Ngày 1/7/2025, đất nước ta chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp ở tất cả 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được hình thành sau quá trình tổ chức, sắp xếp lại. Đây là dấu mốc quan trọng, đánh dấu thành quả của quá trình “sắp xếp lại giang sơn” đầy quyết tâm đổi mới của Đảng ta với người đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm.
Trước đó, ngày 30/6/2025, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: “Đến thời điểm này, đội ngũ chúng ta đã chỉnh tề, hàng lối đã ngay ngắn, cả dân tộc cùng hành quân vươn tới tương lai rực rỡ của đất nước, vì hạnh phúc của Nhân dân, vì một Việt Nam phát triển bền vững”. Thành quả này là tổng hòa của nhiều yếu tố, trong đó: tầm nhìn, giải pháp và sự đoàn kết là ba yếu tố mang tính then chốt chiến lược.
“Vừa chạy vừa xếp hàng” – tinh thần xuyên suốt trong quá trình đổi mới
Là phóng viên nghị trường, chúng tôi may mắn được cử tham gia đưa tin các hoạt động của Quốc hội – cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, nơi mà tại các kỳ họp, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị đại biểu đại diện cho Nhân dân luôn bàn thảo các chính sách, các công việc quan trọng của đất nước.
Tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” được đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập và nhấn mạnh trong bài viết về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề “Tinh-Gọn-Mạnh-Hiệu năng-Hiệu lực-Hiệu quả” (các cơ quan thông tấn, báo chí đăng phát ngày 5/11/2024). Trong bài viết này, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu: “Tập trung hoàn thiện thể chế theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” để nhanh chóng đưa chủ trương của Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống”.
Tiếp đến, vào sáng 15/2/2025, trong phiên thảo luận ở Tổ 1 (Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội) tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Tổng Bí thư Tô Lâm đã một lần nữa nhấn mạnh lại tinh thần này: “Tinh thần là vừa chạy vừa xếp hàng. Hàng lối phải ngăn nắp nhưng vẫn phải chạy. Giờ bảo tôi phải xếp hàng ngăn nắp đã, đội ngũ chỉnh tề đã rồi hô để chạy thì đã muộn, người ta đã đi rất xa rồi”.
Tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm ngay sau đó đã được toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, địa phương hưởng ứng thực hiện và trở thành “kim chỉ nam”, “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt trong tổng thể các hoạt động.
Tại Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ngày 11/3/2025) cho ý kiến về việc tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã quán triệt lại tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm trong việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 9 (diễn ra từ ngày 5/5-27/6/2025): “Đề nghị Thường vụ Quốc hội, Chính phủ bám sát Kết luận số 126, 127, 128-KL/TW để thực hiện. Các cơ quan của Chính phủ, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội chủ động từ sớm, từ xa, trên tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng”, để bảo đảm thực hiện khối lượng công việc rất lớn này”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Tầm nhìn chiến lược của người đứng đầu Đảng
Để toàn hệ thống chính trị có được và hiện thực hóa tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, trước đó, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã có hàng loạt bài viết quan trọng, vừa mang chiều sâu lý luận, vừa cô đọng thực tiễn sinh động và các giải pháp căn cơ cho các đường lối, chủ trương và mục tiêu cụ thể mà Đảng đã đề ra.
Đầu tiên, trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, đồng chí Tô Lâm đã có bài viết “Chống lãng phí” (các cơ quan thông tấn, báo chí đăng tải ngày 13/10/2024). Bên cạnh việc ghi nhận nhiều kết quả tích cực đã đạt được, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển…
Trên cơ sở đó, ngoài việc chỉ rõ một số dạng thức của lãng phí đang nổi lên gay gắt hiện nay và nguyên nhân, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng nêu rõ các giải pháp cơ bản để công tác phòng, chống lãng phí đạt được hiệu quả: Thứ nhất, cần thống nhất nhận thức đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp; là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp; có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng ta vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”; Thứ hai, tập trung hoàn thiện và tổ chức triển khai có hiệu quả thể chế phòng, chống lãng phí; xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công; Thứ ba, tập trung giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản công, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực chăm lo nhân dân và phát triển đất nước; Thứ tư, xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hằng ngày”.
