Bác Vũ Bình Trọng 83 tuổi (người ngồi giữa)
lão thành cách mạng trao đổi cùng lãnh đạo
xã Đông Lâu, huyện Tiền Hải (Thái
Bác Vũ Bình Trọng 83 tuổi (người ngồi giữa) lão thành cách mạng trao đổi cùng lãnh đạo xã Đông Lâu, huyện Tiền Hải (Thái

Nếp nghĩ, cách làm mới ở một vùng quê cách mạng

Khi chúng tôi đến Tiền Hải, Kỳ họp thứ 10 của HÐND huyện khóa 17 vừa kết thúc với những mục tiêu rất tích cực. Ðó là việc toàn huyện phấn đấu năm 2008 có tổng giá trị sản xuất đạt hơn 2.100 tỷ đồng, tăng 16,5% so với năm trước, trong đó giá trị sản xuất của ngành nông, lâm, thủy sản tăng 5,5%, bảo đảm toàn huyện có giá trị sản xuất bình quân đầu người đạt 9,5 triệu đồng/người/năm. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng tăng 26%.

Nói tới những thành tựu các ông Phạm Văn Xuyên, Bí thư Huyện ủy và Vũ Ðức Hằng, Chủ tịch UBND huyện đều không quên nhấn mạnh rằng, Tiền Hải là vùng quê cách mạng, là quê hương của tiếng trống năm 1930.

Cuốn lịch sử "Tiền Hải hình thành và phát triển" ghi rõ: "Sau khi Ðảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, Tiền Hải đã nhanh chóng thành lập những chi bộ đầu tiên ở ba thôn: Trình Nhất, Trình Nhì và Trình Trung thuộc xã Trình Phố. Sau đó các chi bộ Vũ Lăng, Nho Lâm, Thanh Giám, Ðông Cao và tổ chức đảng ở Mỹ Ðức ra đời.

Lúc đó, Tiền Hải có 111 đảng viên nhưng đã lãnh đạo nông dân đấu tranh đòi xóa bỏ tục lệ lạc hậu, chống phụ thu lạm bổ sưu thuế... giành nhiều thắng lợi. Hưởng ứng phong trào Xô viết - Nghệ Tĩnh, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, các cơ sở đảng ở Tiền Hải đã tổ chức cuộc biểu tình ngày 14-10-1930. Vào đêm 13 rạng sáng ngày 14-10, nông dân ba làng Ðông Cao, Nho Lâm, Thanh Giám tập trung hơn 700 người kéo thẳng lên huyện lỵ sau tiếng trống, tiếng tù và tiếng loa kêu gọi khởi nghĩa phát đi từ đình Nho Lâm. Khi đoàn người biểu tình tới huyện đường, bọn lính ở đây đã bắn thẳng vào đoàn làm tám người chết, 13 người bị thương... Bọn địch còn bắt đi 40 người, trong đó có sáu đảng viên và đồng chí Phan Ái là người chỉ huy cuộc biểu tình. Ðến 10 giờ, cuộc biểu tình bị giải tán. Tháng 9-1931, kẻ địch đem xét xử và kết tội 40 người tham gia cuộc biểu tình ngày 14-10-1930 với tổng cộng 225 năm tù, trong đó có đồng chí Ngô Duy Phớn bị kết án 15 năm tù và bị đày đi Côn Ðảo".

Còn nhớ cách đây 10 năm, Tiền Hải vẫn là huyện yếu kém của tỉnh Thái Bình, năng suất lúa chưa năm nào vượt lên hạng trung bình của tỉnh. Nếu không vì nhiệm vụ Ðảng phân công thì chẳng ai muốn về nhận công việc lãnh đạo, chỉ đạo ở vùng sâu, vùng xa, có nhiều khó khăn nhất, nhì trong tỉnh Thái Bình này. Toàn huyện có hơn 10 nghìn ha đất canh tác nhưng luôn luôn bị nhiễm mặn nặng. Vụ đông lại không có điều kiện phát triển mạnh như các huyện phía bắc tỉnh. Vốn quý nhất của huyện chỉ là sức lao động và những tiềm năng của một huyện ven biển.

Mãi đến năm 2002, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở Tiền Hải mới thật sự được tập trung chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả. Mỗi năm, Tiền Hải thường xuyên đào đắp từ 600 - 700 nghìn mét khối đất thủy lợi nội đồng, nạo vét kênh mương, cải tạo hơn 30 trạm bơm lẻ và nâng cấp 30 trạm thủy nông từ trục xiên thành trục đứng, vừa tiết kiệm điện vừa nâng cao công suất tưới tiêu. Tiếp đến là việc toàn huyện phải thực hiện đổi mới các loại giống lúa. Vì thế, giống lúa ngắn ngày bắt đầu được thay thế nhanh chóng cho các loại giống lúa dài ngày trước đây.

