Theo báo cáo của ECMWF, trong suốt tháng 6 nhiệt độ nóng hơn mức trung bình xảy ra ở nhiều khu vực tại châu Âu, trong đó Tây Âu hứng chịu 2 đợt nắng nóng riêng biệt. Cơ quan này cảnh báo rằng nhiệt độ khắc nghiệt dự kiến sẽ tiếp tục trong những ngày tới.
Bà Samantha Burgess, Phó giám đốc ECMWF cho biết, biến đổi khí hậu đang khiến các đợt nắng nóng diễn ra thường xuyên hơn, dữ dội hơn và tác động đến các khu vực địa lý rộng lớn hơn.
Dữ liệu khí tượng từ một số nước đã nêu bật mức độ nghiêm trọng của các đợt nắng nóng. Tại Huelva, Tây Ban Nha, nhiệt độ đạt tới 46 độ C, đánh dấu mức nhiệt kỷ lục trong tháng 6 tại nước này.
Vào ngày 30/6, cơ quan thời tiết của Pháp đã ban hành cảnh báo nắng nóng mức cam đối với 84 tỉnh thành, một số tỉnh đã được nâng cấp lên mức báo động đỏ vào ngày 1/7.
Tại Italia, Hy Lạp, Thụy Sĩ và Đức cũng đã ban bố cảnh báo về nắng nóng, kêu gọi người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa các bệnh liên quan đến nắng nóng.
Cơ quan thời tiết quốc gia của Tây Ban Nha (Aemet), đã ban hành cảnh báo đặc biệt, dự báo nhiệt độ cao nhất lên tới 42 độ C ở các khu vực phía nam của nước này trong những ngày tới.
Tại Bồ Đào Nha, khoảng hai phần ba đất nước sẽ được đặt trong tình trạng báo động cao vào cuối tuần do nhiệt độ khắc nghiệt và nguy cơ cháy rừng; dự báo có thể chứng kiến nhiệt độ cao nhất tới 42 độ C.
Tại Italia, nơi các thành phố như Naples và Palermo đang phải chịu nhiệt độ lên tới 39 độ C, các vùng Sicily và Liguria đã ban hành lệnh cấm làm việc ngoài trời vào những thời điểm nóng nhất trong ngày.
Tại Anh, vùng áp suất cao dai dẳng đã khiến đất khô cằn và nhiệt độ bề mặt tăng cao, làm tăng tác động của đợt nắng nóng.