Tiếp đó, cũng trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, đồng chí Tô Lâm đã có bài viết: “Phát huy tính Đảng trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (các cơ quan thông tấn, báo chí đăng tải ngày 20/10/2024). Trong bài viết, bên cạnh việc ghi nhận những kết quả đáng khích lệ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã thẳn thắn chỉ ra rằng, việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Để khắc phục những hạn chế và xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đề ra 3 vấn đề cơ bản cần chú ý: Một là, Đảng ta là Đảng cầm quyền, sự lãnh đạo của Đảng là tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện, bao trùm mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…; Hai là, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng phát huy dân chủ để Nhân dân tham gia hoạt động quản lý Nhà nước theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; Ba là, trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nhân dân được xác định là người làm chủ theo quy định pháp luật và vận hành theo nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Tiếp đến, trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Tô Lâm đã có bài viết về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề “Tinh-Gọn-Mạnh-Hiệu năng-Hiệu lực-Hiệu quả” (các cơ quan thông tấn, báo chí đăng phát ngày 5/11/2024).
Trong bài viết, bên cạnh việc ghi nhận nhiều kết quả tích cực đã đạt được, Tổng Bí thư Tô Lâm đã thẳn thắn chỉ ra rằng, cho đến nay, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, quan hệ công tác giữa nhiều cơ quan, bộ phận chưa thật rõ ràng, còn trùng lắp, chồng chéo; phân định trách nhiệm, phân cấp, phân quyền chưa đồng bộ, hợp lý…
Trước thực trạng đó, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, cần khẩn trương thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, với một số công tác trọng tâm: Thứ nhất: xây dựng và tổ chức thực hiện trong toàn hệ thống chính trị mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới; Thứ hai: tập trung hoàn thiện thể chế theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” để nhanh chóng đưa chủ trương của Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống; Thứ ba: gắn tinh gọn tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh.
Ba bài viết tiêu biểu, cốt lõi nêu trên như những “thanh âm” tạo nên một “bản nhạc” đặc sắc có tầng nấc, lớp lang; có chiều sâu lý luận và thực tiễn. Những “bản nhạc” này đã góp phần đặc biệt quan trọng trong việc “khai mở” đường lối để đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; trong đó, trọng tâm là sắp xếp, tổ chức lại bộ máy của hệ thống chính trị; đổi mới thể chế, tư duy xây dựng pháp luật để làm cơ sở, từ đó tiến tới từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng kiến tạo, xóa “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn” là thể chế; “sắp xếp lại giang sơn” từ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để mở rộng không gian phát triển; tổ chức lại chính quyền địa phương 2 cấp để chính quyền gần dân, sát dân, phục vụ Nhân dân được tốt hơn…
Thành quả thể chế hóa chủ trương của Đảng theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”
Cùng với các bài viết mang tính căn cốt, chiến lược của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng ban hành nhiều Kết luận, Chỉ thị, Nghị quyết để phục vụ các nhiệm vụ cấp bách trong nhiệm vụ sắp xếp lại tổ chức của hệ thống chính trị; về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật và hoàn thiện thể chế; về tổ chức lại chính quyền địa phương 2 cấp và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.
Cụ thể là: Kết luận số 121-KL/TW, ngày 24/1/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả); Kết luận số 126-KL/TW, ngày 14/2/2025; Kết luận số 127-KL/TW, ngày 28/2/2025 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Tiếp đến, ngày 20/3, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã ban hành Công văn số 43-CV/ về Kế hoạch tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Đặc biệt, tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (họp từ ngày 10/4 đến ngày 12/4/2025 tại Thủ đô Hà Nội), cùng với việc thảo luận, cho ý kiến và kết luận nhiều nội dung quan trọng khác, Ban Chấp hành Trung ương cơ bản thống nhất với các nội dung đề xuất của Bộ Chính trị và Đề án về phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; sắp xếp các tổ chức chính trị-xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân; xây dựng hệ thống tổ chức đảng ở địa phương; chủ trương sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013…
Bên cạnh đó, ngày 30/4/2025, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Đây là những cơ sở chính trị quan trọng để sau đó, Quốc hội, Chính phủ đã tích cực, khẩn trương chuẩn bị trên tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” để cấp bách thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết nêu trên của Đảng.
Thành quả ấy đã đến sau 35 ngày làm việc nghiêm túc, dân chủ, trách nhiệm cao, với tinh thần đổi mới, chuẩn bị kỹ lưỡng, sắp xếp khoa học, tập trung cao độ, ngày 27/6/2025, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra.
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, đây là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp nhiều nhất từ trước đến nay; tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” nhưng vẫn bảo đảm nền nếp, cẩn trọng, kỷ cương, đúng quy định của pháp luật và hiệu quả.

