Sản xuất hàng may mặc tại Tổng công ty cổ phần Dệt may Hà Nội.
Sản xuất hàng may mặc tại Tổng công ty cổ phần Dệt may Hà Nội.

Xóa “khoảng trống” thông tin đối với lao động dệt may

Ngành dệt may Việt Nam hiện có 88% số doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó, phần lớn chưa có bộ phận chuyên trách truyền thông; việc phổ biến thông tin chủ yếu qua văn bản dán bảng tin, truyền miệng dẫn đến thiếu sự tương tác, đối thoại và chia sẻ giữa doanh nghiệp và người lao động.

Bên cạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc tiếp cận thông tin, nắm rõ cơ chế chính sách cũng như quyền, lợi ích chính đáng của mình sẽ giúp người lao động yên tâm công tác, nâng cao năng suất, qua đó thúc đẩy phát triển, cải thiện năng lực cạnh tranh của ngành dệt may trên thị trường.

Nảy sinh nhiều vướng mắc

Chị Đặng Thị Tâm, làm việc tại một công ty dệt may có uy tín trên địa bàn Hà Nội cho biết, lực lượng công nhân lao động như chị Tâm thường xuyên rơi vào cảnh “đói thông tin” khi làm việc từ 10-12 giờ/ngày, có dịp tăng ca, tăng kíp phải làm đến 14-15 giờ/ngày. Ngoài thời gian làm việc, về nhà phải lo chăm sóc con cái, gia đình nên các thông tin nghe được cũng chỉ “bữa đực, bữa cái”.

Đơn cử, đầu tháng 4 vừa qua, mọi người trong công ty bàn tán sẽ bị nghỉ việc luân phiên, giảm giờ làm trong những ngày tới nhưng chưa đầy một tuần sau, công ty lại thông báo phải tăng ca, kíp để nhanh chóng giao hàng cho khách. Sau khi tìm hiểu, công nhân mới biết do chính sách thuế quan của Mỹ biến động, đã gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

“Vấn đề thời sự quốc tế lớn đã đành, các chế độ chính sách, quyền lợi người lao động,... chúng tôi lại càng mù tịt. Công nhân có thắc mắc, phải tự tìm đến các bộ phận liên quan mới được giải đáp, nhưng cũng chỉ chung chung khiến người lao động có cảm giác bị giấu thông tin, doanh nghiệp chưa thật sự đứng về phía lao động”, chị Tâm nhấn mạnh.

Đồng chí Cao Mạnh Cường, Bí thư Đoàn thanh niên Tổng công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ cho rằng, lao động trẻ rất năng động, tiếp cận thông tin tốt qua công nghệ hiện đại, tuy nhiên, các thông tin nội bộ như tiền lương, hợp đồng, bảo hiểm xã hội, nội quy lao động,… lại không dễ tìm kiếm. Thông tin thiếu minh bạch khiến người lao động hoài nghi, giảm động lực và niềm tin với doanh nghiệp. Chính vì vậy, ngoài thông tin chính về lương, thưởng, các thông tin khác như đào tạo, nâng cao tay nghề, các khóa sát hạch để tăng lương, lên chức,… doanh nghiệp cần phải minh bạch, hướng dẫn cụ thể, rõ ràng để người lao động biết và định hướng tương lai.

Ngành Dệt may hiện sử dụng gần 3 triệu lao động, phần lớn là lao động phổ thông, chủ yếu là nữ giới, làm việc trong môi trường sản xuất công nghiệp tập trung nên việc được tiếp cận thông tin có vai trò hết sức quan trọng, giúp họ tự bảo vệ, thương lượng, đồng hành cùng doanh nghiệp. Mặc dù vậy, khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn vẫn tồn tại nhiều vướng mắc, từ thể chế, năng lực tổ chức, trình độ cá nhân, đến môi trường truyền thông.

