Xung lực đổi mới sáng tạo từ trí thức trẻ

Trong khuôn khổ Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ sáu, hàng trăm người Việt trẻ ưu tú, tiêu biểu từ khắp năm châu đã cùng nhau hiến kế, xác lập giải pháp căn cơ, hướng tới những xung lực, chuyển động mới nhằm cụ thể hóa “bộ tứ” nghị quyết trụ cột phát triển đất nước.

Là chương trình thường niên do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh triển khai từ năm 2018, Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu (Diễn đàn) đến nay đã quy tụ hơn 1.000 gương mặt trẻ xuất sắc trên nhiều lĩnh vực khoa học-công nghệ ở cả trong và ngoài nước. Năm nay, với chủ đề “Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu góp sức cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, Diễn đàn thể hiện rõ khát vọng đồng hành, dấn thân của thanh niên trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước.

Trong đó, các đại biểu cùng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 24/1/2025 của Bộ Chính trị về “Hội nhập quốc tế trong tình hình mới”; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2012, ngành Điện tử viễn thông, Tiến sĩ, kỹ sư bậc 5 Nguyễn Mạnh Đức hiện là một trong những chuyên gia hàng đầu về thiết kế và kiểm chứng vi mạch ở những trung tâm công nghệ lớn của Hàn Quốc. Chia sẻ ý kiến tại Diễn đàn, anh đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của Nghị quyết số 59 của Bộ Chính trị về Hội nhập quốc tế trong tình hình mới, nhất là những nội dung liên quan đến khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Theo anh, trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ vi mạch ngày nay không còn dừng lại ở xu thế, mà đã trở thành chìa khóa giải những bài toán khó của mọi nền kinh tế. Tuy nhiên, để bứt phá, Việt Nam cần đồng thời có hệ sinh thái đào tạo-thực nghiệm-thương mại hóa mạnh mẽ hơn. Đặc biệt là khung pháp lý để bảo vệ dữ liệu, kiểm soát đạo đức AI, tạo điều kiện thử nghiệm an toàn.

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Đức cũng cho rằng, các nhóm thiết kế chip trong nước cần được hỗ trợ tích cực hơn từ phía cộng đồng chuyên gia ngoài nước, không chỉ về chuyên môn mà còn trong các vấn đề dữ liệu, công cụ hay tài chính. Việc kết nối ba bên giữa trường đại học, doanh nghiệp và chuyên gia sẽ là đòn bẩy thực tiễn để hiện thực hóa những “đề bài” về đổi mới sáng tạo mà “bộ tứ” Nghị quyết 57, 59, 66 và 68 đặt ra.

Cũng là một cựu sinh viên của Đại học Bách khoa Hà Nội, Tiến sĩ Lê Duy Dũng, Giám đốc Chương trình Khoa học dữ liệu (Viện Kỹ thuật và Khoa học máy tính, Trường đại học VinUni) đưa ra phương thức tiếp cận câu chuyện đổi mới sáng tạo từ góc độ dữ liệu và liên kết học thuật. Chuyên gia về federated learning (học liên kết) nhấn mạnh việc xây dựng một nền tảng quốc gia về chia sẻ dữ liệu, tri thức giữa các viện nghiên cứu, đại học, doanh nghiệp và nhà nước là yêu cầu cấp bách để triển khai hiệu quả các Nghị quyết 66 và 68.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Việt Hằng, Giám đốc Trung tâm nội soi Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Chủ tịch Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu khẳng định: Điểm đặc biệt của Diễn đàn lần này chính là việc tăng cường mạnh mẽ sự kết nối giữa lực lượng trí thức trẻ, cộng đồng nhà đầu tư với nhu cầu thực tế của các bộ, ngành.

Đơn cử như việc “trưng cầu” các sáng kiến về chuyển đổi số bệnh viện, trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ chẩn đoán và điều trị, hệ thống đào tạo y-dược trực tuyến chất lượng cao… sẽ góp phần định hình hướng đi đáp ứng yêu cầu đổi mới từ các Nghị quyết 57 và 68. Nội dung các phiên thảo luận tại Diễn đàn năm nay, từ AI, dữ liệu, khởi nghiệp sáng tạo đến phát triển bền vững, văn hóa, y tế, giáo dục…, đều thể hiện nỗ lực cụ thể hóa những vấn đề cốt lõi mà “bộ tứ” nghị quyết đặt ra thông qua các sáng kiến, mô hình cũng như kinh nghiệm thực tế.

Xem thêm