Đúng 5 giờ 45 phút sáng 5/7 giờ địa phương (15 giờ 45 phút chiều cùng ngày, giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam hạ cánh tại sân bay quốc tế Rio de Janeiro, thành phố Rio de Janeiro, Brazil, bắt đầu chuyến tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS mở rộng 2025 và hoạt động song phương tại Brazil từ ngày 4/7 đến 8/7 theo lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa Liên bang Brazil Lula da Silva.
Ra sân bay đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam về phía Brazil có ông Laudemar G. de Aguiar Neto, Thứ trưởng phụ trách xúc tiến thương mại, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và văn hóa, Bộ Ngoại giao Brazil; về phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Brazil Bùi Văn Nghị và Phu nhân, cán bộ, nhân viên Đại sứ quán.
Chuyến công tác lần này của Thủ tướng, với các hoạt động đa dạng cả trên bình diện song phương và đa phương, sẽ tiếp tục cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng của Nghị quyết 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; đồng thời thiết thực triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham dự với tư cách Nước đối tác tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS, một cơ chế hợp tác đa phương giữa các nền kinh tế mới nổi và ngày càng có tầm ảnh hưởng lớn cả về kinh tế và chính trị. Việc Việt Nam trở thành Nước đối tác của BRICS, cũng như tham dự Hội nghị thượng đỉnh khẳng định vai trò và đóng góp trách nhiệm tại các cơ chế đa phương với mong muốn nỗ lực đóng góp, nâng cao tiếng nói và vai trò của các nước đang phát triển, thúc đẩy đoàn kết quốc tế, chủ nghĩa đa phương bao trùm, toàn diện trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế cũng như làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước thành viên BRICS.
Với chủ đề “Tăng cường hợp tác phương nam nhằm thúc đẩy quản trị bao trùm và bền vững hơn”, Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm 2025 là một trong những sự kiện đa phương quan trọng, có sự tham dự của khoảng 20 lãnh đạo cấp cao các nước, Tổng Thư ký Liên hợp quốc và lãnh đạo của nhiều tổ chức quốc tế. Với những ý nghĩa hết sức quan trọng đó, chuyến thăm sẽ là dịp để Việt Nam chuyển tải 3 thông điệp lớn, quan trọng; đồng thời là cơ hội để Việt Nam tham gia chủ động, tích cực vào quá trình thúc đẩy quản trị toàn cầu bao trùm, bền vững, nâng cao tiếng nói của các nước đang phát triển trong giải quyết các thách thức hiện nay, cũng như trao đổi kinh nghiệm, quan điểm, tầm nhìn, thực tiễn về phát triển, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực phù hợp với ưu tiên và lợi ích của ta.
Chuyến công tác này là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy đa dạng hóa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các khu vực có nhiều tiềm năng, thu hút tối đa các nguồn lực quốc tế phục vụ các mục tiêu phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Các quốc gia thành viên BRICS, các quốc gia khách mời tham dự Hội nghị Thượng định BRICS là những quốc gia có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống của Việt Nam; Brasil là nước có quan hệ Đối tác chiến lược, có những thế mạnh mà Việt Nam có nhu cầu bổ trợ, phù hợp định hướng phát triển bền vững của Việt Nam.
Sau hơn 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ song phương không ngừng được củng cố và ngày càng phát triển tốt đẹp, Brazil là đối tác chiến lược toàn diện quan trọng, là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Mỹ La-tinh với kim ngạch hai chiều năm 2024 đạt gần 8 tỷ USD. Tiếp nối thành công của các chuyến thăm cấp cao gần đây của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhân dịp dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới G20 (tháng 11/2024) và chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Brazil Lula da Silva (tháng 3/2025), hai bên đang tiếp tục duy trì, thúc đẩy nhiều cơ chế đối thoại song phương, trao đổi đoàn cấp cao và các cấp.
Các lĩnh vực hợp tác quan trọng khác như nông nghiệp, năng lượng, khoa học-công nghệ, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu,… cũng được các Nhà Lãnh đạo hai nước đặc biệt quan tâm, là những trụ cột quan trọng cho Kế hoạch hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước giai đoạn 2025-2030.
Đặc biệt hơn, chuyến thăm sẽ là cơ hội để hai nhà lãnh đạo trao đổi các định hướng lớn nhằm đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư, nông nghiệp, thực hiện hiệu quả chủ trương đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong bối cảnh thương mại toàn cầu diễn biến phức tạp hiện nay.