Hiện thực hóa ý Đảng, lòng dân
Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh và triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là những chủ trương lớn, mang tính đột phá, được kỳ vọng sẽ mở ra không gian phát triển mới, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển kinh tế, quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Trao đổi với phóng viên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương) cho hay, việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp nhằm mục tiêu đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới với cơ hội phát triển lớn hơn, cũng như để sắp xếp không gian thuận lợi hơn với mục tiêu cuối cùng là giúp đất nước phát triển mạnh về kinh tế, giữ vững quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Bà Xuân khẳng định, việc tích hợp không gian phát triển của đất nước với quy hoạch quốc gia đã được tính toán rất kỹ. Sắp xếp các tỉnh, thành phố thực hiện dựa trên phân tích kỹ lưỡng các yếu tố đặc thù, thế mạnh về kinh tế, văn hóa, lịch sử của từng địa phương. Kết quả là có 34 tỉnh, thành phố, và có được sự thống nhất cao của đại biểu Quốc hội cùng sự đồng thuận rất cao của nhân dân.

“Quyết sách này chính là từ ý Đảng và lòng dân, và Quốc hội đã khẩn trương để hiện thực hóa ý Đảng, lòng dân đó thành một nghị quyết cụ thể, thể hiện sức mạnh toàn dân và quyết tâm chính trị, hành động mạnh mẽ để đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới”, đại biểu nhấn mạnh.
Chung quan điểm, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) cho biết, doanh nghiệp và người dân rất phấn khởi và tin tưởng vào những quyết sách này. Theo đại biểu, từ mô hình quản trị, phân cấp, phân quyền cho đến trách nhiệm của các cấp, tất cả sẽ tạo dựng niềm tin vững chắc cho người dân và doanh nghiệp để cùng bước vào một trang sử mới với quyết tâm mới.
Theo ông Đồng, việc sửa đổi, sắp xếp lại bộ máy để các tỉnh mới đi vào vận hành là một điểm rất mới và nổi bật, không chỉ về thể chế, mô hình chính quyền mà cả về tổ chức bộ máy con người. Điều này tạo ra một không gian phát triển hứa hẹn cho tương lai, không chỉ cho cả nước nói chung mà đặc biệt là cho các địa phương mới sáp nhập. Các tiềm năng, lợi thế sẽ được gom lại để tạo ra cơ hội phát triển mới.
Đại biểu lấy dẫn chứng như việc sáp nhập tỉnh Quảng Bình với tỉnh Quảng Trị, với nhiều nét tương đồng về văn hóa, địa hình, vị trí địa lý, phong tục tập quán, tiềm năng về rừng, biển, du lịch, danh lam thắng cảnh.
“Khi sáp nhập, địa phương mới sẽ có một vị trí chiến lược hơn, có cả cảng biển, sân bay, hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ, có những vùng phát triển nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, lực lượng lao động dồi dào hơn, không còn manh mún, dàn trải. Việc tích hợp không gian phát triển của 2 tỉnh sẽ phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia”, ông phân tích.

Do đó, đại biểu cho rằng đây là một bước đột phá rất mạnh mẽ, đúng đắn và trúng trong mô hình quản trị quốc gia nói chung và từng địa phương nói riêng trong thời điểm lịch sử hiện nay.
Với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, ông Đồng cũng nhấn mạnh nhiều lợi ích khi mô hình này giúp giảm bớt tầng nấc trung gian, từ đó giảm chi phí tuân thủ pháp lý cho doanh nghiệp, đồng thời cho phép phân cấp mạnh mẽ hơn, chính quyền sẽ gần dân, gần doanh nghiệp hơn.
Cùng với đó, cấp xã sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp trước cấp tỉnh, các nhiệm vụ của cấp huyện trước đây được chuyển về cấp xã, giúp việc giải quyết các thủ tục cho người dân và doanh nghiệp được gần gũi, sát thực tiễn và có độ chính xác cao hơn.
Ngoài ra, chính quyền 2 cấp sẽ giúp kết nối tốt hơn với dữ liệu quốc gia. Việc vận hành theo bộ máy mới, với mô hình quản trị mới và cách tiếp cận thay đổi sẽ giúp các thể chế, cơ chế chính sách được tuân thủ tốt hơn.
Cơ hội cho những cán bộ có năng lực
Tuy vậy, các đại biểu cũng cho rằng, trong quá trình triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp ban đầu, các địa phương sẽ không tránh khỏi lúng túng, bỡ ngỡ. Song với sự chuẩn bị tốt, chu đáo, kỹ lưỡng và có trách nhiệm, các địa phương được kỳ vọng sẽ chuyển từ thế bị động sang chủ động, biến khó khăn thành thuận lợi.