Kết quả, tại Kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 34 luật (chiếm 52,3% tổng số luật được ban hành tại 17 kỳ họp của nhiệm kỳ khóa XV); Quốc hội cũng đã thông qua 14 nghị quyết quy phạm pháp luật và cho ý kiến 6 dự án luật.
Đặc biệt, Quốc hội đã thảo luận và thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với tỷ lệ đồng thuận tuyệt đối của các vị đại biểu Quốc hội, cùng với nhiều luật, nghị quyết đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, sắp xếp bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp.
Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội khóa XV được thông qua tại Kỳ họp thứ 9 nêu trên, vào ngày 30/6/2025, đồng loạt 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã công bố các quyết định và ngày 1/7/2025, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đã đồng loạt đi vào hoạt động, mang đến kỳ vọng, sự phấn khởi và niềm tin rất lớn trong toàn thể các tầng lớp cán bộ, đảng viên và Nhân dân…
Bài học từ sự đoàn kết trong toàn Đảng, toàn dân
Đoàn kết luôn tạo ra sức mạnh. Để có được thành quả “sắp xếp lại giang sơn” khoa học, “gọn gàng”, kiến tạo không gian phát triển mới; để hệ thống chính trị “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”; để “đội ngũ chúng ta đã chỉnh tề, hàng lối đã ngay ngắn” như ngày hôm nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã trên dưới một lòng đoàn kết, vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc.
Trong bài viết mới đây nhất với tiêu đề “Sức mạnh của đoàn kết” (các cơ quan thông tấn, báo chí đăng phát ngày 29/6/2025), đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: “Trong giai đoạn hiện nay, khi cả nước đã và đang thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức của hệ thống chính trị; sáp nhập các đơn vị hành chính, “sắp xếp lại giang sơn”, tổ chức không gian phát triển bền vững cho đất nước, tinh thần đoàn kết càng phải được phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Với tầm nhìn chiến lược và bản lĩnh lãnh đạo của Đảng, chúng ta kiên quyết giữ vững và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đó là “mạch nguồn”, là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt, bảo đảm mọi đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước được thực hiện triệt để, nhất quán, hiệu quả, đáp ứng tốt nhất mọi nguyện vọng chính đáng của Nhân dân”.
Trong bài viết nêu trên, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã đi sâu phân tích rất cụ thể giá trị của “đoàn kết” trong lịch sử nhân loại; giá trị của “đoàn kết” trong lịch sử đất nước Việt Nam, đặc biệt là trong công cuộc dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước qua các thời kỳ. Bên cạnh đó, đồng chí Tổng Bí thư cũng chỉ rõ các nguy cơ, hệ lụy nếu để mất đoàn kết, chia rẽ trong nội bộ…
Từ đó, đồng chí Tổng Bí thư khẳng định: “Đoàn kết đã, đang và sẽ mãi là sức mạnh vô địch của cách mạng Việt Nam. Trong giai đoạn chuyển mình sắp xếp lại bộ máy đầy thách thức hiện nay, tinh thần ấy càng phải được quán triệt sâu sắc và phát huy cao độ. Lịch sử giao cho chúng ta nhiệm vụ hết sức quan trọng là kiến tạo một bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong thời kỳ mới. Để hoàn thành nhiệm vụ đó, không có “vũ khí” nào lợi hại và hiệu quả hơn sự đồng tâm nhất trí của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của toàn dân. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết – Thành công, thành công, đại thành công!”.

Ngày 1/7/2025 đánh dấu một thời điểm trọng đại, lịch sử của đất nước khi 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hình thành, tổ chức lại sau sắp xếp đã chính thức vận hành theo mô hình chính quyền 2 cấp. Trên khắp dải đất hình chữ S, các tầng lớp cán bộ, đảng viên và Nhân dân đều hết sức đồng thuận, phấn khởi, tin tưởng vào một tương lai tươi sáng mới của đất nước. Nhiều rào cản, trở lực lớn vốn tồn tại trước đây thì nay đã mạnh mẽ, quyết liệt được cắt bỏ và sẽ còn tiếp tục không ngừng. Chính quyền đã gần dân, sát dân hơn để sẵn sàng phục vụ Nhân dân được tốt hơn.
“Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Được Nhân dân tin tưởng, ủng hộ, trên dưới đồng lòng, đoàn kết và dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, chắc chắc đất nước ta sẽ ngày càng đạt được nhiều thành tựu to lớn, vĩ đại hơn nữa trong kỷ nguyên phát triển phồn thịnh, vì sự ấm no và hạnh phúc của Nhân dân.