Vẻ ngạc nhiên gây cười của cả dàn nhạc trong trò đùa "lên dây đàn" trong chương cuối Il Distratto đã mang lại những tràng cười sảng khoái cho cả khán phòng.
Vẻ ngạc nhiên gây cười của cả dàn nhạc trong trò đùa "lên dây đàn" trong chương cuối Il Distratto đã mang lại những tràng cười sảng khoái cho cả khán phòng.

Những mảnh ghép tinh nghịch

Một nhạc mục đặc biệt vui nhộn, trong đó Mozart cố tình sáng tác... dở tệ, Beethoven lén đan cài những câu nhạc nghịch ngợm và Haydn thì đãng trí tới độ… quên cả cách kết thúc bản giao hưởng! Một buổi hòa nhạc thính phòng rất khác, khi khán giả không chỉ nghe mà còn được thấy, không chỉ thấy mà còn được cười.

Hãy đâm nhạc chạm vào bạn bằng nụ cười

Nếu bạn từng nghĩ, âm nhạc cổ điển luôn đồng nghĩa với sự nghiêm ngắn, khuôn mẫu. Nếu bạn từng nghĩ, những nhà soạn nhạc vĩ đại đều nghiêm nghị, chuẩn chỉ từ vẻ bề ngoài tới thế giới nội tâm bên trong, từ tuân thủ niêm luật đến đảm bảo tuyệt đối yêu cầu thể loại trong sáng tác. Nếu từng nghĩ thế thì chắc chắn bạn sẽ thay đổi, sau khi thưởng thức Những mảnh ghép tinh nghịch (Sassy Symphonic Outtakes) - một tựa đề “tinh nghịch” hình thành từ ba “mảnh ghép” bắt đầu bằng những chữ cái viết tắt SSO của chính Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời.

Với sự dẫn dắt của Giám đốc Âm nhạc kiêm Nhạc trưởng Olivier Ochanine, Những mảnh ghép tinh nghịch đã biến cả khán phòng Nhà hát Hồ Gươm trở thành một “giảng đường” không sách vở, không giáo án. Chỉ có những bất ngờ thú vị nằm ngoài sức tưởng tượng của âm nhạc cổ điển, với những câu chuyện hài hước được vị nhạc trưởng cùng các thành viên dàn nhạc chuyển tải đầy duyên dáng ngay trên sân khấu của Nhà hát Hồ Gươm.

dsc00098.jpg
Biểu cảm hài hước của nhạc trưởng Olivier Ochanine, khi phải chứng kiến mớ hỗn độn về cấu trúc âm nhạc mà thiên tài Mozart cố tình bày biện.

Không dừng lại ở một buổi hòa nhạc thính phòng thông thường, Những mảnh ghép tinh nghịch mang lại cơ hội hiếm hoi để công chúng Thủ đô - dù am hiểu nhạc lý hay không, được trực tiếp tham gia một “buổi học” sinh động do chính nhạc trưởng người Pháp Olivier Ochanine "đứng lớp". Trong suốt thời lượng hai tiếng đồng hồ, các tác phẩm không chỉ được biểu diễn mà còn được diễn giải, phân tích và… pha trò khiến khán phòng không hiếm lần bật lên những tràng cười thú vị.

Nhờ nhịp cầu đầy sáng tạo đó, âm nhạc cổ điển trở nên gần gũi, dễ hiểu và dễ cảm, ngay cả với đối tượng người mới nhập môn. Như mong muốn mà nhạc trưởng từng chia sẻ trước đêm diễn, “hãy để âm nhạc chạm vào bạn bằng nụ cười”, ông và từng thành viên dàn nhạc đã mang tới một đêm nhạc thật sự khó quên.

Những bất ngờ thú vị

Điểm nhấn của nhạc mục nằm ở tác phẩm được chọn mở màn đêm diễn có tựa đề Toy Symphony (Bản giao hưởng đồ chơi). Từng được cho là sáng tác của Haydn hay Leopold Mozart, Toy Symphony thực ra là tác phẩm của một tu sĩ người Áo – Edmund Angerer.

Vốn được sáng tác để biểu diễn trong các cuộc vui quy mô nhỏ tại triều đình hoặc trong dịp lễ Giáng sinh, Toy Symphony gói gọn một thế giới âm nhạc ngộ nghĩnh, tươi vui của thế kỷ 18, nơi những món đồ chơi thơ trẻ được reo vui bình đẳng bên cạnh những nhạc cụ hàn lâm thuộc bộ dây và bộ hơi. Khán giả có thể thưởng thức từ tiếng hót trong trẻo của nhiều loài chim chóc (cu gáy, sơn ca, chim cút) đến tiếng máy lắc gỗ rin rít hay mỉm cười cùng tiếng huýt sáo, âm thanh lách cách và cả tiếng kèn trumpet đồ chơi.

dsc00113.jpg
Ảnh: Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời (SSO).

Ba tác phẩm còn lại đều thuộc về những tên tuổi lớn của nền âm nhạc cổ điển thế giới.

