Ngay sau khi có Chỉ thị số 82/CT-BQP của Bộ trưởng Quốc phòng về việc tổ chức lực lượng quân đội, dân quân tự vệ tham gia diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (1945- 2025) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Nhiệm vụ A80), Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật đã khẩn trương tổ chức các đoàn tiền trạm, khảo sát thực địa tại các khu vực trọng điểm.
Kết quả khảo sát được cập nhật liên tục, chính xác, là căn cứ quan trọng để xây dựng các kế hoạch tổng thể và phương án cụ thể, sát tình hình thực tế của từng lực lượng, từng địa điểm đóng quân và luyện tập.
Các đơn vị hậu cần-kỹ thuật trong toàn quân đã chủ động rà soát, điều chỉnh kế hoạch bảo đảm hậu cần thường xuyên để dành ưu tiên cao nhất cho Nhiệm vụ A80.
Phương pháp, phương án bảo đảm ăn, ở, sinh hoạt, vận chuyển quân và vật tư hậu cần được triển khai một cách bài bản, khoa học và tỉ mỉ. Các đơn vị thuộc Cục Xe máy Vận tải đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan, tổ chức hàng trăm chuyến xe, bốn chuyến tàu chuyên dụng đưa bộ đội từ miền trung, miền nam và các tỉnh phía bắc về Thủ đô đúng thời gian và an toàn tuyệt đối.
Các đơn vị hậu cần-kỹ thuật trong toàn quân đã chủ động rà soát, điều chỉnh kế hoạch bảo đảm hậu cần thường xuyên để dành ưu tiên cao nhất cho Nhiệm vụ A80.
Đại tá Nguyễn Anh Ngọc, Chủ nhiệm Hậu cần-Kỹ thuật Quân khu 2, nhấn mạnh: “Chúng tôi xác định rõ phương châm bảo đảm “đủ, kịp thời, chất lượng, an toàn, tiết kiệm”. Mọi công việc đều được hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng liên quan. Quá trình cơ động lực lượng đến Trường Sĩ quan Chính trị và các vị trí luyện tập, hợp luyện, sơ duyệt, tổng duyệt, làm nhiệm vụ chính thức đều được bảo đảm an toàn tuyệt đối, không để xảy ra bất kỳ sơ suất nào”.
Tại các điểm tập trung luyện tập và hợp luyện, doanh trại được quy hoạch khoa học, cải tạo kỹ lưỡng, nhà ăn, nhà bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh, bãi để xe, kho quân trang… đều sạch sẽ, tiện lợi, phù hợp đặc thù huấn luyện cường độ cao. Hệ thống cấp nước sinh hoạt được kiểm tra định kỳ, điện chiếu sáng được đấu nối hợp lý, thuận tiện cho sinh hoạt cả ngày lẫn đêm. Các tiểu đoàn đều có đội quân y túc trực trong ngày, theo dõi sức khỏe từng chiến sĩ sát sao từng giờ.
Từ đầu tháng 6 đến nay, lực lượng hậu cần đã tổ chức hàng chục bếp ăn phục vụ gần hàng nghìn suất ăn mỗi ngày, cấp phát hàng chục nghìn bộ quân phục mùa hè, hàng trăm thùng dụng cụ y tế, thuốc chữa bệnh và nhiều trang thiết bị phục vụ đời sống thường nhật; bổ sung kịp thời dụng cụ cấp dưỡng, cải tiến trang thiết bị nhà ăn, nhà bếp, từ hệ thống bếp dầu, bếp điện đến máy lọc nước uống trực tiếp, bảo đảm bộ đội yên tâm luyện tập mà không lo thiếu thốn...
Lực lượng quân y cơ động được tổ chức thành hàng chục tổ, triển khai ba trạm xá cấp cứu say nắng, say nóng với quy mô từ 30-50 giường/trạm xá với đội ngũ y, bác sĩ giỏi, nhiều kinh nghiệm ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; Bệnh viện Quân y 103; Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác; Bệnh viện Quân y 354, Bệnh viện Quân y 105 thuộc Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật và các đơn vị kèm theo những thiết bị y tế hiện đại. Bên cạnh đó, lực lượng quân y từ các bệnh viện được tăng cường về bệnh xá. Lều cấp cứu được dựng tại những khu vực luyện tập chính.
Viện Y học dự phòng quân đội đã thành lập sáu tổ chuyên trách, mỗi cụm luyện tập có một tổ phòng, chống dịch và một tổ an toàn thực phẩm, để kiểm tra định kỳ chất lượng thực phẩm, giám sát vệ sinh môi trường và sẵn sàng ứng phó các tình huống nếu xảy ra dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm.
Thiếu tá Cao Minh Giang, Trợ lý Phòng Quân nhu, Cục Hậu cần-Kỹ thuật, Binh chủng Đặc công chia sẻ: “Nhiệm vụ lần này kéo dài, cường độ huấn luyện cao. Chúng tôi vừa phải bảo đảm phục vụ tốt từng bữa ăn, giấc ngủ, vừa chuẩn bị cho các tình huống phát sinh. Phải luôn sẵn sàng thay thế, xoay vòng, tăng cường khi cần thiết. Mỗi cán bộ, nhân viên hậu cần đều 'sẵn sàng chiến đấu', nhưng là chiến đấu trong âm thầm, bền bỉ và hiệu quả”.
Lực lượng hậu cần còn có nhiệm vụ nắm bắt tư tưởng bộ đội, điều tưởng như thuộc về công tác chính trị nhưng thực chất là yếu tố quyết định chất lượng huấn luyện, hành quân. Các cán bộ hậu cần-kỹ thuật thường xuyên trò chuyện với chiến sĩ, giải đáp thắc mắc, động viên kịp thời những người còn bỡ ngỡ hoặc gặp khó khăn trong sinh hoạt. Những điều tưởng như nhỏ bé, bát canh nấu đúng khẩu vị quê hương, bộ quân trang vừa vặn, thùng nước đá mát lạnh... có sức lan tỏa đặc biệt, giúp cán bộ, nhân viên, chiến sĩ thêm vững tin và gắn bó với nhiệm vụ.
Thiếu tướng Huỳnh Tấn Hùng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật, Phó Trưởng tiểu ban Diễu binh, diễu hành A80 Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: “Nhiệm vụ A80 không chỉ thể hiện sự trang nghiêm, hùng mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam, mà còn lan tỏa hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ đến nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế. Vì vậy, công tác hậu cần phải luôn đi trước một bước, chăm lo chu đáo từ ăn uống, nghỉ ngơi đến sức khỏe, tinh thần bộ đội. Đặc biệt, cần nắm chắc tư tưởng chiến sĩ, giải quyết nhanh các vấn đề nảy sinh, tạo tâm lý yên tâm, tin tưởng, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Thiếu tướng Huỳnh Tấn Hùng lưu ý các đơn vị cần tập trung chỉ đạo ngay từ đầu, xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Mỗi người có thể kiêm nhiệm nhiều việc, nhưng mỗi việc phải có người chịu trách nhiệm chính. Đó là nguyên tắc để mọi phần việc đều được triển khai nhịp nhàng, không để xảy ra “lỗ hổng” trong quá trình phục vụ.