Thầy cúng thực hiện nghi lễ cầu mùa, cầu an – trung tâm của lễ hội Khô Già Già.
Thầy cúng thực hiện nghi lễ cầu mùa, cầu an – trung tâm của lễ hội Khô Già Già.

Khô Già Già – Di sản văn hóa ở vùng cao Bát Xát

Lễ hội Khô Già Già là hoạt động văn hóa tâm linh quan trọng nhất trong năm của đồng bào Hà Nhì đen tại xã Bát Xát, tỉnh Lào Cai (trước sáp nhập là xã Y Tý, huyện Bát Xát). Đây là dịp để cộng đồng thể hiện lòng biết ơn đối với trời đất, thần linh và tổ tiên; cầu mong mùa màng tốt tươi, bản làng yên ấm.

Gắn kết cộng đồng trong không gian văn hóa vùng cao

Lễ hội Khô Già Già thường được tổ chức vào tháng 6 âm lịch, tùy thuộc vào lịch thời vụ và điều kiện sản xuất nông nghiệp của từng bản. Trước lễ chính, người dân dọn dẹp bến nước, nơi gắn với sinh hoạt và tín ngưỡng, dựng lại căn nhà sinh hoạt bằng cỏ gianh làm nơi tổ chức các nghi lễ cộng đồng.

ndo_br_01-lam-sach-do-tho-cung.jpg
Người dân Hà Nhì vệ sinh vật dụng làm cỗ tại bến nước, công việc
 khởi đầu cho ngày hội Khô Già Già.

Lễ hội kéo dài trong ba ngày, với nhiều nghi thức được thực hiện theo truyền thống. Các lễ vật như bánh dày, xôi, thịt, rượu… được chuẩn bị chu đáo. Trong đó, bánh dày là lễ vật không thể thiếu, mang ý nghĩa cầu mong cuộc sống no đủ, viên mãn. Quá trình làm bánh cũng là hoạt động tập thể, thu hút sự tham gia của nhiều hộ gia đình, thể hiện tính cộng đồng và tinh thần gìn giữ phong tục.

ndo_br_02-banh-day-san-pham-duoc-chon-trong-mam-le-cung-than.jpg
Bánh dày, lễ vật truyền thống mang ý nghĩa cầu chúc đủ đầy, no ấm.

Trong lễ cúng, thầy cúng đại diện cho cả bản dâng lễ và thực hiện các nghi thức giao tiếp với thần linh. Lễ vật được bày trên các mâm lễ tại khoảng sân rộng, dưới sự chứng kiến trang nghiêm của người dân trong bản. Tất cả thể hiện sự thành kính và niềm tin rằng những điều thiêng liêng sẽ mang lại bình an, mùa màng tươi tốt, sức khỏe cho con người.

ndo_br_03-mang-le-ra-noi-tho-than-linh.jpg
Lễ vật được đưa đến rừng thiêng, không gian thiêng liêng trong đời sống tín ngưỡng của người Hà Nhì.
ndo_br_05-hanh-le-o-nha-chung-cua-ban.jpg
Nghi lễ được tổ chức trang nghiêm tại nhà chung, trung tâm tổ chức lễ hội và sinh hoạt cộng đồng.
ndo_br_06-nguoi-con-trai-uong-nuoc-than-linh-ban-cho.jpg
Một cậu bé được mẹ cho uống nước thiêng, tượng trưng cho sự truyền trao phúc lành qua các thế hệ.

Sau phần lễ, các hộ gia đình cùng quây quần trong căn nhà sinh hoạt chung để tổ chức bữa cơm cộng đồng. Đây là dịp gắn kết các thế hệ trong bản, thể hiện tinh thần chia sẻ, đoàn kết và niềm vui chung sau khi hoàn tất các nghi lễ truyền thống.

ndo_br_07-hao-huc-ngay-hoi.jpg
Niềm vui của các em nhỏ trong không khí lễ hội đoàn kết của bản làng.

Gìn giữ bản sắc qua sinh hoạt văn hóa cộng đồng

Phần hội diễn ra sôi nổi với nhiều trò chơi dân gian đặc trưng như kéo co, đẩy gậy, đu quay… Các hoạt động này không chỉ tạo không khí vui tươi, phấn khởi mà còn góp phần bảo tồn, truyền dạy các giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ.

Lễ hội cũng là dịp để từng thành viên trong cộng đồng phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, từ chuẩn bị lễ vật, tham gia nghi lễ, đến tổ chức trò chơi và sinh hoạt tập thể. Chính sự tham gia rộng rãi này đã tạo nên tính bền vững cho lễ hội, giúp Khô Già Già trở thành một phần quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Hà Nhì ở vùng cao.

ndo_br_8-canh-ruong-mau-mo-o-y-ty-8313.jpg
Cánh đồng màu mỡ ở Bát Xát, thành quả của lao động và niềm tin tâm linh cộng đồng.

Phát huy giá trị trong dòng chảy hiện đại

Năm 2014, Lễ hội Khô Già Già được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là sự ghi nhận đối với những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Hà Nhì đen, đồng thời khẳng định vị trí của lễ hội trong bản đồ di sản văn hóa dân tộc.

Ngày nay, lễ hội không chỉ là không gian sinh hoạt văn hóa truyền thống, mà còn trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc, thu hút du khách đến tìm hiểu, trải nghiệm và khám phá đời sống văn hóa vùng cao. Việc gắn kết lễ hội với hoạt động du lịch đã góp phần quảng bá hình ảnh địa phương, tạo nguồn lực để bảo tồn các giá trị truyền thống trong điều kiện mới.

Giữ gìn và phát huy Lễ hội Khô Già Già không chỉ là bảo tồn một nghi lễ cổ truyền, mà còn thể hiện định hướng phát triển văn hóa bền vững, nơi di sản trở thành nguồn lực, cộng đồng là chủ thể. Ở vùng cao Bát Xát, Lễ hội Khô Già Già tiếp tục được trao truyền qua các thế hệ, góp phần định hình bản sắc trong đời sống văn hóa của đồng bào Hà Nhì giữa dòng chảy hội nhập hôm nay.

Xem thêm