Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân. (Ảnh: HẢI YẾN)
Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân. (Ảnh: HẢI YẾN)

Việt Nam-Pháp: Quan hệ đối tác định hình bằng niềm tin và tầm nhìn dài hạn

Quan hệ Việt Nam-Pháp đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ, dựa trên nền tảng của sự tin cậy và đồng hành. Những cuộc tiếp xúc cấp cao liên tục, các thỏa thuận hợp tác chiến lược trải rộng trên nhiều lĩnh vực, cùng cam kết cùng nhau hướng tới phát triển bền vững là minh chứng rõ nét cho chiều sâu quan hệ song phương.

Nhân dịp Quốc khánh Pháp (14/7), Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân về những bước phát triển mới trong quan hệ Việt Nam-Pháp, từ tăng cường đối thoại chính trị đến hợp tác hành chính và kinh tế, với 3 trụ cột xuyên suốt: hữu nghị, đối tác và niềm tin.

Những trụ cột định hình mối quan hệ đặc biệt giữa Pháp và Việt Nam

Phóng viên: Trong vài ngày tới, Đại sứ quán Pháp sẽ tổ chức sự kiện kỷ niệm Quốc khánh - một trong những sự kiện lớn nhất trong năm. Đại sứ có thể chia sẻ thêm về chương trình năm 2025? Chủ đề hay điểm nhấn đặc biệt của sự kiện năm nay là gì?

Đại sứ Olivier Brochet: Hơn bao giờ hết, ngày 14/7 năm nay được đặt dưới dấu ấn của tình hữu nghị, hợp tác và quan hệ đối tác giữa Pháp và Việt Nam - cùng nhau đối mặt với mọi thách thức.

Trước hết, đó là dịp để tất cả chúng ta cùng hội ngộ, nhân ngày lễ kỷ niệm 3 giá trị cốt lõi của nước Pháp: Tự do, Bình đẳng và Bác ái.

Ngày 14/7 là dịp để tưởng niệm sự kiện chiếm ngục Bastille năm 1789, đánh dấu sự chấm dứt chế độ cũ ở Pháp. Đồng thời, chúng tôi cũng kỷ niệm ngày 14/7/1790, tức đúng một năm sau đó - ngày diễn ra “Lễ hội Liên bang”, tượng trưng cho sự đoàn kết của người dân Pháp dưới một chế độ mới: chế độ cộng hòa dân chủ. Vì vậy, ngày lễ này được tổ chức ở khắp nơi trên thế giới. Và tại Việt Nam, chúng tôi cũng kỷ niệm với một ý nghĩa rất đặc biệt: tôn vinh tình hữu nghị.

Năm 2025, sự kiện Quốc khánh Pháp sẽ trở lại với quy mô như trước đại dịch Covid-19. Năm nay, chúng tôi vui mừng được đón tiếp không chỉ những vị khách quý người Việt Nam, từ giới ngoại giao, các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp lớn, mà còn cả cộng đồng người Pháp tại Hà Nội. Tôi đã mời họ trở lại để cùng chia sẻ niềm vui bên những người bạn Việt Nam, khiến sự kiện trở nên đặc biệt hơn.

Nhân dịp này, chúng tôi cũng có một bất ngờ nho nhỏ, khi một nữ ca sĩ Việt Nam sẽ tham gia trình diễn những bản nhạc Pháp bằng cả tiếng Pháp lẫn tiếng Việt. Tôi xin giữ bí mật thêm một chút để tạo sự hồi hộp thú vị cho mọi người.

Phóng viên: Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Pháp đã có nhiều bước tiến nổi bật trong năm 2024 và nửa đầu năm 2025, đặc biệt với chuyến thăm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Đại sứ đánh giá ra sao về động lực hợp tác hiện nay và những kết quả nổi bật nhất trong quan hệ song phương?

Đại sứ Olivier Brochet: Tôi cho rằng có 3 từ khóa có thể mô tả chính xác động lực đặc biệt và tích cực trong quan hệ Pháp-Việt Nam hiện nay, đó là: Tình hữu nghị–Quan hệ đối tác–Niềm tin.

Về tình hữu nghị, theo tôi, đây là một trong những điểm đặc trưng sâu sắc nhất của quan hệ Pháp-Việt, được hình thành từ một lịch sử dài đầy thăng trầm. Chính điều này tạo nên nét đặc trưng riêng trong mối quan hệ giữa hai nước.

Hai quốc gia chúng ta đều rất trân trọng sự đặc biệt này, thể hiện qua việc cùng nhau nhìn lại quá khứ một cách bình tĩnh và thiện chí, kể cả những giai đoạn bi thương nhất. Điều này đã được minh chứng vào tháng 5/2024, khi Bộ trưởng Quân lực Pháp đến Điện Biên Phủ dự lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử.

