Tầm nhìn chiến lược trong bối cảnh toàn cầu hóa
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, giáo dục Việt Nam đứng trước yêu cầu cấp thiết phải đổi mới căn bản, toàn diện để thực hiện sứ mệnh “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”.
Thời gian qua, chủ trương xã hội hóa giáo dục đã được khẳng định rõ trong các văn bản chỉ đạo quan trọng: Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa XI) đã thông qua Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Ngày 27/3/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 404/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Văn bản mới nhất của Đảng là Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị xác định 8 nhiệm vụ để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013. Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 91 của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 51/NQ-CP ngày 18/3/2025.
Nỗ lực để thay đổi chất lượng giáo dục
Triển khai từ năm học 2020-2021, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là một cuộc cải cách lớn, chuyển trọng tâm từ “dạy chữ” sang “dạy người”, giúp học sinh phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực; tăng cường giáo dục kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; mở rộng các môn học lựa chọn theo sở thích, định hướng nghề nghiệp của học sinh; đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng vì sự tiến bộ của người học.
Bên cạnh đó, các nhà trường, các giáo viên được trao quyền chủ động lựa chọn sách giáo khoa, xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với thực tiễn. Trong khi đó, các bộ sách giáo khoa đều được biên soạn theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, các chủ đề, bài học tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp và hình thức dạy học, khuyến khích học sinh tích cực, chủ động trong học tập, chú trọng phát triển tư duy phản biện, sáng tạo và kỹ năng thực hành.
Phần lớn các ý kiến đều cho rằng, chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” phù hợp với xu hướng của giáo dục thế giới, đồng thời tạo điều kiện để cơ sở giáo dục lựa chọn được sách giáo khoa phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện của mình. Từ cơ chế độc quyền với một bộ sách giáo khoa duy nhất do Nhà nước biên soạn và phát hành, đến nay, cả nước đã có ba bộ sách chính gồm “Kết nối tri thức với cuộc sống”, “Chân trời sáng tạo” và “Cánh Diều” cùng hàng trăm đầu sách giáo khoa khác đã được đưa vào sử dụng trong các nhà trường.
Việc xã hội hóa đã mang lại sự phong phú về tài liệu học tập, giúp giáo viên và nhà trường có thêm lựa chọn, đồng thời thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới trong phương pháp giảng dạy.
Cùng với đó, việc nhiều nhà xuất bản, chuyên gia và giáo viên cùng tham gia biên soạn sách giáo khoa đã huy động một lượng lớn trí tuệ và tài nguyên xã hội, góp phần nâng cao chất lượng sách học liệu.
Bên cạnh đó, việc xã hội hóa sách giáo khoa góp phần giảm áp lực ngân sách cho Nhà nước, thúc đẩy phát triển tài liệu số, ứng dụng công nghệ trong giáo dục, được coi là một đòn bẩy giúp thúc đẩy chất lượng dạy và học.
Chia sẻ về vấn đề này, Thạc sĩ Trần Thị Mai - Phó trưởng khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Bồi dưỡng cán bộ Giáo dục Hà Nội cho biết: “Là người công tác trong ngành giáo dục, tôi cho rằng việc có nhiều bộ sách giáo khoa là bước tiến tích cực, giúp giáo viên chủ động lựa chọn tài liệu phù hợp với học sinh và điều kiện dạy học. Điều này cũng khuyến khích sự cạnh tranh, sáng tạo trong biên soạn sách giáo khoa, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục”.
Theo góc nhìn của Thạc sĩ Trần Thị Mai, việc “một chương trình, nhiều bộ sách” mang lại thuận lợi như: tăng tính linh hoạt cho giáo viên, đa dạng hóa cách tiếp cận nội dung và khuyến khích sáng tạo trong dạy học. Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi một số khó khăn trong kiểm tra đánh giá, đòi hỏi giáo viên phải đầu tư thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng hơn. Vì vậy, việc bồi dưỡng hỗ trợ chuyên môn để phát huy hiệu quả mô hình này luôn cần thiết.

“Là giảng viên của Trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục Hà Nội, có nhiệm vụ bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên các cấp của thành phố, chúng tôi luôn đồng hành cùng với giáo viên, bồi dưỡng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ xây dựng kế hoạch giáo dục; hỗ trợ dạy học các môn học theo Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018. Đây cũng có thể coi là việc bổ trợ thêm cho giáo viên khi sử dụng sách giáo khoa làm phương tiện dạy học đạt kết quả cao nhất”, Thạc sĩ Trần Thị Mai nói thêm.
Nguồn lực xã hội hóa – Điểm tựa cho phát triển toàn diện
Không chỉ riêng sách giáo khoa, xã hội hóa đã góp phần cải thiện diện mạo hệ thống giáo dục cả về chất lượng và cơ sở vật chất: Mạng lưới trường ngoài công lập ngày càng mở rộng, với hàng nghìn trường tư thục, hàng chục nghìn nhóm lớp mầm non tư nhân. Các trường đại học tư thục ngày càng khẳng định vị thế trong hệ thống giáo dục đại học.
Sử dụng nguồn lực xã hội hóa cho giáo dục không phải là câu chuyện mới tại các nước trên thế giới. Tại Mỹ, mô hình “charter school” rất phổ biến. Đây là loại hình trường công đặc cách hay trường ủy quyền do tư nhân xây dựng và quản lý nhưng được chính phủ tài trợ và giám sát. Ở các quốc gia Bắc Âu (như Phần Lan, Thụy Điển, và Na Uy), xã hội hóa tập trung vào sự hợp tác giữa các cơ quan Nhà nước và cộng đồng nhằm xây dựng một hệ thống giáo dục công mạnh mẽ, miễn phí và có chất lượng cao.
Tại Nhật Bản và Hàn Quốc, xã hội hóa giáo dục thể hiện qua sự đóng góp tích cực của các tập đoàn lớn và cộng đồng. Các doanh nghiệp thường tham gia vào công tác đào tạo nghề và tài trợ cho các chương trình giáo dục kỹ thuật, đặc biệt là tại các trường trung học và đại học.

Cùng với xu hướng chung của thế giới, trong những năm qua, xu hướng xã hội hóa giáo dục tại Việt Nam ngày càng trở nên rõ nét hơn với sự tham gia của các thành phần ngoài Nhà nước vào cung cấp dịch vụ giáo dục.
Các trường tư thục và cơ sở giáo dục ngoài công lập ngày càng phát triển, tuy nhiên, hệ thống giáo dục công vẫn giữ vai trò chủ đạo và chịu sự kiểm soát chặt chẽ từ Nhà nước. Trong khi đó, tại các cơ sở công lập, hoạt động xã hội hóa giáo dục đã góp phần vào mục tiêu xây dựng trường, lớp ngày càng khang trang, sạch, đẹp, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh đến trường học tập, rèn luyện.
Tuy nhiên, xã hội hóa không đồng nghĩa với thương mại hóa, mà là quá trình huy động toàn xã hội tham gia một cách minh bạch, có trách nhiệm vào sự nghiệp giáo dục. Việc tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa theo hướng công bằng, hiệu quả và nhân văn chính là bước đi cần thiết để hiện thực hóa tầm nhìn về một nền giáo dục nhân văn, khai phóng và bền vững trong kỷ nguyên toàn cầu.