Sân thể thao pickleball trên đường Giáng Hương 3 tại Khu đô thị Euro Village 2 (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) nhìn từ trên cao. (Ảnh: ĐÌNH TĂNG)
Sân thể thao pickleball trên đường Giáng Hương 3 tại Khu đô thị Euro Village 2 (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) nhìn từ trên cao. (Ảnh: ĐÌNH TĂNG)

Cần làm rõ trách nhiệm trong sai phạm tại công trình thể thao “tạm” ở khu đô thị Euro Village 2

Sân thể thao pickleball (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) sau khi được xây dựng và đi vào hoạt động đang gây bức xúc trong dư luận bởi hàng loạt dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng về mục đích sử dụng, giám sát quá trình xây dựng công trình tạm, chính quyền địa phương buông lỏng quản lý.

Công trình sân thể thao pickleball trên đường Giáng Hương 3 tại khu đô thị Euro Village 2 (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) được xây trên các thửa đất số 78, 85, 86, tờ bản đồ số 14 là đất ở đô thị, không phải đất công cộng hay thể thao theo quy hoạch. Tuy vậy, chủ đầu tư vẫn san lấp, đổ bê-tông toàn bộ diện tích, dựng lưới chắn, cột đèn cao áp, mái che… hình thành một tổ hợp thể thao tương đối kiên cố.

Theo Điều 94, Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi 2020), công trình tạm chỉ được xây dựng trong một số trường hợp nhất định, không làm thay đổi mục đích sử dụng đất và không ảnh hưởng đến quy hoạch. Việc cho phép một sân thể thao cố định, kéo dài đến 3 năm, trên đất ở là vi phạm ngay từ khâu cơ bản nhất.

Bản vẽ công trình sân thể thao pickleball trên đường Giáng Hương 3 tại khu đô thị Euro Village 2 (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng). (Ảnh: ĐÌNH TĂNG)

Bản vẽ công trình sân thể thao pickleball trên đường Giáng Hương 3 tại khu đô thị Euro Village 2 (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng). (Ảnh: ĐÌNH TĂNG)

Ai đã “bật đèn xanh”?

Công trình được khởi công từ cuối tháng 2/2025, đưa vào hoạt động từ giữa tháng 4/2025, dù có dấu hiệu sai phạm rõ ràng nhưng đến ngày 22/5/2025, công trình vẫn hoạt động bình thường.

Ông Nguyễn Hải Đường, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Cẩm Lệ, cho biết “đang chỉ đạo kiểm tra”, song chưa có biện pháp xử lý cụ thể nào được công bố.

Sự trì hoãn này đặt ra nghi vấn: Chính quyền địa phương có thiếu trách nhiệm, thậm chí bao che? Bởi công trình thi công công khai, quy mô lớn, nằm ngay trong khu dân cư cao cấp nhưng không bị ngăn chặn kịp thời, không có quyết định đình chỉ hay xử lý dứt điểm dù người dân nhiều lần gửi đơn khiếu nại lên Quận ủy, Ủy ban nhân dân quận Cẩm Lệ, Sở Xây dựng và Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, báo chí đã lên tiếng.

Là công trình "tạm" nhưng trên thực tế công trình sân thể thao pickleball trên đường Giáng Hương 3 tại khu đô thị Euro Village 2 được xây dựng mái che khá kiên cố. (Ảnh: ĐÌNH TĂNG)

Là công trình "tạm" nhưng trên thực tế công trình sân thể thao pickleball trên đường Giáng Hương 3 tại khu đô thị Euro Village 2 được xây dựng mái che khá kiên cố. (Ảnh: ĐÌNH TĂNG)

Trả lời phóng viên Báo Nhân Dân, ông Trần Phước Hòa Bình, Trưởng Phòng Cấp phép, Sở Xây dựng Đà Nẵng, khẳng định: “Việc xử lý công trình xây sai phép thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của địa phương, cụ thể là Ủy ban nhân dân quận Cẩm Lệ”.