Theo Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam Phạm Thị Thanh Tâm, hành vi tiếp cận thông tin của người lao động có xu hướng chuyển dịch từ kênh truyền thống sang nền tảng số, đặc biệt là mạng xã hội. Tuy nhiên, kỹ năng xử lý, phân tích và phản biện thông tin còn hạn chế, dẫn đến hiện tượng lệch chuẩn thông tin, thụ động trong hành vi và dễ bị dẫn dắt. Mặc dù doanh nghiệp và công đoàn đóng vai trò chủ đạo trong cung cấp thông tin song chưa đồng đều về mức độ chủ động, minh bạch và khả năng phản hồi hai chiều,…

Xóa bỏ "khoảng trống" pháp lý

Các nghiên cứu thực địa và khảo sát quy mô lớn cho thấy, có 77,6% số người lao động đánh giá việc tiếp cận thông tin rất hiệu quả và 56,9% cho rằng hình thức truyền tải cần cải tiến mạnh mẽ để phù hợp với nhóm lao động trẻ và thế hệ Gen Z (thế hệ sinh từ 1996-2015) đang dần trở thành lực lượng chủ lực trong các nhà máy.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm hơn 88% ngành dệt may, phần lớn chưa có bộ phận chuyên trách truyền thông nội bộ, trong đó, chủ yếu phổ biến thông tin qua văn bản dán bảng tin, truyền miệng hoặc nhóm Zalo dẫn tới thiếu hệ thống, thiếu lưu trữ và thiếu đối thoại.

Trình độ học vấn của người lao động còn hạn chế, với 84,4% là lao động phổ thông; kỹ năng tra cứu, đọc hiểu, tương tác, sử dụng thông tin còn hạn chế khiến họ trở thành người được nhận thông tin chứ không phải chủ thể thông tin,… Do đó, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, từ tuyên truyền sang truyền thông, từ cung cấp thông tin sang tạo dựng năng lực tiếp cận và tương tác.

Chung quan điểm, Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Mai, giảng viên Trường đại học Công đoàn khẳng định: Một trong những bất cập hiện tại là sự thiếu đồng bộ và liên thông giữa các văn bản pháp luật điều chỉnh quyền tiếp cận thông tin của người lao động. Mặc dù các quy định có liên quan đã được bổ sung như Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, nhưng phạm vi điều chỉnh chủ yếu vẫn tập trung vào khu vực công. Điều này tạo ra “khoảng trống” pháp lý đối với quyền tiếp cận thông tin trong khu vực doanh nghiệp tư nhân, nơi chiếm tỷ trọng lớn lực lượng lao động tại Việt Nam.

Cùng với đó, Bộ luật Lao động năm 2019 và Luật Công đoàn năm 2024 vẫn còn quy định mang tính khái quát, chưa xác lập trách nhiệm cụ thể về nội dung, thời điểm, hình thức và quy trình cung cấp thông tin. Sự thiếu vắng các quy phạm ràng buộc đã làm giảm hiệu lực thực thi và tính cưỡng chế pháp lý trong thực tế. Vì vậy, cần xây dựng một nghị định hoặc thông tư chuyên đề về minh bạch thông tin trong quan hệ lao động với nội dung trọng tâm gồm danh mục thông tin mà người sử dụng lao động bắt buộc phải công khai đối với người lao động và tổ chức đại diện người lao động.

Tiếp đến, thời điểm và hình thức cung cấp thông tin phù hợp với đặc thù ngành nghề, quy mô doanh nghiệp; quy trình tiếp nhận và xử lý yêu cầu cung cấp thông tin từ phía công đoàn hoặc người lao động; cơ chế giám sát việc thực thi và hệ thống chế tài xử phạt…

Việc minh bạch thông tin không chỉ là trách nhiệm đạo đức mà còn là yếu tố then chốt để xây dựng một môi trường làm việc tin cậy, gắn kết, từ đó nâng cao năng suất và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Liên quan tới vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Bạch Thăng Long khẳng định: Đơn vị luôn xác định người lao động là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp, vì vậy, việc bảo đảm quyền được thông tin của người lao động luôn được đặt lên hàng đầu trong chiến lược phát triển. Hiện tại đơn vị triển khai hệ thống đa kênh, kết hợp cả hình thức trực tiếp và gián tiếp, nhằm bảo đảm thông tin đến được với mọi đối tượng, người lao động một cách hiệu quả nhất. Trong đó, không ngừng đa dạng hóa các kênh thông tin để phù hợp nhiều đối tượng và nhu cầu khác nhau của người lao động; chú trọng cung cấp thông tin một cách nhanh chóng và bảo đảm tính chính xác, giúp người lao động tiếp cận thông tin và phản hồi ý kiến, đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp.

Xem thêm