Xuất khẩu tăng trưởng tích cực, thị trường được mở rộng
Tại họp báo, ông Trần Gia Long, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cho biết, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 6/2025 ước đạt 5,93 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2024. Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 33,84 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, xuất khẩu nông sản đạt 18,46 tỷ USD (tăng 17,8%), sản phẩm chăn nuôi đạt 264,4 triệu USD (tăng 10,1%), thủy sản đạt 5,16 tỷ USD (tăng 16,9%), lâm sản đạt 8,82 tỷ USD (tăng 9,3%), đầu vào sản xuất đạt 1,13 tỷ USD (tăng 23,6%), và muối đạt 5,7 triệu USD (tăng gấp 2,4 lần).
Về thị trường, khu vực châu Á tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu với 42% thị phần xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam; tiếp theo là châu Mỹ (23,5%) và châu Âu (15,6%). Dù chiếm thị phần nhỏ hơn, châu Phi và châu Đại Dương ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể, lần lượt đạt 99,5% và 2,7%.

Xét theo quốc gia, 3 thị trường lớn nhất của ngành là Hoa Kỳ (21,1%), Trung Quốc (17,6%) và Nhật Bản (7,2%). Trong khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ và Nhật Bản lần lượt tăng 16% và 25,5%, thì giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc giảm nhẹ 0,7%.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 6/2025 đạt 4,21 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm lên 24,01 tỷ USD (tăng 15,1%). Toàn ngành ghi nhận thặng dư thương mại đạt 9,83 tỷ USD trong nửa đầu năm.
Tiếp tục phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh
Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho biết, trong bối cảnh kinh tế, chính trị quốc tế và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, ngành nông nghiệp Việt Nam kiên định mục tiêu phát triển theo chuỗi giá trị kinh tế nông nghiệp. Định hướng này tập trung vào các yếu tố then chốt như sản xuất gắn với chế biến, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển thị trường nông sản phù hợp với các luật chuyên ngành đã được sửa đổi, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, nâng cao chất lượng và khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hướng đến xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Cùng với đó, các chiến lược phát triển ngành hàng trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp tiếp tục được triển khai nhằm bảo đảm nguồn cung trong nước và phục vụ xuất khẩu. Việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất linh hoạt theo chuỗi giá trị, ứng phó hiệu quả với biến động thị trường, kiểm soát chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế là những ưu tiên trong điều hành của Bộ thời gian tới.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết thêm, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang đẩy mạnh tiêu thụ nông sản nội địa song song với mở rộng thị trường xuất khẩu.
Đặc biệt, Bộ chú trọng khai thác hiệu quả hơn thị trường Trung Quốc và phát triển thị phần tại các thị trường tiềm năng như Liên minh châu Âu, Nhật Bản. Đồng thời, tiếp tục đàm phán mở cửa cho các nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực như trái cây và sản phẩm chăn nuôi, qua đó nâng cao vị thế của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.