Vừa qua, Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao - ông Nguyễn Danh Hoàng Việt đã chủ trì buổi làm việc với Phòng Thể thao thành tích cao và Phòng Thể thao cho mọi người nhằm rà soát tiến độ triển khai công tác chuẩn bị tham dự hai sự kiện thể thao quan trọng sắp tới: SEA Games 33 và Đại hội Thể thao trẻ châu Á 2025.
Trong bối cảnh thời gian không còn nhiều, việc hoàn thiện kế hoạch tham dự các đại hội thể thao khu vực và châu lục đang được khẩn trương thực hiện. Một trong những yêu cầu trọng tâm được lãnh đạo Cục Thể dục Thể thao đặt ra là nhanh chóng hoàn tất danh sách thành phần đoàn, xác định rõ các môn và phân môn tham dự, số lượng vận động viên, huấn luyện viên, cán bộ… nhằm chủ động công tác tổ chức và điều phối nguồn lực hiệu quả.
Theo báo cáo của Trưởng phòng Thể thao thành tích cao - ông Hoàng Quốc Vinh, các kế hoạch chuẩn bị cho từng đại hội đang được triển khai đúng tiến độ. Cụ thể, tại Đại hội Thể thao trẻ châu Á 2025, diễn ra từ ngày 19 đến 31/10 tại Trung Quốc, đoàn Thể thao Việt Nam dự kiến cử 116 thành viên tham dự, tranh tài ở 12 trên tổng số 24 môn và phân môn của Đại hội.
Đối với SEA Games 33 tổ chức từ ngày 9 đến 31/12 tại Thái Lan, đoàn Thể thao Việt Nam dự kiến có 971 thành viên, trong đó có 158 người tham gia bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Đoàn sẽ tranh tài ở 30 môn và phân môn, trong đó nhiều nội dung được xác định là mũi nhọn có khả năng giành thành tích cao.
Để nâng cao hiệu quả huấn luyện và tối ưu hóa thành tích, các môn thi đấu được phân chia thành 3 nhóm:
Nhóm 1: Các môn thế mạnh truyền thống, được xác định là trọng điểm giành huy chương vàng như: Điền kinh, Bóng đá, Bơi, Bắn súng, Vật, Taekwondo, Karate, Cử tạ, Đấu kiếm, Canoeing, Đua thuyền truyền thống, Thể dục dụng cụ, Boxing, Judo, Jujitsu, Bi sắt, Wushu, Muay, Rowing, Xe đạp, Cờ vua, Bắn cung, Pencak Silat, Bóng bàn, Thể dục Aerobic, Ba môn phối hợp, Bóng chuyền trong nhà, Golf, Bóng ném, Bóng rổ 3x3, Cầu mây…
Nhóm 2: Các môn có khả năng tranh chấp huy chương bạc hoặc đồng như: Quần vợt, Bóng rổ 5x5, Nhảy cầu, Thể dục nghệ thuật, Cầu lông, Bóng chuyền bãi biển, Thuyền buồm, Bowling, Roller…
Nhóm 3: Các môn thể thao mang tính xã hội hóa, chủ yếu tranh tài để tích lũy kinh nghiệm thi đấu quốc tế gồm: Billiards, Trượt băng nghệ thuật, Thể thao điện tử, Bóng chày – bóng mềm, Võ thuật tổng hợp (MMA)...
Cũng tại buổi làm việc, Trưởng phòng Thể thao cho mọi người - ông Nguyễn Ngọc Anh đã báo cáo về công tác chuẩn bị của 2 môn thuộc sự quản lý của phòng tham gia SEA Games 33 đó là: Thể thao điện tử (E-Sport) và Leo núi.
Ngoài ra, môn Kéo co là môn tham gia nội dung biểu diễn. Trong đó, Thể thao điện tử dự kiến tham gia 6 nội dung với 38 vận động viên. Trong khi đó, ở môn Leo núi, đã nhận được thông tin đăng ký của Thành phố Hồ Chí Minh góp mặt 1 huấn luyện viên, 5 vận động viên. Cả 2 môn này đều sẽ đi theo nguồn kinh phí xã hội hóa. Hiện, phòng đã hoàn thiện thủ tục cho các đội.
Cùng với phân nhóm, công tác tập huấn và nâng cao chất lượng huấn luyện đang được đẩy mạnh cả trong nước và nước ngoài. Các đội tuyển trọng điểm được đầu tư toàn diện từ chuyên môn, hậu cần, dinh dưỡng, đến trang thiết bị tập luyện, chăm sóc y tế và phục hồi chấn thương.
Những địa điểm tập huấn trọng điểm, các mối hợp tác quốc tế với Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hungary… đang được triển khai nhằm tạo điều kiện tối ưu cho vận động viên tích lũy thể lực, chiến thuật và kinh nghiệm thi đấu.
Theo ông Hoàng Quốc Vinh, tất cả các đội tuyển hiện đang khẩn trương hoàn thiện kế hoạch thi đấu và tập huấn, hướng tới mục tiêu xây dựng lực lượng mạnh nhất, sẵn sàng tranh tài tại hai sân chơi lớn cuối năm. Sự chuẩn bị bài bản và quyết tâm cao là tiền đề quan trọng để thể thao Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế trong khu vực và vươn tầm châu lục.