Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao Thông báo kết quả giám định ADN hài cốt liệt sĩ cho đại diện thân nhân các gia đình liệt sĩ. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao Thông báo kết quả giám định ADN hài cốt liệt sĩ cho đại diện thân nhân các gia đình liệt sĩ. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Chạy đua với thời gian, đáp ứng sự mong mỏi của thân nhân gia đình liệt sĩ

Chiều 25/7, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến sơ kết 1 năm triển khai kế hoạch số 356/KH-BCA-C06 về thu nhận mẫu ADN cho thân nhân của liệt sĩ chưa xác nhận được danh tính trên toàn quốc do Bộ Công an tổ chức nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2025).

Cùng dự có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Hội nghị được truyền trực tuyến đến 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội–C06 (Bộ Công an), ngày 23/7/2024, Bộ Nội vụ (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trước đây) phối hợp Bộ Công an tổ chức Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2024 và ra mắt ngân hàng Gen (ADN) của thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Công tác rà soát, kiến nghị và đề xuất điều chỉnh bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật: Ngày 5/12/2024, C06 đã tham mưu cho Bộ Công an đã ban hành Quyết định số 9686/QĐ-C06-TTDLDC phê duyệt hướng dẫn cơ quan, tổ chức xét nghiệm, phân tích, tạo lập dữ liệu phục vụ việc thu thập, cập nhật thông tin sinh trắc học ADN vào cơ sở dữ liệu Căn cước.

ndo_br_a1-5997.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dự Hội nghị trực tuyến sơ kết 1 năm triển khai kế hoạch về thu nhận mẫu ADN cho thân nhân liệt sĩ. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Công tác lập danh sách thông tin các liệt sĩ chưa xác định được danh tính và thông tin thân nhân: C06 đã chỉ đạo Công an các đơn vị địa phương thu thập thông tin liệt sĩ và thân nhân, tính đến ngày 30/6/2025, công an các địa phương trên toàn quốc đã rà soát, xác minh và cập nhật dữ liệu vào cơ sở dữ liệu:

Căn cứ 696.908 thông tin liệt sĩ được Cục Người có công–Bộ Nội vụ cung cấp, công an các địa phương đã cập nhật 336.243 thông tin liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Cập nhật 284.329 thông tin thân nhân liệt sĩ lấy mẫu ADN, đạt 42,3% so tổng số cần thu thập thông tin. (để xác định danh tính liệt sĩ bằng phương pháp ADN, cần thu thập tối thiểu 2 mẫu của thân nhân: 336.243 x 2 = 672.486).

Việc lựa chọn đơn vị đạt tiêu chuẩn để thu thập, phân tích, tạo lập dữ liệu ADN và truyền thông tin về cơ sở dữ liệu Căn cước: căn cứ vào hướng dẫn tại Quyết định số 9686/QĐ-C06-TTDLDC, đến nay, có đơn vị Genestory đã đủ điều kiện phân tích, tạo lập dữ liệu phục vụ việc thu thập, cập nhật thông tin sinh trắc học ADN vào cơ sở dữ liệu Căn cước đối với định dạng STR (nhận diện cá thể người) và định dạng mtADN (thân nhân liệt sĩ). Ngoài ra, còn có các đơn vị xét nghiệm đang triển khai các nội dung hoàn thiện theo hướng dẫn của Bộ Công an.

ndo_br_a3-8891.jpg
Đại diện thân nhân các gia đình liệt sĩ tham dự hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Về kinh phí thực hiện: C06 đã vận động xã hội hóa kinh phí để thực hiện giải trình tự GEN đối với những thân nhân liệt sĩ thuộc diện chính sách với tổng số dự kiến tiếp nhận: 17.500 mẫu, tương đương 39,4 tỷ đồng. Điển hình, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam đã vận động được 20 doanh nghiệp trên địa bàn và cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh ủng hộ, đồng hành 17,8 tỷ đồng tương đương với 7.977 gói phân tích ADN và phân tích cho 100% cho thân nhân liệt sĩ của tỉnh.

