Nhưng cũng chính bởi vậy, các nước ASEAN lại càng phải tăng cường hành động, thậm chí là đi đầu trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Từ ngày 28 đến ngày 31/7, Bộ Tài nguyên và Môi trường bền vững (NRES) của Malaysia, nước Chủ tịch ASEAN 2025, sẽ đăng cai Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN về Môi trường lần thứ 36 (ASOEN-36), với sự tham gia của đại diện 10 quốc gia thành viên, để củng cố các chính sách, chiến lược và hợp tác khu vực trong bảo vệ môi trường.
Dự kiến, hội nghị sẽ tập trung vào các nội dung như bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên và các hành động chung trước tác động của biến đổi khí hậu.
Cụ thể, theo NRES, chương trình nghị sự ASOEN-36 sẽ bắt đầu với việc thảo luận “Tuyên bố chung ASEAN về biến đổi khí hậu”, để trình bày tại Hội nghị lần thứ 30 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC COP30). Tiếp theo sẽ là cuộc họp Hội đồng Quản trị trung tâm đa dạng sinh học ASEAN (ACB) để thảo luận về định hướng chiến lược, chính sách và triển khai chương trình bảo tồn đa dạng sinh học khu vực. Ngoài ra, cũng sẽ có các cuộc họp khác như Đối thoại Hợp tác Môi trường ASEAN-Nhật Bản (AJDEC) lần thứ 19, đối thoại song phương với Hàn Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), và đối thoại ASEAN+3.
Đây là bước triển khai các định hướng chung đã được vạch ra tại Diễn đàn Triển vọng khí hậu ASEAN lần thứ 24 hồi cuối tháng 4/2025. Theo đó, các nước ASEAN cần xây dựng kế hoạch chiến lược thiết thực và cụ thể nhằm ứng phó, giảm nhẹ và thích ứng hiệu quả với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như lũ lụt, hạn hán và sóng nhiệt.
Ngày càng nhiều nước ASEAN phải căng mình hứng chịu các hiện tượng thời tiết cực đoan, điển hình là những tác động ghê gớm của cơn bão Wipha vừa tràn qua Philippines và Việt Nam. Bởi vậy, việc tăng cường hợp tác khu vực trong trao đổi dữ liệu, công nghệ và tri thức khí hậu, nhằm nâng cao khả năng dự báo chính xác, hiểu rõ hơn về biến đổi khí hậu, từ đó đưa ra các phản ứng kịp thời và phù hợp trước các hiện tượng thiên nhiên đã trở thành một nhu cầu bức thiết.
Bên cạnh đó, cũng không thể bỏ qua những biến động toàn cầu ở lĩnh vực này, khi chính sách và cơ sở hạ tầng về khí hậu của ASEAN cũng dần trở nên phức tạp hơn, do sự cạnh tranh ngày càng gia tăng về nhiều mặt giữa Mỹ và Trung Quốc - những quốc gia phát thải carbon lớn nhất thế giới. Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA): Đầu tư năng lượng sạch ở Đông Nam Á
cần tăng gấp bốn lần, lên mức 130 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030, song song mức đầu tư đáng kể cho tiến trình thích ứng với biến đổi khí hậu.
Rõ ràng, những đòi hỏi (dù mới chỉ trên lý thuyết sơ bộ) này là không dễ đáp ứng, nếu chỉ có các nỗ lực đơn lẻ.
Ở kỳ họp lần này, ASOEN-36 sẽ có bảy nhóm công tác kỹ thuật, tập trung vào các lĩnh vực như đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, quản lý chất thải, đô thị bền vững và quản lý tài nguyên nước. Một cách ngắn gọn, việc gấp rút triển khai những chương trình hợp tác, thúc đẩy các hành động tập thể và tăng cường hơn nữa hợp tác khu vực hướng tới bảo vệ môi trường toàn diện và bền vững… chính là cách để ASEAN tự bảo vệ các cộng đồng dân cư cũng như cơ cấu kinh tế (cả nông nghiệp, công nghiệp lẫn dịch vụ) của chính mình, trong tình trạng nhiều nguồn tài chính khí hậu vẫn còn đang bị “đóng băng” hoặc đã chính thức sụt giảm (do sự rút lui của nước Mỹ khỏi các cam kết).
Sâu xa hơn, khi xây dựng sức mạnh tự chủ dựa trên những mối dây gắn kết, vị thế và tiếng nói chung của ASEAN cũng sẽ bảo đảm được sức nặng trên trường quốc tế, ở lĩnh vực khí hậu-môi trường nói riêng và những vấn đề an ninh phi truyền thống nói chung.
Đây thật sự là một cuộc chiến đấu mà Đông Nam Á không còn thời gian để né tránh, hay chần chừ.