện này không chỉ là một thành công về mặt khoa học mà còn là biểu tượng sống động cho sức mạnh của tình người, tình đồng đội và lòng tri ân.

Việc xác định danh tính liệt sĩ bằng ADN không chỉ là trách nhiệm của ngành Quân y hay các nhà khoa học. Đó là một công việc đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng. Mỗi người dân đều có thể trở thành một mắt xích quan trọng trong hành trình này. Từ việc cung cấp thông tin quý giá về các liệt sĩ, gia đình họ, đơn vị chiến đấu cho đến việc hợp tác lấy mẫu khi có yêu cầu và lan tỏa ý nghĩa nhân văn của công tác này đến mọi tầng lớp trong xã hội. Càng nhiều thông tin được cung cấp, càng nhiều mẫu thân nhân được đối chiếu thì cơ hội để những liệt sĩ vô danh được tìm thấy tên càng lớn.

Từ năm 2020 đến nay, Viện Pháp y Quân đội đã khai quật, giám định hình thái học hài cốt, lấy mẫu hài cốt và mẫu sinh phẩm của thân nhân gia đình liệt sĩ tại nhiều địa phương và các nghĩa trang liệt sĩ, hiện đang lưu và bảo quản 2.699 mẫu HCLS. Phân tích ADN được 396 mẫu hài cốt và thân nhân liệt sĩ, xác định được danh tính của 61 liệt sĩ và đã trả kết luận giám định ADN cho Cục Người có công-Bộ Nội vụ.

Con số này, tuy còn nhỏ bé so với hàng trăm ngàn mộ vô danh, nhưng họ vẫn nghị lực, kiên cường, bền bỉ giải “bài toán ngược” của lịch sử, góp phần xoa dịu nỗi đau của thân nhân, gia đình các liệt sĩ, để mãi mãi tri ân những người đã bảo vệ và gìn giữ non sông này.

Xem thêm