Xây dựng nông thôn mới đã mang lại diện mạo tươi sáng cho bản làng vùng cao Nà Tâu, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La (Sơn La).
Xây dựng nông thôn mới đã mang lại diện mạo tươi sáng cho bản làng vùng cao Nà Tâu, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La (Sơn La).

Phát triển nhanh, bền vững vùng trung du và miền núi Bắc Bộ

(Tiếp theo và hết) (★)

Ðánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX và Kết luận số 26-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, Trung ương nhận định, các địa phương trong vùng đã nhận thức ngày càng rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của vùng. Một số địa phương đã có sự phát triển bứt phá, tạo điểm sáng. Tuy nhiên, tiềm năng, lợi thế của vùng vẫn chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả. Trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn là “vùng trũng” trong phát triển và là “lõi nghèo” của cả nước, liên kết vùng còn yếu.            

Bài 2: Hướng tới vùng phát triển xanh, bền vững, toàn diện

Cụ thể hóa Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng, trên cơ sở tổng kết thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về “Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Ðể đạt mục tiêu đến năm 2045, khu vực này sẽ trở thành vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện, trong đó có khoảng 50% số tỉnh ở trong nhóm phát triển khá, cần những giải pháp đột phá tạo cơ chế, chính sách và nguồn lực, chú trọng khâu chỉ đạo, điều hành và điều phối, kết nối phát triển vùng.

Chọn hướng ưu tiên, thúc đẩy liên kết vùng

Chọn hướng ưu tiên để đạt mục tiêu giai đoạn 2021-2030, tăng trưởng GDP đạt từ 0,8-0,9%/năm; quy mô kinh tế vùng đạt khoảng 2.100 tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa khoảng 40%, có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới… cần sự nỗ lực, hướng đi trúng, đúng của từng địa phương, đặt trong tổng thể phát triển và liên kết vùng, phù hợp chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của cả nước.

Theo đó, phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng được coi là giải pháp căn cơ. Với việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng đạt mức cao hơn bình quân chung cả nước; từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các địa phương đã từng bước đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ, phát triển công nghiệp vùng theo hướng ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, trọng tâm là công nghiệp chế biến. Từng tỉnh đã có bước dịch chuyển theo hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa, sản xuất an toàn, hữu cơ, xanh, sạch, đặc sản; hình thành các vùng chuyên canh với quy mô thích hợp.

Thực tế cho thấy, cơ cấu kinh tế vùng trung du và miền núi Bắc Bộ những năm qua đã có sự dịch chuyển tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; giảm dần tỷ trọng nông, lâm, thủy sản, chiếm gần 20% trong GRDP toàn vùng (năm 2020) , giảm 6,5 điểm phần trăm so năm 2010, các khu vực công nghiệp và xây dựng, dịch vụ đều tăng. Nhóm 6/16 tỉnh có tỷ trọng nông nghiệp cao hơn tỷ trọng chung của vùng là Hà Giang, Bắc Kạn, Yên Bái, Lạng Sơn, Phú Thọ, Sơn La. Tuy nhiên nông nghiệp khu vực này trước mắt vẫn giữ vai trò trụ cột của nền kinh tế, bởi đây là điều kiện, là lợi thế phát triển và tác động phần lớn dân cư, lao động, sinh kế, thu nhập, an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.

Nhóm 6/16 tỉnh có tỷ trọng công nghiệp cao hơn tỷ trọng chung của vùng là Lào Cai, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ, Hòa Bình và tây Thanh Hóa. Ðây là những địa phương có các điều kiện thuận lợi hơn về vị trí, các điều kiện tự nhiên-xã hội, giao thông vận tải, trình độ dân trí… để phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư. Nhóm 7/16 tỉnh có tỷ trọng dịch vụ cao hơn tỷ trọng chung của vùng là Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Ðiện Biên, là các địa phương có thế mạnh dịch vụ thương mại, du lịch, lữ hành, khách sạn, hậu cần, có thể phát huy lợi thế, đa dạng và nâng cao chất lượng, phát triển chuỗi và liên kết chuỗi.

Dựa trên tiềm năng, lợi thế và thực tế triển khai thực hiện Nghị quyết, chương trình hành động của các cấp ủy, chính quyền, đã hình thành các khu vực phát triển công nghiệp như Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ… với phân bố các nhóm ngành khác nhau; một số vùng cây hàng hóa như vùng chè, vùng lúa, vùng quả chiếm tỷ trọng khá so toàn quốc. Một số vùng lúa hàng hóa đặc sản tập trung, chuyên canh, có thương hiệu như nếp Tú Lệ, gạo Séng Cù, nếp cẩm…

Năm 2020, toàn vùng có 265 nghìn ha diện tích cây ăn quả và trở thành vùng cây ăn quả lớn thứ hai sau đồng bằng sông Cửu Long. Chương trình OCOP góp phần thúc đẩy phát triển các sản phẩm địa phương. Ðến hết năm 2020, đã có hơn 1.200 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Lợi thế về địa danh, thắng cảnh, văn hóa đặc sắc bản địa mở ra hướng phát triển cho thị trường du lịch, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Toàn vùng đã xây dựng được một số sản phẩm du lịch đặc thù, du lịch bổ trợ, tạo sức hấp dẫn du khách, các mô hình du lịch khám phá, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng.

Tại hội thảo khoa học mới đây về “Ðịnh hướng liên kết phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, tổ chức tại Lào Cai, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế-xã hội mà vùng đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời chỉ ra một số mặt còn hạn chế trong liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng.

