Ngày 9/7, khu vực Bắc Bộ, khu vực từ Thanh Hóa đến Huế và duyên hải Nam Trung Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 38 độ C như trạm Phù Yên (Sơn La) 38,4 độ C, trạm Hòa Bình (Phú Thọ) 39,4 độ C, trạm Lào Cai 38,6 độ C, trạm Bắc Mê (Tuyên Quang) 38,2 độ C, trạm Hiệp Hòa (Bắc Ninh) 38,2 độ C, trạm Ba Vì (Hà Nội) 39,1 độ C, trạm Ninh Bình 38,8 độ C, trạm Tĩnh Gia (Thanh Hóa) 39,3 độ C, trạm Đô Lương (Nghệ An) 39,0 độ C,…
Độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến từ 50-60%.
Dự báo, ngày 10/7, khu vực từ Thanh Hóa đến Huế và duyên hải Nam Trung Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 50-55%.
Từ ngày 11/7, nắng nóng ở khu vực từ Thanh Hóa đến Huế và duyên hải Nam Trung Bộ dịu dần.
Do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nguy cơ cao xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Các chuyên gia cũng lưu ý, nhiệt độ dự báo trong các bản tin nắng nóng và nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2-4 độ C, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê-tông, đường nhựa.
Nhiệt độ thực đo cao nhất hôm nay (9/7):
STT | Tỉnh | Trạm đo | Nhiệt độ (độ C) |
1 | Phú Thọ | Lạc Sơn | 39,2 |
Hòa Bình | 39,4 | ||
2 | Lào Cai | Lào Cai | 38,6 |
3 | Hà Nội | Ba Vì | 39,1 |
Sơn Tây | 39,0 | ||
4 | Ninh Bình | Nho Quan | 38,6 |
Ninh Bình | 38,8 | ||
5 | Thanh Hóa | Hồi Xuân | 38,5 |
Như Xuân | 38,8 | ||
Tĩnh Gia | 39,3 | ||
6 | Nghệ An | Đô Lương | 39,0 |
Để phòng chống sốc nhiệt, đột quỵ trong những ngày nắng nóng, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân nên tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng phòng ngừa như:
Hạn chế hoạt động ngoài trời vào thời điểm nắng gắt, nhất là thời điểm từ 12-16 giờ.
Trong thời gian nắng nóng, mọi người nên hạn chế các loại hình vận động ngoài trời, ưu tiên tập luyện trong nhà.
Những người lao động ngoài trời nắng cần uống nhiều nước, nhất là nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol.
Ngoài ra, người dân không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng, không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp và gió quạt thổi trực tiếp gần người.