Hiện đại hóa thi hành án dân sự từ nền tảng số

Trong công cuộc chuyển đổi số, việc xây dựng nền tảng số trong lĩnh vực thi hành án dân sự là giải pháp quan trọng nhằm hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, đồng thời có ý nghĩa quyết định đối với thành công của ngành. 

Theo Thứ trưởng Tư pháp Mai Lương Khôi: Nền tảng số trong lĩnh vực thi hành án dân sự có ý nghĩa quyết định đối với thành công của công cuộc chuyển đổi số trong ngành, nhằm hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự.

Hệ thống này sẽ quản lý toàn diện quy trình thi hành án, từ thụ lý, xử lý tài sản, thu chi đến kết nối dữ liệu với tòa án, viện kiểm sát, công an, ngân hàng và các cơ sở dữ liệu quốc gia, hướng tới xây dựng hệ sinh thái số hoàn chỉnh trong lĩnh vực thi hành án dân sự.

bien-lai-dien-tu-1jpg-1875.jpg
Bộ Tư pháp khai trương phần mềm biên lai điện tử thi hành án dân sự. (Ảnh: TH)

Thứ trưởng yêu cầu Cục Quản lý thi hành án dân sự coi đây là dự án trọng điểm, sớm thành lập tổ công tác chuyên trách để trực tiếp chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết, xác định cụ thể các hạng mục công việc, tiến độ thực hiện và mốc thời gian, hướng tới mục tiêu vận hành nền tảng từ ngày 1/10/2025.

Thông tin từ Cục Quản lý thi hành án dân sự cho biết: Việc xây dựng Nền tảng số trong lĩnh vực thi hành án dân sự bao gồm các phần mềm: Thụ lý và tổ chức thi hành án; Biên lai điện tử thi hành án dân sự; Tiếp công dân, tiếp nhận đơn thư và quản lý giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Hiện phần mềm Biên lai điện tử đã bước đầu đưa vào sử dụng, phần mềm Thụ lý và tổ chức thi hành án đang triển khai tính năng hỗ trợ ra quyết định.

Theo kế hoạch, từ ngày 1/10/2025, cả hai phần mềm này cùng phần mềm tiếp công dân phải đi vào vận hành chính thức. Đây là yêu cầu bắt buộc nhằm bảo đảm số liệu thống kê thi hành án năm 2026 được thu thập đồng bộ và thực hiện đúng lộ trình theo Nghị quyết 71/NQ-CP về xây dựng cơ sở dữ liệu thi hành án dân sự.

Xem thêm