Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, kiểm soát và cải thiện chất lượng không khí là nhiệm vụ cấp thiết trong bối cảnh phát triển kinh tế-xã hội hiện nay. (Ảnh: KHƯƠNG TRUNG)
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, kiểm soát và cải thiện chất lượng không khí là nhiệm vụ cấp thiết trong bối cảnh phát triển kinh tế-xã hội hiện nay. (Ảnh: KHƯƠNG TRUNG)

Chống ô nhiễm không khí: Hành động ngay, hành động đúng, hành động có trách nhiệm

Ngày 5/7, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức Hội nghị tham vấn xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2025-2030.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, kiểm soát và cải thiện chất lượng không khí là nhiệm vụ cấp thiết trong bối cảnh phát triển kinh tế-xã hội hiện nay, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của cả hệ thống chính trị.

“Chúng ta cần hành động ngay, hành động đúng và hành động có trách nhiệm, vì chất lượng không khí hôm nay là sức khỏe và sự phát triển bền vững của đất nước ngày mai”, Bộ trưởng khẳng định.

Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, tình trạng ô nhiễm không khí, đặc biệt tại các đô thị lớn, đang là thách thức nghiêm trọng. Mặc dù nhiều địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai các giải pháp xử lý, song kết quả vẫn chưa đạt kỳ vọng.

Trước yêu cầu cấp bách của thực tiễn, Chính phủ đã điều chỉnh định hướng từ xây dựng đề án sang xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia, trong đó phân định rõ trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương. Cụ thể, Trung ương đóng vai trò xây dựng thể chế, hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư hạ tầng quan trắc và dự báo; còn địa phương là chủ thể tổ chức triển khai, chịu trách nhiệm kết quả thực hiện.

hoi-nghi-1839.jpg
Hội nghị tham vấn xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2025–2030 ngày 5/7. (Ảnh: KHƯƠNG TRUNG)

Dự thảo Kế hoạch hành động được Bộ Nông nghiệp và Môi trường xây dựng trên cơ sở đánh giá hiện trạng, dự báo các áp lực môi trường trong 5 năm đến 10 năm tới, học hỏi kinh nghiệm quốc tế và tiếp thu ý kiến từ các bộ, ngành, chuyên gia.

Trọng tâm là xác định các nhóm nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm không khí như khí thải phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, đốt phụ phẩm nông nghiệp, phát thải từ các khu công nghiệp… để xây dựng giải pháp khả thi, hiệu quả.

Tại hội nghị, Bộ đề nghị các đại biểu tập trung góp ý ba nhóm nội dung chính: Thứ nhất là đánh giá nguyên nhân ô nhiễm không khí; hai là hoàn thiện các nhóm giải pháp từ cơ chế chính sách đến công trình, phi công trình; ba là phân công trách nhiệm, lộ trình và nguồn lực triển khai.

Bộ trưởng dẫn chứng kinh nghiệm từ Bắc Kinh (Trung Quốc), thành phố từng ô nhiễm nghiêm trọng hơn Hà Nội, nhưng nhờ các giải pháp đồng bộ và đầu tư quyết liệt, chất lượng không khí đã được cải thiện rõ rệt.

“Nếu không hành động sớm, chi phí xử lý ô nhiễm trong tương lai sẽ rất lớn. Đầu tư ngay từ bây giờ không chỉ tiết kiệm, mà còn hiệu quả lâu dài”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Với Thủ đô Hà Nội, nơi thường xuyên chịu ô nhiễm nặng vào mùa khô (tháng 10 đến tháng 4 năm sau), Bộ trưởng yêu cầu đặt mục tiêu rõ ràng: “Cuối năm nay chất lượng không khí phải tốt hơn đầu năm, năm sau phải tiến bộ hơn năm trước, không thể để hình ảnh Hà Nội mù khói tiếp diễn”.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường khẳng định sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp có tính xây dựng, thực tiễn để sớm hoàn thiện dự thảo, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Xem thêm