Năm nay, trong chuyến thăm của Tổng thống Emmanuel Macron tới Việt Nam, Tổng thống và Tổng Bí thư Tô Lâm đã cùng nhau trồng cây hữu nghị trong khuôn viên Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, gần Quảng trường Ba Đình – nơi cách đây 80 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Tôi tin rằng, đó là một biểu tượng mạnh mẽ cho mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước.

tbt-tt-phap-trong-cau-huu-nghi.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thực hiện nghi thức trồng cây hữu nghị. (Ảnh: SƠN TÙNG)

Từ khóa thứ hai là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện - kết quả quan trọng của chuyến thăm Paris vào tháng 10 năm ngoái của Tổng Bí thư Tô Lâm. Trong suốt 8 tháng sau đó, hai nước đã nỗ lực làm việc để đến thời điểm Tổng thống Emmanuel Macron tới thăm Việt Nam, một loạt thỏa thuận lớn đã được ký kết. Đó chính là cách hiện thực hóa bước đầu của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện này.

Rất nhiều thỏa thuận đã được ký kết, bao phủ toàn bộ các lĩnh vực của hợp tác song phương. Trong đó nổi bật là các thỏa thuận về quốc phòng với một ý định thư tăng cường hợp tác giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng; phát triển bền vững, bao gồm hợp tác về chuyển đổi năng lượng, phát triển hạ tầng giao thông,đặc biệt là giao thông đường sắt; đổi mới sáng tạo, trong đó có cả y tế và một thỏa thuận liên chính phủ về nghiên cứu khoa học.

Và từ khóa thứ 3 là niềm tin. Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Macron bắt đầu chuyến công du Đông Nam Á bằng điểm đến là Việt Nam. Điều đó thể hiện sự coi trọng đặc biệt mà Tổng thống dành cho Việt Nam, cũng như mong muốn được chia sẻ quan điểm về tình hình quốc tế, và thúc đẩy một mối quan hệ hợp tác dựa trên niềm tin.

Tất cả điều này đã được thể hiện qua tinh thần hợp tác chặt chẽ trong các cuộc trao đổi mà Tổng thống có với các lãnh đạo cấp cao Việt Nam, ở đó hai bên đã cùng xác định cách thức để Pháp và Việt Nam đóng góp tốt hơn cho hòa bình, ổn định quốc tế, bảo vệ luật pháp quốc tế, và cùng nhau đóng góp cho trật tự toàn cầu.

Sát cánh cùng Việt Nam trong hành trình hiện thực hóa khát vọng phát triển

Phóng viên: Việt Nam vừa khởi động một cuộc cải cách hành chính quy mô lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua. Đại sứ đánh giá như thế nào về tiến trình cải cách này và những tác động tới việc tăng cường hợp tác Việt Nam-Pháp?

Đại sứ Olivier Brochet: Cũng như nhiều nhà quan sát quốc tế khác, chúng tôi đều rất ấn tượng với quy mô của cuộc cải cách mà Việt Nam đang triển khai, với tốc độ thực hiện nhanh chóng và những kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận, cả ở cấp trung ương lẫn địa phương.

Gần đây tôi có dịp đến thăm một số tỉnh, và tôi thấy rõ khối lượng công việc khổng lồ mà các cán bộ địa phương đang gánh vác. Dù vậy, tôi cảm nhận được quyết tâm cao của họ trong việc hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn.

tbt-tt-phap-2.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Trụ sở Trung ương Đảng. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Chúng tôi hiểu rằng mục tiêu cải cách mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề ra là nhằm tạo ra một bộ máy hành chính hiệu quả hơn. Chúng tôi, từ các đại sứ quán, đối tác, các cơ quan hợp tác phát triển, đến các doanh nghiệp nước ngoài mong muốn đầu tư lâu dài tại Việt Nam, rất kỳ vọng sẽ sớm thấy những kết quả cụ thể từ cuộc cải cách này. Tôi tin chắc rằng, cải cách hành chính thành công sẽ tạo đà mạnh mẽ cho việc mở rộng hợp tác song phương, trong đó có hợp tác giữa Pháp và Việt Nam.

Về phía Pháp, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình này, nhất là thông qua các chương trình hợp tác hành chính mà hai nước đã xây dựng nhiều năm qua, từ cấp trung ương đến cấp địa phương.

Gần đây, tôi đã có dịp làm việc với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nơi hai nước đã phát triển mối quan hệ đối tác sâu rộng. Chúng tôi rất mong tiếp tục chào đón thêm nhiều cán bộ, công chức và lãnh đạo cấp cao của Việt Nam sang Pháp tham gia các chương trình đào tạo tại Viện Hành chính Công quốc gia INSP, hoặc tại các trường hành chính danh tiếng khác của Pháp.