Hai năm gần đây (2006 - 2007), toàn bộ diện tích cấy lúa của huyện đều cấy bằng các loại giống lúa thuần, lúa lai có năng suất và chất lượng cao. Vụ xuân năm nay, khi các huyện khác trong tỉnh đã cấy được khá nhiều diện tích thì Tiền Hải vẫn còn đồng trắng nước trong. Vào thời điểm ấy xuất hiện đợt rét đậm, rét hại làm cho 70% diện tích lúa đã cấy và gần 30% diện tích mạ xuân muộn bị chết, gây thiệt hại và làm chậm tiến độ thời vụ của tỉnh. Nhưng Tiền Hải không bị thiệt hại chút nào vì toàn bộ diện tích mạ xuân được gieo trên nền đất cứng có che phủ ni-lông, trong đó có gần 50% diện tích được cấy bằng các giống lúa có chất lượng cao. Thực tiễn là bài học quý. Tỉnh đã chỉ đạo các huyện trong tỉnh về Tiền Hải thăm và tìm hiểu kinh nghiệm thâm canh vụ xuân của huyện.

Gần 800 ha diện tích trước đây cấy lúa, làm muối kém hiệu quả nay được chuyển sang nuôi trồng thủy, hải sản, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung có hiệu quả kinh tế cao gấp 5-6 lần trồng lúa. Gần 4.000 ha nuôi trồng thủy, hải sản trong huyện đang được khai thác triệt để, bảo đảm hằng năm có tổng sản lượng hơn 12 nghìn tấn. Riêng vụ xuân năm 2008, toàn huyện có hơn 2.600 hộ nuôi thả được 170 triệu con tôm sú giống, tăng 6,5% so với năm 2007. Toàn huyện hiện nay đã có 350 trang trại và 1.300 gia trại. Gia đình các ông Huyễn (Vũ Lăng), ông Thiên (Nam Cường) đều chăn nuôi từ 2.000 con lợn trở lên.

Trên đường đến Đồng Châu, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về những đổi thay của vùng đất ven quốc lộ 39b chạy dọc trung tâm huyện Tiền Hải. Trên diện tích của ba xã Đông Lâm, Đông Cơ và Tây Giang nay đã hình thành một khu công nghiệp với hơn 30 doanh nghiệp như Công ty MIKADO, Sứ Tây Sơn, Công ty Việt Đức, Công ty Pha lê Việt Tiệp, Nước khoáng Vital, Công ty gạch ốp lát Thái Bình, Sứ Hảo Cảnh, Công ty sứ Long Hầu… Chỉ tính riêng giá trị sản xuất công nghiệp sáu tháng đầu năm nay của Tiền Hải đã đạt hơn 435 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ. Ở các khu vực Trà Lý và Cửa Lân đang hình thành hai cụm công nghiệp với tổng diện tích 85 ha với nhiều ngành nghề khác nhau sẽ tạo điều kiện nhanh chóng thay đổi cơ cấu kinh tế của huyện.

Cách huyện lỵ ba km là đến xã Đông Lâm, nơi mà tháng 10-1930 đoàn người biểu tình đã đi, hô vang những khẩu hiệu: “Không được đụng đến công nông Nghệ Tĩnh”, “Trả lại tiền đào sông Cốc Giang”, “Phá tư điền gián thành công điền quân cấp”… Những con đường đất lầy lội trên địa bàn Đông Lâm mà đoàn người biểu tình năm xưa đã diễu hành, bây giờ tất cả 15 km đường trong xã đã được rải đá, láng nhựa. Hai bên đường, nhà cửa được đúc bê tông hoặc xây hai, ba tầng mọc lên san sát giống như những dãy phố, với rất nhiều điểm dịch vụ các loại hàng hóa mà người dân có thể thoả mãn mọi nhu cầu của sản xuất và đời sống hằng ngày.

Đông Lâm có hơn 300 ha đất canh tác nhưng đã quy hoạch gần 100ha cho khu công nghiệp, thu hút hơn 900 lao động của xã vào làm việc tại các doanh nghiệp, thực hiện đúng phương châm: “Rời ruộng, không rời làng”.

Từ năm 2007, Đông Lâm đã giảm số hộ nghèo xuống còn 10% và không còn gia đình nào có nhà dột nát. Bình quân thu nhập đầu người của toàn xã năm 2007 đạt gần 7 triệu đồng.

Ở các xã Nam Cường và Nam Thịnh là những xã ven biển thì con đường làm giàu lại bằng cách khai thác và nuôi trồng thủy hải sản. Nam Cường là vùng đất mới hình thành hơn 40 năm nay đã dành gần 100 ha đất phía trong để biển để nuôi trồng tôm cá và cua, có hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa từ 5 đến 6 lần.

Một nếp nghĩ và cách làm ăn mới đã hình thành trên địa bàn 35 xã, thị trấn của Tiền Hải. Nghèo đói đang lùi dần nhường chỗ cho cuộc sống gnày càng khá giả. Mặc dù vậy, tôi vẫn không thấy dấu hiệu thoả mãn với cuộc sống hiện tại. Trong thời gian tới, Tiền Hải đã nêu lên chín nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương, nhằm xây dựng quê hương giàu đẹp, nối tiếp truyền thống của quê hương cách mạng, tiến quân mạnh mẽ vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Xem thêm