Chia sẻ với Báo Nhân Dân, bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê (Bộ Tài chính) nhấn mạnh, cuộc Tổng điều tra lần này có nhiều điểm mới đáng chú ý: Nội dung điều tra được mở rộng nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin phục vụ hoạch định chính sách; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập và xử lý số liệu; khai thác hiệu quả các nguồn dữ liệu hành chính sẵn có, giúp giảm thiểu gánh nặng cho người dân; triển khai song song các hình thức thu thập thông tin qua phiếu điện tử trên thiết bị điện tử di động (CAPI), phiếu trực tuyến sử dụng internet (webform) để bảo đảm tính linh hoạt và chính xác cùng cách thức quản lý dữ liệu trực tuyến nhằm kiểm soát tiến độ, chất lượng điều tra trong quá trình thu thập thông tin tại địa bàn; nâng cao trách nhiệm giải trình và quản lý dữ liệu tập trung, khai thác sử dụng phân tán.
Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại trong Tổng điều tra 2025

Theo bà Hương, thông tin của Tổng điều tra năm 2025 tăng so với năm 2016 nhằm đáp ứng đầy đủ hơn nhu cầu thông tin của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương về thực trạng nông nghiệp, nông dân, nông thôn và chuyển dịch cơ cấu ngành nông, lâm, thuỷ sản, cơ cấu lao động nông thôn.
Cũng năm 2025 này, thay đổi về phương pháp thực hiện lập bảng kê đơn vị điều tra phiếu hộ giúp đồng thời thu thập đầy đủ thông tin và tiết kiệm kinh phí. Bảng kê trang trại được bổ sung thu thập thông tin bảo đảm kết nối giữa phiếu hộ và phiếu trang trại giúp công tác làm sạch, xử lý số liệu và phân tích kết quả điều tra. Việc khai thác tối đa dữ liệu hành chính và dữ liệu điều tra hiện có nhằm giảm thiểu thu thập từ thực địa giúp nâng cao hiệu quả của tổng điều tra.

Đáng chú ý, ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra, làm sạch và hoàn thiện số liệu. Trong đó, ứng dụng học máy để kiểm tra hoàn thiện mã ngành của hộ kinh doanh cá thể dựa trên căn cứ về ngành; sử dụng định vị và bản đồ số trong một số công đoạn của Tổng điều tra.
Với sự hỗ trợ của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), Cục Thống kê đã xây dựng 2 loại mẫu điều tra phục vụ suy rộng các chỉ tiêu phát triển bền vững (SDGs) và các chỉ tiêu chuyên sâu về nông, lâm, thuỷ sản vừa nhằm đáp ứng mục tiêu thông tin vừa nâng cao hiệu quả của công tác thu thập thông tin.

Cũng theo bà Hương, để chuẩn bị cho cuộc Tổng điều tra với phạm vi lớn và có ý nghĩa quan trọng lần này, ngay từ năm 2023, Tổng cục Thống kê (nay là Cục Thống kê) đã lên kế hoạch, xây dựng phương án và chuẩn bị thực hiện điều tra thí điểm để làm cơ sở xây dựng phương án Tổng điều tra chính thức.
Trong năm 2024, đơn vị đã thực hiện điều tra thí điểm, đồng thời rà soát toàn bộ nhu cầu các chỉ tiêu đầu ra từ đó làm cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt việc Tổ chức Tổng điều tra trong năm 2025.
Cùng trong năm 2024, Cục Thống kê đã nghiên cứu, thiết kế 7 loại phiếu điều tra phục vụ công tác thu thập thông tin, xây dựng các tài liệu, quy trình hướng dẫn thực hiện Tổng điều tra; xây dựng các chương trình phần mềm ứng dụng phục vụ công tác thu thập thông tin, xử lý làm sạch và tổng hợp kết quả điều tra.
Từ đầu năm 2025 đến nay, tiếp tục hoàn thiện các phần mềm ứng dụng, chuẩn bị và tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ và công nghệ thông tin các cấp: trung ương, tỉnh và huyện nhằm trang bị các kiến thức về nghiệp vụ, phần mềm cho toàn bộ đội ngũ điều tra viên, giám sát viên, Ban chỉ đạo và Tổ thường trực các cấp từ trung ương đến địa phương hướng tới việc thu thập thông tin đầy đủ, chính xác nhất để biên soạn, tổng hợp các chỉ tiêu thống kê liên quan phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, chính phủ và chính quyền địa phương các cấp.
“Trước xu thể chuyển đổi số mạnh mẽ, ngành thống kê nói chung và Cục Thống kê nói riêng đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng và hiệu quả trong điều tra thống kê. Tính đến năm 2025, trên 90% tổng số cuộc điều tra được sử dụng phiếu điều tra điện tử trên thiết bị di động (CAPI) hoặc trực tuyến (Webform) và trong Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025, chúng tôi tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn gồm: Lập bảng kê, quản lý mạng lưới điều tra, phân công điều tra viên và giám sát viên, thu thập thông tin, giám sát điều tra và làm sạch số liệu, khai thác”, bà Nguyễn Thị Hương nói.

