Điểm nổi bật của sản xuất công nghiệp quý II/2025 là sản xuất tăng trưởng khá cao trên nền tăng trưởng cao của cùng kỳ năm 2024 (quý II/2024 chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 9,9%, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 11,6%).
Kết quả này làm cho sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2025 có bước phát triển vượt bậc với mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2021-2025, đạt 9,2%.

Theo Cục Thống kê, việc chuyển đổi mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, giảm bớt tầng nấc trung gian, giảm bớt các thủ tục hành chính sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chủ động hơn trong xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh. Cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái được thực hiện quyết liệt trong thời gian qua sẽ kích thích doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất.
Bên cạnh đó, cùng với việc tăng tốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình đầu tư công, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành kinh doanh bất động sản tăng cao sẽ tạo thuận lợi cho các ngành sản xuất vật liệu phục vụ cho xây dựng như: xi-măng, bê-tông, sắt thép... tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực.
Các ngành sản xuất phục vụ nhu cầu xuất khẩu như: điện tử, dệt, may, da giày Việt Nam vẫn đang có lợi thế tương đối do đã đạt được thỏa thuận khung với Mỹ về thuế xuất khẩu thấp hơn so với nhiều quốc gia khác. Thu hút FDI vào công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thu hút FDI 6 tháng đầu năm với các ngành điện tử, máy tính… đóng vai trò chủ lực cho thấy ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là động lực chính cho tăng trưởng công nghiệp 6 tháng cuối năm.

Giải bài toán quản lý chất lượng sản xuất thông qua Hội nghị kết nối các nhà đầu tư công nghiệp công nghệ cao
Bên cạnh các kết quả tích cực, vẫn còn một số điểm đáng lưu ý đối với sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2025.
Thông tin từ Cục Thống kê, ngành khai khoáng vẫn tiếp đà giảm của những năm trước, 6 tháng đầu năm giảm 3% so với cùng kỳ. Trong đó, đáng chú ý ngành khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên vẫn giảm mức sâu 8,2% (cùng kỳ năm trước giảm 12,4%).
Một số ngành sản xuất tuy vẫn tăng nhưng có xu hướng tăng trưởng chậm lại trong quý II/2025 như: ngành chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ quý I tăng 16,2%, quý II chỉ tăng 5,8%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế quý I tăng 12,6%, quý II tăng thấp hơn, đạt 10,9%.
Một chỉ số quan trọng khác là tồn kho và tỷ lệ tồn kho ngành công nghiệp chế biến chế tạo ở mức khá cao, bình quân 6 tháng đầu năm 2025 là 85,7%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2024 là 76,9%.

Với những thuận lợi và thách thức trên, Cục Thống kê nhận định sản xuất công nghiệp Việt Nam về cơ bản sẽ tiếp đà tăng trưởng trong nửa cuối năm 2025, dù phải đối phó với nhiều thách thức và chi phí toàn cầu.
Động lực sẽ đến từ đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI trong công chế biến chế tạo, chuyển dịch sang lĩnh vực công nghệ xanh và đầu tư công quy mô lớn. Tuy nhiên, để duy trì đà tăng cao, các doanh nghiệp và chính sách cần phải linh hoạt, chủ động ứng phó và cải thiện chuỗi cung ứng nội địa.