A Musical Joke (Một trò vui âm nhạc) bắc nhịp cầu để thiên tài Wolfgang Amadeus Mozart châm biếm sự vụng về trong sáng tác bằng nhiều thủ pháp “cố tình làm lố” như kỹ thuật đối âm vụng về, tiếng kèn lệch tông, cách nối tiếp bè nghèo nàn hay đoạn kết thiếu thuyết phục. “Trò vui” của nhà soạn nhạc thiên tài từng được diễn dịch theo nhiều hướng, người cho đó là lời trêu chọc giới sáng tác nghiệp dư cùng đám nhạc công địa phương kém tài, người lại nghiêng về thái độ mỉa mai những đối thủ tự đề cao cá nhân thái quá. Nhưng dù hiểu theo cách nào thì tác phẩm vẫn là một bản nhạc thú vị kết hợp giữa những “lỗi sai” có chủ đích và in đậm nét duyên dáng rất riêng.

12 Contredanses được Ludwig van Beethoven sáng tác vào khoảng năm 1791, dành riêng cho những vũ hội quý tộc sôi động giữa thành Vienna - cái nôi của âm nhạc cổ điển châu Âu. Tuy thời lượng rất ngắn với mỗi bản chỉ kéo dài khoảng một phút, nhưng khi kết nối thành một tác phẩm hoàn chỉnh, 12 contredances đã vẽ nên một bức tranh tổng thể vô cùng sống động của một buổi dạ vũ với đầy đủ những yếu tố dí dỏm, duyên dáng và đôi lúc hơi lệch nhịp một cách cố tình.

Giao hưởng số 60 giọng Đô trưởng có tựa đề Il Distratto (Người đãng trí) là mảnh ghép không thể thú vị hơn để kết lại chương trình. Lấy cảm hứng từ nhạc nền của một vở hài kịch có nhân vật chính thuộc loại nhớ trước quên sau, Joseph Haydn đã sáng tạo một bản giao hưởng hoành tráng gồm sáu chương - một chuyến tàu lượn siêu tốc vui nhộn của những trò đùa “vô tiền khoáng hậu” như tạm dừng đột ngột, khởi đầu nhầm lẫn, tâm trạng lộn xộn, biểu cảm bất thường…Nhà soạn nhạc tài danh thể hiện óc hài hước đỉnh cao, khi tinh nghịch nhại lại những mô-típ âm nhạc quen thuộc, tự trêu chọc những chủ đề đưa ra của chính mình, dẫn dắt khán giả vào những lối đi phi lý, chẳng theo quy luật nào để rồi bất ngờ lật ngược tất cả.

dsc00782.jpg
Ảnh: Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời (SSO).

Một đêm diễn ngập tràn niềm vui

Đồng hành cùng những trò đùa nghịch ngợm, hài hước đầy duyên dáng của cả bốn tác giả, công chúng Thủ đô đã trải qua một đêm nhạc vô cùng thư giãn. Họ cười rộ với những đoạn chen ngang thú vị từ các “nhạc cụ đồ chơi” ở Toy Symphony, háo hức khám phá một tác phẩm tưởng như dành cho trẻ em lại được sáng tác với kỹ thuật cao đến vậy.

Họ nhăn mặt với những đoạn viết cho kèn horn lệch tông, mủm mỉm cùng đoạn kết lạc điệu hay những khoảng lặng ngỡ ngàng có phần vụng về, ngạc nhiên với đoạn solo violin lê thê đến mức khó hiểu rồi cười bò với hai nhạc công bị nhạc trưởng phũ phàng đuổi ra ngoài. Và nhận ra, tài năng “viết dở một cách xuất sắc” của thiên tài Mozart, khi ông có thể đùa cợt duyên dáng, sâu cay đến thế qua A Musical Joke.

Cũng chính họ ngạc nhiên cùng những nhấn nhá bất ngờ và biến chuyển cường độ đột ngột, những giai điệu vui nhộn dễ khiến các vũ công lơ đễnh trượt nhịp cùng những câu nhạc như lời trêu chọc của Beethoven. Và cảm nhận được rõ ràng 12 Contredanses tuy khiêm tốn về thời lượng nhưng chuyên chở đầy đủ dấu ấn sau này làm nên tên tuổi Beethoven: thông minh, táo bạo và luôn nằm ngoài mọi khuôn mẫu.

dsc00479.jpg
Hai nhạc công bộ hơi bị nhạc trưởng bực bội đuổi ra ngoài vì liên tục "phá đám' phần trình diễn A Musical Joke.

Tác phẩm cuối cùng mang lại kha khá tràng cười cho cả khán phòng, khi bày biện cả trò đùa “lên dây đàn” ở chương cuối lẫn tạo ra sự đối lập đầy kịch tính giữa vẻ trang trọng và tình trạng hỗn loạn ngoài tầm kiểm soát ở các chương còn lại. Trong thế giới nơi các dàn nhạc thường chọn cách biểu diễn an toàn, Il Distratto nhắc ta rằng ngay cả những tác phẩm trang trọng, tinh tế nhất cũng có thể trở nên vô cùng hài hước, nếu muốn.

Một nhạc mục mới lạ, một nhịp cầu nối đầy sáng tạo sẽ giúp đưa âm nhạc cổ điển ngày một tiệm cận số đông công chúng. Hiểu được, cảm được thì mới có thể yêu, nỗ lực của nhiều đơn vị nghệ thuật, trong đó có SSO đang kéo gần lại chặng đường cán đích!

dsc00646.jpg

Xem thêm