Căn cứ vào tình trạng lâm sàng, mức độ ổn định của người bệnh mà người kê đơn quyết định số ngày sử dụng của mỗi loại thuốc tối đa không quá 90 ngày. Trường hợp các tài liệu làm căn cứ kê đơn thuốc như tờ hướng dẫn sử dụng thuốc, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, dược thư quốc gia Việt Nam không có hướng dẫn về số ngày sử dụng thuốc, người kê đơn có căn cứ để quyết định kê đơn đến 90 ngày cho người bệnh phù hợp.
Với trường hợp người bệnh đi khám nhiều chuyên khoa trong một lượt khám thì bệnh viện tự quyết định người kê đơn, bảo đảm người bệnh chỉ có một đơn thuốc, tính an toàn (không bị trùng lặp, tương tác thuốc) và hiệu quả, hợp lý của đơn thuốc.
Chia sẻ về hiệu quả của Thông tư số 26/2025/TT-BYT, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, thông tư mới đã giúp bác sĩ không phải “lách luật” nữa. Thực tế phần lớn các bác sĩ hẹn tái khám cho người mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường… thường nhiều hơn một tháng.
Cái khó nhất là trước đây quy định không kê đơn quá 30 ngày, khiến bác sĩ, dược sĩ không dám cấp hoặc bán quá số thuốc. Vì thế một số bác sĩ đành “lách luật” bằng cách kê thuốc sử dụng theo ngày và ghi cuối đơn dòng chữ: “Uống đầy đủ theo hướng dẫn cho đến khi khám lại”. Cho nên người bệnh và nhà thuốc hiểu để có đủ số thuốc dùng trong 3 đến 6 tháng, thậm chí 1 năm (nếu không có diễn biến đặc biệt) cho đến khi tái khám.
Trước những điểm mới của Thông tư số 26/2025/TT-BYT, các bác sĩ Bệnh viện K cho rằng, đây là một bước đột phá trong việc hiện đại hóa quy trình chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và cải thiện trải nghiệm của người bệnh.
Thông tư mới đã tạo ra một hành lang pháp lý chặt chẽ hơn, góp phần chuẩn hóa quy trình kê đơn, nâng cao trách nhiệm của người hành nghề y và bảo vệ quyền lợi của người bệnh. Mặt khác, giúp người bệnh được tiếp cận với phác đồ điều trị chuẩn xác, giảm tình trạng lạm dụng thuốc, dùng thuốc sai cách; giúp quản lý chặt chẽ hơn quy trình kê đơn, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát; bảo đảm người bệnh được tư vấn đầy đủ thông tin về thuốc và điều trị.
Đáng chú ý, áp dụng kê đơn thuốc cho người bệnh theo Thông tư số 26/2025/TT-BYT không chỉ nâng cao hiệu quả chăm sóc người bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho bác sĩ và nhân viên y tế mà còn giảm bớt được áp lực của bệnh nhân khi đến bệnh viện khám chữa bệnh, nhận thuốc, nhất là với những bệnh nhân sinh sống tại các tỉnh, thành phố xa Hà Nội.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, trước mắt 2.000 bệnh nhân bị ung thư tuyến giáp, vú và bệnh ung thư phổi tế bào nhỏ đang điều trị tại Trung tâm được hưởng lợi từ Thông tư số 26/2025/TT-BYT.
Những người mắc ba loại bệnh ung thư nêu trên được điều trị ổn định, định kỳ tái khám không tái phát, không có di căn, hoàn toàn có thể cấp thuốc trên 30 ngày. Tuy nhiên, việc cấp thuốc trên 30 ngày, bác sĩ và nhân viên y tế cũng như người bệnh cần phải lưu ý, với bệnh ung thư có thể tái phát, có thể bị di căn bất kỳ lúc nào. Khi thấy các triệu chứng bất thường, bệnh tăng nặng hay đau ngực, khó chịu cần đến thăm khám sớm chứ không phải chờ đến khi hết thuốc mới đến khám theo hẹn.