Nơi đây trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, quân và dân Sài Gòn Gia Ðịnh đã tạo ra một "làng ngầm", "Một biệt khu nguy hiểm", để chiến đấu kiên cường với những chiến công đi vào huyền thoại, tổng chiều dài của địa đạo là 250 km với các loại đường hầm nhiều tầng, trong đó có những hầm chỉ huy, hầm quân y, hầm hội họp... (có cả lối thoát hiểm ra sông Sài Gòn). Cấu trúc đường hào gọi là đường "xương cá", sau đó được phát triển ra các nhánh và cứ thế lan tỏa, đường xương cá kết hợp với nhiều loại hầm đã tạo ra một hệ thống liên hoàn khép kín, trước đây, cán bộ của ta hầu hết nằm hầm bí mật khi bị địch phát hiện rất dễ bị khống chế và hy sinh vì không có đường thoát.
Mỗi một đoạn địa đạo lại có một lỗ thông hơi lên phía trên và được ngụy trang rất khéo theo dạng ụ mối hay chỗ kẻ thù không thể ngờ tới. Chuyện kể rằng có trận càn địch dùng chó nghiệp vụ đánh hơi phát hiện được lỗ thông hơi (lỗ thông hơi được đắp ngụy trang như những ụ mối).
Ðể chống lại việc trên, du kích cho trộn ớt cay khiến cho lũ chó bị sặc, có lẽ biện pháp sau này có kết quả hơn đó là quân ta thu lượm quần áo, đồ dùng... mà lính Mỹ vứt lại. Rải lên chỗ xung yếu, những con chó chịu không thể phát hiện được "mục tiêu".
Hệ thống hầm hào không chỉ bảo toàn lực lượng của ta, mà còn là nơi xuất phát của những trận đánh vào đô thành, khiến cho kẻ thù ăn không ngon ngủ không yên. Ðã nhiều lần, địch dùng những cuộc hành quân lớn với những vũ khí hiện đại, cùng các thủ đoạn thâm độc hòng "bóc" bằng được địa đạo Củ Chi, như cho máy bay B52 ném bom hủy diệt, dùng hơi độc, xả nước, cho công binh xuống đặt chất nổ... nhưng chúng đều thất bại.
Ngày nay địa danh địa đạo Củ Chi không chỉ nổi tiếng trong nước, hiện nay đã là khu di tích lịch sử, du lịch hấp dẫn về nguồn của nhiều người, nhất là với giới trẻ, họ đến Củ Chi, đến địa đạo bởi sự tri ân với những lớp người đi trước.