Cụ thể, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trong vùng còn chưa phát triển liên thông; kết nối chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất hàng hóa, dịch vụ và kết nối doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, rời rạc; mô hình “liên kết giữa 4 nhà”-một trong những nhân tố được coi là đem lại sức bật mới cho vùng, chưa phát triển mạnh và trở thành phổ biến; việc quy hoạch và kết nối về chính sách giữa các địa phương trong vùng vẫn còn thiếu đồng bộ…

Ðể khơi thông tiềm năng, phát huy lợi thế, Trung ương tiếp tục đặt ra nhiệm vụ cho toàn vùng nhằm tập trung cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút nguồn lực đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân và chọn lọc các dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước, kết hợp với huy động các nguồn lực trong xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư theo hình thức đối tác công tư cho các công trình trọng điểm có sức lan tỏa, giải quyết các vấn đề phát triển vùng và liên vùng.

Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao đời sống nhân dân

Quan điểm của Ðảng, mục tiêu của Nghị quyết cũng chính là động lực để các cấp, ngành và địa phương triển khai đưa nghị quyết của Trung ương vào cuộc sống là phát triển văn hóa xã hội và nâng cao đời sống nhân dân. Theo đó, Trung ương xác định, trước hết là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trong đồng bào dân tộc thiểu số, coi đây là một trong những khâu đột phá cho phát triển nhanh và bền vững vùng. Trong đó, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp; củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông trung học bán trú, trường phổ thông trung học nội trú và trường dự bị đại học; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học cho các trường đại học trong vùng; thực hiện hiệu quả chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc…

Nỗ lực của các cấp, ngành qua nhiều năm đã nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về bản sắc văn hóa vùng. Người dân tham gia với vai trò trung tâm trong gìn giữ và bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống. Nhà nước đã huy động các nguồn lực xây dựng và phát huy các thiết chế văn hóa, giúp đồng bào có nhiều cơ hội hơn để hưởng thụ đời sống tinh thần. Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ là nơi có nhiều di sản, danh thắng thiên nhiên, trong đó Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Ðồng Văn, Công viên địa chất non nước Cao Bằng, Khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An, cùng 5 di sản phi vật thể là dân ca quan họ Bắc Ninh, hát xoan, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, nghi lễ kéo co, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đã được UNESCO công nhận. Cùng với bản sắc văn hóa, không gian sống của cộng đồng các dân tộc là nguồn tài nguyên quý giá cần được bảo tồn và phát huy, bồi đắp đời sống văn hóa đồng bào các dân tộc trong vùng và cũng là động lực cho phát triển.

Công tác giáo dục-đào tạo, phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân từng bước cải thiện với 144 trường phổ thông dân tộc nội trú (năm 2020). Mạng lưới, quy mô trường dự bị đại học thực hiện tốt việc tạo nguồn đào tạo ở các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, đáp ứng yêu cầu về cán bộ người dân tộc thiểu số. Các trường đại học trong vùng như: Ðại học Hùng Vương, đại học Tây Bắc được đầu tư phát triển. Ðại học Thái Nguyên đã cơ bản hoàn thiện theo mô hình đại học vùng, đa ngành, đa lĩnh vực, là địa chỉ đào tạo nguồn nhân lực quan trọng cho vùng. Tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế năm 2020 của vùng là 88,4%, tuy thấp hơn bình quân chung của cả nước nhưng số bác sĩ/1 vạn dân đạt 10,6 là cao hơn bình quân chung cả nước…

Trong giai đoạn tiếp theo, tập trung nguồn lực phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thông qua các cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ sản xuất, sinh kế, hỗ trợ nhà ở vẫn là giải pháp được ưu tiên. Cùng với việc tăng cường chăm lo người có công, công tác bảo trợ xã hội và giảm nghèo phải gắn với thực tiễn và xu thế đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới, phát triển các mô hình sinh kế mới, phát triển giáo dục, dạy nghề và giải quyết việc làm.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ các quy định của Nhà nước trong sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo. Kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tôn giáo vi phạm pháp luật, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân.

Sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020, vùng trung du và miền núi phía bắc đã hình thành mạng lưới giao thông nội vùng và kết nối với vùng đồng bằng sông Hồng tạo đà cho thu hút đầu tư và phát triển. Trong đó, một số tuyến cao tốc nối Hà Nội với Lào Cai, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình, Lạng Sơn, Bắc Giang đã trở thành động lực liên kết, kết nối vùng hiệu quả.

Tuy nhiên, để xây dựng vùng theo hướng phát triển xanh, bền vững và toàn diện, cần hơn nữa những giải pháp có tính bền vững, bảo đảm tích hợp, đa ngành, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp và dịch vụ; giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới; giữa phát triển kinh tế với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; hình thành được các chuỗi giá trị ngành, sản phẩm của vùng; phát triển kinh tế kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng an ninh; xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị, tạo nền tảng, động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển.

Lộ trình và giải pháp để đạt mục tiêu Nghị quyết 11-NQ/TW và thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 đối với vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đã rõ ràng. Tuy nhiên, để Nghị quyết đi nhanh vào cuộc sống, cần hơn nữa sự nỗ lực, cộng đồng trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, tạo sự thống nhất vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đồng thuận tham gia tích cực của xã hội; khắc phục tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào ngân sách nhà nước, chủ động tìm hướng đi đúng, trúng cho từng lĩnh vực, địa phương, đặt trong tổng thể phát triển vùng.

Phát triển nhanh, bền vững vùng trung du và miền núi Bắc Bộ

----

(★) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 14/4/2022.

Xem thêm