Mục tiêu của chúng tôi là tạo điều kiện cho trao đổi hai chiều, không chỉ về kỹ năng chuyên môn mà còn về kinh nghiệm quản trị nhà nước hiện đại – điều mà Pháp cũng đã trải qua trong quá trình cải cách nền hành chính công của mình.

img-1004-2-5283.jpg

Phóng viên: Trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu hiện nay, theo Đại sứ, đâu là những thách thức và đòn bẩy ưu tiên để tăng cường quan hệ đối tác kinh tế giữa Pháp và Việt Nam?

Đại sứ Olivier Brochet: Có một lợi thế lớn mà Việt Nam đang nắm giữ chính là việc Việt Nam đã ký kết và thực thi Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) trong vài năm qua. Trong ASEAN, chỉ có 2 nước có hiệp định tự do thương mại với EU. EVFTA là một thỏa thuận hết sức quan trọng, cả đối với Việt Nam và Liên minh châu Âu. Hiệp định này có ý nghĩa lớn vì nó là một thỏa thuận công bằng, cân bằng và mang lại tính dự đoán cao cho tương lai của quan hệ thương mại song phương.

Chúng tôi cũng hy vọng rằng hiệp định này không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các thỏa thuận thương mại khác được ký trong những điều kiện thiếu thuận lợi. Và quan trọng nhất, cả hai bên cần tiếp tục thực hiện đầy đủ các cam kết trong EVFTA, điều mà cho đến nay vẫn đang được bảo đảm.

Tuy nhiên, cũng cần cảnh giác với các rào cản phi thuế quan. Trong trường hợp các rào cản phi thuế quan được áp dụng thiếu minh bạch thì sẽ làm ảnh hưởng tới giá trị thực của hiệp định này.

Nói một cách tổng thể, trong bức tranh quan hệ giữa Việt Nam và thế giới, chúng ta thấy rõ rằng Việt Nam đang mở rộng quan hệ thương mại với nhiều quốc gia, và Pháp cũng nằm trong nhóm các đối tác mong muốn xây dựng mối quan hệ lâu dài, có trách nhiệm, dựa trên công bằng và lợi ích song phương.

img-1006-7007.jpg
Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân. (Ảnh: HẢI YẾN)

Phóng viên: Đại sứ nhìn nhận như thế nào về quá trình phát triển của Việt Nam cũng như mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045?

Đại sứ Olivier Brochet: Chúng tôi thực sự đánh giá cao những mục tiêu đầy tham vọng mà Việt Nam đã đặt ra, đồng thời cũng ấn tượng một cách sâu sắc với sự huy động nguồn lực một cách có lý trí, bài bản và đồng bộ để hướng đến việc hiện thực hóa những mục tiêu đó.

Tôi đặc biệt ấn tượng với cách Việt Nam triển khai các chương trình quy mô lớn một cách đồng bộ và hợp lý, tiêu biểu là trong các lĩnh vực như chuyển đổi năng lượng và giao thông vận tải. Những sáng kiến này cho thấy Việt Nam không chỉ có tầm nhìn rõ ràng mà còn có khả năng huy động và kết nối hiệu quả các nguồn lực trong nước lẫn quốc tế để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển dài hạn. Việt Nam là một quốc gia có rất nhiều tiềm năng và cũng đang biết cách khai thác những tiềm năng đó để phục vụ cho phát triển.

Pháp đánh giá cao động lực phát triển mà Việt Nam đang theo đuổi, cũng như những mục tiêu mà Việt Nam đã đề ra. Trong khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện mà hai nước đang xây dựng, chúng tôi mong muốn được sát cánh cùng Việt Nam trong hành trình này, hỗ trợ Việt Nam theo đúng nhịp độ phát triển mà quốc gia các bạn lựa chọn để hướng đến những khát vọng lớn lao đó.

Nhân đây, cho phép tôi gửi lời chúc mừng sớm đến Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, một sự kiện không chỉ có ý nghĩa to lớn trong lịch sử Việt Nam, mà còn là một dấu mốc có ý nghĩa toàn cầu. Thông điệp của ngày 2/9/1945 đã gây tiếng vang và truyền cảm hứng mạnh mẽ khắp thế giới vào thời điểm đó, như một tiếng chuông khai mở cho kỷ nguyên giải phóng thuộc địa toàn cầu. Và Pháp ghi nhận với sự trân trọng sâu sắc giá trị lịch sử và tầm vóc toàn cầu của sự kiện này.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của Đại sứ.

Xem thêm