Ngoài ra, Cục Thống kê đã nghiên cứu áp dụng công nghệ học máy hỗ trợ kiểm tra, rà soát mã ngành kinh tế, ứng dụng AI hỗ trợ công tác thu thập thông tin, sử dụng định vị GPS của đơn vị điều tra trong công tác điều hành tác nghiệp, giám sát thực hiện điều tra và phổ biến kết quả.
Kết quả cuộc điều tra sẽ được phổ biến thông tin dưới dạng dữ liệu tổng hợp, hình ảnh trực quan hóa (infographic, video graphic …) bằng biểu đồ và trên không gian địa lý, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng tin.
Cục Thống kê đã chuẩn bị hạ tầng công nghệ thông tin đủ năng lực quản lý, vận hành hệ thống phần mềm, quản trị dữ liệu từ trung ương đến địa phương bảo đảm hoạt động thông suốt 24/7; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng.
Trước xu thể chuyển đổi số mạnh mẽ, ngành thống kê nói chung và Cục Thống kê nói riêng đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng và hiệu quả trong điều tra thống kê. Tính đến năm 2025, trên 90% tổng số cuộc điều tra được sử dụng phiếu điều tra điện tử trên thiết bị di động (CAPI) hoặc trực tuyến (Webform) và trong Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025, chúng tôi tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn gồm: Lập bảng kê, quản lý mạng lưới điều tra, phân công điều tra viên và giám sát viên, thu thập thông tin, giám sát điều tra và làm sạch số liệu, khai thác.
Bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê
Nông thôn, nông nghiệp Thanh Hóa trước vận hội mới
Nhắc đến Thanh Hóa là nhắc đến một vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, đồng thời cũng là một tỉnh có thế mạnh và tiềm năng lớn trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Với diện tích rộng, địa hình đa dạng và dân số đông, khu vực nông thôn, nông nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ cấu kinh tế-xã hội của tỉnh.
Thanh Hóa là tỉnh có diện tích lớn thứ năm trong cả nước, dân số đông, với hơn 61,98% dân cư sinh sống ở khu vực nông thôn. Nông nghiệp, nông thôn đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Thanh Hóa có đủ ba vùng sinh thái: Đồng bằng ven biển, trung du và miền núi. Mỗi vùng có những đặc trưng riêng, tạo nên sự đa dạng về cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập quán canh tác cũng như điều kiện sống của người dân.
Những năm qua, tỉnh đã triển khai mạnh mẽ chương trình xây dựng nông thôn mới và đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Sản xuất nông nghiệp đang chuyển dần từ nhỏ lẻ sang tập trung, ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, khu vực nông thôn-nông nghiệp vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn như biến đổi khí hậu, thiếu lao động trẻ, thu nhập chưa ổn định…

Trong bối cảnh đó, Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 có ý nghĩa rất quan trọng, giúp Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh có cái nhìn toàn diện, chính xác về hiện trạng và xu hướng phát triển, từ đó xây dựng chính sách phù hợp hơn để phát triển bền vững nông thôn, nông nghiệp trên địa bàn trong thời gian tới.
Đáng chú ý, trong bối cảnh hệ thống chính trị đang từng bước được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bước vào kỷ nguyên mới, yêu cầu về việc có được những nguồn dữ liệu đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành là vô cùng cấp thiết. Do đó, tỉnh Thanh Hóa đặt nhiều kỳ vọng vào kết quả của cuộc Tổng điều tra lần này.
Cụ thể, thông tin thu thập từ cuộc điều tra sẽ phản ánh chân thực và toàn diện bức tranh hiện nay của khu vực nông thôn, nông nghiệp trên địa bàn tỉnh – từ cơ sở hạ tầng, điều kiện sống, việc làm, thu nhập, tổ chức sản xuất đến những chuyển biến trong quản lý đất đai, tài nguyên và áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Từ đó, dữ liệu điều tra sẽ trở thành căn cứ khoa học và thực tiễn quan trọng, giúp các cấp chính quyền hoạch định chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn sát thực tế, phù hợp từng vùng, từng địa phương.
Đồng thời, cũng là cơ sở để tỉnh tiếp tục rà soát, phân bổ hợp lý các nguồn lực đầu tư, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tránh chồng chéo, lãng phí và tăng cường công khai, minh bạch trong thực thi chính sách.
Đặc biệt, trong quá trình tinh giản biên chế, tổ chức lại bộ máy, kết quả điều tra sẽ giúp các cấp, các ngành xác định rõ đâu là những lĩnh vực, khu vực cần ưu tiên nguồn lực, đâu là những mô hình tổ chức cần điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn, góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ, gần dân, sát dân và vì sự phát triển bền vững của khu vực nông thôn.

Chứng kiến tinh thần sẵn sàng, nghiêm túc và đầy quyết tâm của lực lượng giám sát viên, điều tra viên toàn tỉnh tại buổi lễ ra quân, tin tưởng rằng, với những “cánh tay nối dài” của ngành thống kê, của chính quyền các cấp, họ chính đang góp phần mang lại những con số biết nói – chân thực, sống động và đầy giá trị.
Chính các điều tra viên, giám sát viên sẽ trực tiếp “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để thu thập thông tin một cách chính xác, trung thực, khách quan trong cuộc Tổng điều tra.