Hội nghị thượng đỉnh Truyền thông châu Á lần thứ 20 (AMS 20), với chủ đề “Kỷ niệm hai thập niên xuất sắc và hơn thế nữa”, thu hút khoảng 700 đại biểu tới từ 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm các chuyên gia truyền thông, nhà hoạch định chính sách, học giả và các bên liên quan trong ngành truyền thông khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Campuchia Nguyễn Minh Vũ dự Hội nghị.
Đây là lần thứ 2 Campuchia đăng cai AMS, sau lần đầu vào năm 2019. Hội nghị năm nay tập trung chủ yếu vào cuộc chiến chống tin giả, một thách thức ngày càng nghiêm trọng trong thời đại số.
Phát biểu ý kiến tại sự kiện, Bộ trưởng Thông tin Campuchia Neth Pheaktra nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối phó với thông tin sai lệch, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ hiện đại và AI đang làm gia tăng tốc độ lan truyền tin giả.

Theo thống kê chính thức của Bộ Thông tin, trong nửa đầu năm 2025, Campuchia ghi nhận khoảng 2.630 vụ tin giả, trong khi năm 2024 có tới 3.621 vụ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, trật tự công cộng, hòa bình và nền kinh tế. Bộ trưởng Neth Pheaktra nêu rõ, tin giả không chỉ làm xói mòn niềm tin của công chúng mà còn đe dọa đến sự ổn định xã hội và quan hệ quốc tế.
Nhằm đối phó vấn đề này, Campuchia đã triển khai chiến lược ngoại giao thông tin và khởi động Chiến dịch toàn quốc chống tin giả vào tháng 4/2025. Chiến dịch này không nhằm hạn chế tự do ngôn luận mà tập trung nâng cao nhận thức cộng đồng và cải thiện chất lượng thông tin. Bộ trưởng mong muốn thông qua AMS, Campuchia có thể chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ các quốc gia khác để xây dựng các sáng kiến chung, tăng cường hợp tác khu vực.
AMS 20 được tổ chức bởi Viện Phát triển Phát thanh Truyền hình châu Á-Thái Bình Dương (AIBD). Chia sẻ tại sự kiện, Tổng Thư ký kiêm Giám đốc điều hành AIBD Philomena Gnanapragasam nhận định thông tin sai lệch đã trở thành một “cuộc khủng hoảng toàn cầu”. Bà nêu ra những trụ cột để vượt qua thách thức tin giả gồm sự hiểu biết về truyền thông, tuân thủ đạo đức báo chí, kiểm chứng và xác thực thông tin, hợp tác và chia sẻ trên phạm vi quốc tế.

Sự kiện AMS 20 quy tụ nhiều diễn giả nổi bật, trong đó có Chủ tịch AIBD Gaurav Dwivedi và Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn. Các phiên thảo luận tập trung vào các chủ đề như trao đổi thông tin, chiến lược ứng phó khủng hoảng, bảo đảm an ninh thông tin trong bối cảnh công nghệ AI phát triển nhanh chóng.
Đánh giá cao ý nghĩa và vai trò của AMS, Bộ trưởng Neth Pheaktra nhấn mạnh, trải qua hai thập niên, AMS từng bước trở thành nền tảng hàng đầu để các chuyên gia truyền thông nhìn nhận lại vai trò của báo chí trong thời đại số. Campuchia cũng đang tiếp tục đẩy mạnh các cải cách chiến lược, tập trung vào chuyển đổi số, tính chính trực nghề nghiệp và đạo đức truyền thông.
Cũng trong khuôn khổ AMS 20, các đại biểu đã thảo luận về nhiều chủ đề như nâng cao nhận thức cộng đồng, củng cố ngoại giao thông tin và xây dựng các chiến lược ứng phó khủng hoảng,… từ đó cùng nhau tìm ra các sáng kiến, phương pháp phù hợp và tối ưu nhằm bảo đảm an ninh thông tin và bảo vệ sự thật trong một thế giới ngày càng bị ảnh hưởng bởi thông tin sai lệch.
Kết thúc Hội nghị, các đại biểu nhất trí sự kiện lần này không chỉ là dịp để nhìn lại những thành tựu trong 20 năm qua mà còn là cơ hội để các quốc gia trong khu vực tái khẳng định cam kết xây dựng một ngành truyền thông bền vững và có trách nhiệm. Với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu và các nhà lãnh đạo khu vực, AMS 20 đã tạo ra những bước tiến mới trong cuộc chiến chống tin giả và thúc đẩy hợp tác quốc tế vì một môi trường truyền thông minh bạch, chuẩn mực và đáng tin cậy.