Sự chỉ đạo khẩn trương của các cấp Lãnh đạo cùng sự tham gia, đồng hành của các doanh nghiệp, ngân hàng đã góp phần thu thập kịp thời mẫu ADN cho các đối tượng ưu tiên là mẹ đẻ của liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Ngoài ra, còn nhiều thân nhân khác của liệt sĩ đã già yếu cũng đã được Bộ Công an triển khai thu nhận mẫu ADN và đưa vào Ngân hàng Gen thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính.

ndo_br_a4-1474.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính, các đồng chí lãnh đạo và đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Công tác thu nhận mẫu ADN thân nhân các gia đình liệt sĩ: C06 đã phối hợp các đơn vị có liên quan triển khai thu nhận 57.273 mẫu cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, mẹ đẻ và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn cả nước.

Tại các địa phương, C06 đã phối hợp PC06 và công an các địa phương tổ chức hơn 500 buổi thu nhận lưu động đối với các thân nhân liệt sĩ già yếu, không di chuyển được và tổ chức thu mẫu tập trung tại các địa bàn của 63 địa phương. Điển hình, tỉnh Thanh Hóa vận động xã hội hóa để thu nhận cho 36.362 thân nhân và tỉnh Ninh Bình thu nhận cho gần 9.000 thân nhân liệt sĩ chưa xác định danh tính trên địa bàn tỉnh.

Quá trình triển khai thực hiện ân cần, niềm nở với tinh thần phục vụ nhân dân được chính quyền địa phương, nhân dân ủng hộ, ghi nhận. Trong quá trình thu thập đã phối hợp các đơn vị truyền thông trong và ngoài ngành thực hiện các phóng sự tuyên truyền Kế hoạch của Bộ Công an cũng như kết quả tại các địa phương để phát trên sóng truyền hình và các nền tảng, mạng xã hội…

Việc triển khai thu thập, số hóa dữ liệu thông tin liệt sĩ với thông tin thân nhân “họ ngoại” là chưa từng được thực hiện. Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị địa phương rà soát công dân trên địa bàn cư trú, phối hợp Ủy ban nhân dân các cấp, ngành nội vụ tại địa phương triển khai thu thập, khảo sát và số hóa thông tin vào cơ sở dữ liệu. Thông tin được liên kết, số hóa góp phần bảo đảm tính chính xác khi thực hiện thu nhận mẫu ADN cho đối tượng là thân nhân liệt sĩ. Ngoài ra, thông tin về liệt sĩ được thu thập còn là nguồn thông tin đặc biệt quan trọng để nâng cao công tác xác minh, đối sánh thông tin ADN hài cốt liệt sĩ và ADN thân nhân.

ndo_br_a2-6782.jpg
Hội nghị được truyền trực tuyến tới các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Công tác phân tích mẫu ADN thân nhân liệt sĩ: Tính đến ngày 20/7/2025, C06 đã hoàn thành phân tích 11.138 Mẫu ADN thân nhân liệt sĩ, đồng thời cập nhật vào Cơ sở dữ liệu Căn cước hơn 10.000 dữ liệu ADN của thân nhân các liệt sĩ. Ngày 6/5/2025, C06 đã chủ trì họp với Cục Chính sách, xã hội–Bộ Quốc phòng, Cục Người có công–Bộ Nội vụ và các đơn vị phòng xét nghiệm ADN hài cốt, thân nhân liệt sĩ. Bộ Nội vụ đã tiếp nhận và chuyển mẫu hài cốt, mẫu ADN thân nhân cho các đơn vị phòng xét nghiệm phân tích, đối sánh, kết quả:

Các phòng xét nghiệm đã phân tích được 5.493 kết quả ADN trên tổng số 17.726 mẫu hài cốt, thân nhân được bàn giao. Còn lại khoảng 12.233 mẫu hài cốt chưa được phân tích, xét nghiệm. Còn hơn 800 kết quả đã xét nghiệm chưa được Bộ Nội vụ thanh toán cho các đơn vị phòng xét nghiệm do vướng mắc trong chi trả, thanh toán kinh phí giám định ADN từ năm 2021 đến nay. C06 đã tiếp nhận, tích hợp, lưu trữ 4.198 (4.134 mẫu 2024 và 64 mẫu nghĩa trang Đức Cơ–Gia Lai) dữ liệu ADN từ Cục Người có công–Bộ Nội vụ vào Cơ sở dữ liệu Căn cước…