Theo đại biểu Lê Đào An Xuân (Đoàn Phú Yên), việc đưa mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động là một quyết tâm chính trị rất lớn của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra một thử thách không nhỏ trong xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu mới, với mục tiêu cao nhất là xây dựng chính quyền thực sự phục vụ nhân dân.
Theo nữ đại biểu, trong quá trình sắp xếp, bố trí cán bộ thời gian qua, các địa phương đã bám sát tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, lấy tiêu chuẩn “chọn người theo việc”, ưu tiên cán bộ có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt và tinh thần phục vụ nhân dân để bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt ở cấp xã.
“Với tinh thần cán bộ dám nghĩ, dám làm, tôi tin tưởng rằng thời gian tới, chính quyền địa phương cấp xã sẽ thực sự trở thành cầu nối hiệu quả giữa Nhà nước với nhân dân, là kênh quan trọng bảo đảm quyền lợi, lợi ích chính đáng và nâng cao chất lượng phục vụ người dân”, bà An Xuân nhấn mạnh.
Còn theo đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu Quốc hội Đoàn Hải Dương cho rằng, với mô hình chính quyền 2 cấp mới, cơ chế phân cấp, phân quyền cho cấp xã đã được điều chỉnh phù hợp yêu cầu thực tiễn.
Để thực hiện tốt, đại biểu nêu rõ, đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn cao, bởi họ là những người gần dân nhất, trực tiếp xử lý nhanh nhất các vấn đề người dân phản ánh.
Ông Sơn cũng cho rằng, Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã chính thức xác lập vị trí của cán bộ, công chức cấp xã trong hệ thống công vụ, đóng vai trò là cơ sở quan trọng để nâng cao hiệu lực quản lý. Theo đó, có cơ chế ghi nhận, khen thưởng xứng đáng đối với người làm tốt, những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ có thể bị xử lý kỷ luật...

Đại biểu cho rằng, điều này sẽ góp phần làm cho bộ máy ngày càng tinh gọn, hiệu quả hơn. Khi ý kiến phản ánh của người dân được xử lý ngay từ cấp xã, điều đó cũng đồng nghĩa với việc hiện thực hóa một trong những mục tiêu lớn mà Trung ương đã đề ra.
Bày tỏ tin tưởng và chia sẻ về tâm thế chuẩn bị khi bước vào môi trường làm việc mới, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Đoàn Nam Định) cho rằng, đội ngũ cán bộ công chức với tinh thần gần dân, sát dân, cùng sự hỗ trợ của hạ tầng công nghệ thông tin đã bước đầu hiện thực hóa mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.
Theo đại biểu, so với yêu cầu ngày càng cao và kỳ vọng của người dân, mô hình mới vẫn cần tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp. Dù vậy, bước khởi đầu đã cho thấy những định hướng và mục tiêu của Đảng, Nhà nước đang dần trở thành hiện thực.
Ông cho hay, Chính phủ đã kịp thời ban hành 28 nghị định hướng dẫn phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong mô hình chính quyền 2 cấp. Đồng thời, Quốc hội cũng ban hành nghị quyết cho phép Chính phủ xử lý các vấn đề cấp bách, kể cả việc sửa đổi quy định pháp luật hiện hành. Đây chính là cơ chế linh hoạt giúp kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình vận hành.
Ông cũng cho rằng, trong thời gian tới không tránh khỏi việc phát sinh những bất cập, khó khăn, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của Trung ương và việc các địa phương thành lập tổ công tác thường trực hỗ trợ, người dân và doanh nghiệp sẽ dần yên tâm hơn khi tiếp cận dịch vụ công trong mô hình mới.
“Với tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ đảng viên, tôi tin tưởng rằng việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị sẽ đạt kết quả tốt hơn, góp phần cải thiện đời sống nhân dân”, đại biểu nhấn mạnh.