Tại hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Công an nhấn mạnh, đây là một nhiệm vụ cao cả, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, là biểu hiện sinh động của sự tri ân sâu sắc mà Đảng, Nhà nước và nhân dân dành cho những người con ưu tú đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc… Toàn bộ công việc này cần được thực hiện với tinh thần “lấy người dân làm trung tâm”, lấy hiệu quả xác minh làm thước đo chất lượng.

Phải tăng cường ứng dụng công nghệ số, khai thác tối đa dữ liệu dân cư, kết hợp dữ liệu sinh học, kỹ thuật Gen, để phấn đấu đến năm 2027, cơ bản tạo lập và thu thập đầy đủ thông tin của tất cả liệt sĩ chưa xác định danh tính, thu thập và phân tích mẫu ADN cho thân nhân các liệt sĩ đủ điều kiện để tích hợp vào ngân hàng Gen. Việc xác định danh tính liệt sĩ không chỉ là vấn đề kỹ thuật, mà còn là bổn phận thiêng liêng, là trách nhiệm và tình cảm của toàn Đảng, toàn dân, cả hệ thống chính trị đối với những người đã anh dũng ngã xuống cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao Thông báo kết quả giám định ADN hài cốt liệt sĩ cho 15 đại diện thân nhân các gia đình liệt sĩ (1 gia đình liệt sĩ vắng mặt).

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời tri ân sâu sắc nhất đến các Anh hùng liệt sĩ, thân nhân các gia đình liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng, các đồng chí thương binh, bệnh binh.

Thủ tướng nêu rõ, thời gian ngày càng trôi đi, điều kiện môi trường khắc nghiệt của khí hậu, thời tiết gây rất nhiều khó khăn; nếu chúng ta không làm nhanh việc này thì thân nhân của các liệt sĩ cũng sẽ ra đi mà chưa kịp xác định thông tin. Do đó, cần tăng tốc, đột phá, thần tốc hơn nữa thì mới đáp ứng được yêu cầu. Chúng ta cũng xác định ADN không chỉ là thông tin về sinh học bình thường mà còn là chìa khóa để mở ra, phục hồi ký ức lịch sử cho thân nhân gia đình liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, là công cụ quan trọng kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai, đáp ứng lòng mong mỏi của thân nhân gia đình liệt sĩ.

Việc xác định danh tính liệt sĩ bằng công nghệ phân tử, thể hiện Việt Nam không chỉ làm chủ khoa học mà còn thể hiện giá trị đạo lý nhân văn của dân tộc. Công việc này rất khó khăn nhưng khó mấy cũng phải làm, khó mấy cũng phải vượt qua; phải đầu tư vào khoa học công nghệ, công sức, trí tuệ, tài chính. Đảng, Nhà nước xác định công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác minh danh tính liệt sĩ là nhiệm vụ quan trọng, thiêng liêng của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội phải được đầu tư bằng trí tuệ, lòng nhân ái, sự cần cù, cống hiến, chung tay góp sức, hỗ trợ của người dân, doanh nghiệp, các cơ quan chức năng.

Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị phải hành động với tấm lòng nhân văn cao cả, trách nhiệm nghĩa vụ thiêng liêng nhất; hành động xuất phát trái tim, sự trân quý, đã làm tốt rồi thì tốt hơn, đã hiệu quả rồi thì hiệu quả hơn, cố gắng rồi thì cố gắng hơn để chạy đua với thời gian, đáp ứng sự mong mỏi của thân nhân gia đình liệt sĩ, xứng đáng sự hy sinh của các Anh hùng liệt sĩ.

Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các cấp, các ngành, địa phương, đặc biệt là các Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan liên quan, Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc, các ngành, đoàn thể, nhân dân cùng với lực lượng công an rà soát, vận động, thu thập thông tin liệt sĩ, cân đối ngân sách địa phương, huy động nguồn lực xã hội hóa cho công tác thu thập mẫu, giải trình tự gen hài cốt liệt sĩ.

Phải tăng cường tiếp cận đến từng hộ gia đình thân nhân liệt sĩ, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; quan trọng là kết nối thông tin, phải gặp gỡ, trao đổi, thu thập tài liệu dù là nhỏ nhất, tiếp cận nhân chứng…; thường xuyên rà soát kiểm tra đôn đốc công việc, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn…

Về một số nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ khẩn trương tham mưu Ban Chỉ đạo quốc gia để tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, ban hành kế hoạch tổng thể triển khai thu thập mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ chưa xác định danh tính đề xuất phân tích các mẫu ADN đã thu thập được, tích hợp dữ liệu đã phân tích để tiến hành đối sánh với ADN thân nhân liệt sĩ.

Bộ Công an tiếp tục phối hợp các đơn vị, địa phương, tăng cường ứng dụng công nghệ số, khai thác tối đa dữ liệu dân cư, kết nối dữ liệu sinh học, kỹ thuật gen… tăng tốc phấn đấu đến năm 2027 cơ bản tạo lập và thu thập đầy đủ thông tin của tất cả liệt sĩ chưa xác định được danh tính, thu thập phân tích mẫu ADN cho thân nhân các liệt sĩ đủ điều kiện tích hợp ngân hàng gen; xây dựng hệ thống dữ liệu tích hợp.

Bộ Quốc phòng phối hợp chặt chẽ Bộ Công an, chỉ đạo để các đội tìm kiếm để thu thập, kết nối thông tin. Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam tiếp tục nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học tiên tiến, đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật ADN để nâng cao năng lực phân tích, phục vụ công tác giám định với độ chính xác cao nhất có thể; mua sắm những máy móc hiện đại hơn để phục vụ công việc.

Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, kịp thời bố trí kinh phí, minh bạch, thanh toán chi phí xét nghiệm ADN; hạch toán chi thường xuyên của các bộ, ngành địa phương ngay từ năm 2025 cho công tác này.

Một số tỉnh miền trung tổng rà soát, lên danh sách, xây dựng kế hoạch sưu tầm mẫu ADN thân nhân liệt sĩ, bảo đảm hoàn thành việc thu nhận mẫu hoàn thành trước ngày 30/6/2026; hoàn thành việc xét nghiệm, phân tích, cập nhật vào ngân hàng gen trước ngày 31/12/2026.

Các doanh nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ tiếp tục đồng hành, nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, tối ưu hóa hệ thống dữ liệu gen liệt sĩ; các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền, lan tỏa tinh thần tri ân, nhân lên giá trị đạo lý nhân văn cao cả; tăng cường vận động các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân tăng cường nguồn lực, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc cho công tác thiêng liêng cao quý này.

Thủ tướng nêu rõ, công tác này không chỉ là chính sách lớn của Đảng, Nhà nước mà còn là mệnh lệnh từ trái tim, trách nhiệm, đạo lý của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội. Việc ứng dụng công nghệ ADN trong xác định danh tính liệt sĩ, xây dựng cơ sở dữ liệu và ngân hàng gen cho liệt sĩ là bước tiến lớn về khoa học, pháp lý, nhân văn, là bổn phận thiêng liêng, trách nhiệm cao quý, tình cảm chân thành của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị đối với những người đã hy sinh vì độc lập tự do, thống nhất đất nước, ấm no, hạnh phúc của nhân dân, nỗ lực đưa nhiều liệt sĩ về với tên tuổi, với quê hương, gia đình, để không một liệt sĩ nào bị lãng quên, không một gia đình liệt sĩ nào phải chờ đợi, mong ngóng trong vô vọng, góp phần làm vơi đi nỗi đau chiến tranh…

Xem thêm