Trong văn bản số 982/UBND-ĐKTQTĐT ngày 9/5/2025 của Ủy ban nhân dân quận Cẩm Lệ gửi Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng và Báo Nhân Dân, Ủy ban nhân dân quận Cẩm Lệ đã thừa nhận công trình xây dựng sân pickleball trên đường Giáng Hương 3, khu đô thị Euro Village 2 sai nhiều nội dung so với hồ sơ thiết kế được duyệt tại Công văn số 3083/UBND-QLĐT ngày 5/12/2024 của Ủy ban nhân dân quận Cẩm Lệ.

Cụ thể, lắp mái che toàn bộ sân thể thao, nhà vệ sinh sai vị trí và xây dựng kiên cố, vượt kích thước cho phép, sai khoảng lùi, tổ chức thi công gây ảnh hưởng đến nhà dân, thậm chí gây cháy nhà bên cạnh trong quá trình thi công.

Dù đã ban hành công văn “yêu cầu chủ đầu tư nghiêm túc chấp hành” nhưng chính quyền quận vẫn không áp dụng bất cứ biện pháp cưỡng chế hay xử phạt cụ thể nào. Công trình hoàn thành và đi vào hoạt động một cách công khai, thách thức quy định pháp luật và sự giám sát của cơ quan chức năng.

Không thể đổ lỗi cho nhà đầu tư

Chủ đầu tư là ông Lồng Khải Hắm và bà Ninh A Nuôi - người được cấp phép xây dựng tạm - rõ ràng đã vi phạm quy mô và nội dung được cho phép. Nhưng không thể chỉ dừng lại ở việc quy trách nhiệm cho họ. Câu hỏi đặt ra là: Ủy ban nhân dân phường Hòa Xuân có phát hiện, báo cáo sai phạm kịp thời không?; Phòng Quản lý đô thị và Thanh tra xây dựng quận Cẩm Lệ đã kiểm tra hiện trạng, có yêu cầu dừng thi công không? Nếu có, vì sao không ngăn chặn?; Ủy ban nhân dân quận Cẩm Lệ có hành động cưỡng chế hay chỉ dừng lại ở việc “ra công văn nhắc nhở”?

Công trình sân thể thao pickleball trên đường Giáng Hương 3 tại khu đô thị Euro Village 2 nằm lọt giữa khu vực dân cư đông đúc, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt và đời sống các hộ dân khu vực này. (Ảnh: ĐÌNH TĂNG)
Công trình sân thể thao pickleball trên đường Giáng Hương 3 tại khu đô thị Euro Village 2 nằm lọt giữa khu vực dân cư đông đúc, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt và đời sống các hộ dân khu vực này. (Ảnh: ĐÌNH TĂNG)

Thực tế khảo sát cho thấy, quy mô sân vượt xa diện tích thiết kế. Cả 4 sân pickleball xây trọn chiều ngang 36m của 3 lô đất, chiều sâu khoảng 20m, lắp đặt lưới bao quanh, mái che lớn (40 x 23,5m), có khu vệ sinh và khu vực để xe. Những hạng mục này cho thấy cả 4 sân pickleball này hoàn toàn không phải công trình tạm, mà là công trình kiên cố. Vị trí sân lại sát bờ tường nhà dân, gây tiếng ồn lớn, ảnh hưởng đời sống sinh hoạt và học tập của cư dân trong khu vực.

Theo ông Nguyễn Núi có nhà sát vách sân pickleball trên đường Giáng Hương 3 tại khu đô thị Euro Village 2 cho biết, ông rất bức xúc kể từ khi sân thể thao này đi vào hoạt động bởi nó ảnh hưởng đến sinh hoạt của gia đình, từ việc học hành của con đến nghỉ ngơi của các thành viên trong gia đình.

“Khi họ luyện tập, thi đấu, vào các khung giờ từ 6 giờ đến 11 giờ và từ 14 giờ đến gần 22 giờ, nhất là từ 19 giờ đến gần 22 giờ là thời điểm con cái học bài, các thành viên của gia đình sau một ngày làm việc về nhà cần không gian yên tĩnh để nghỉ ngơi... thì ngay bên cạnh là tiếng reo hò, vỗ tay ầm ĩ, thi thoảng lại có cãi vã, văng lời tục tĩu… ảnh hưởng đến tâm lý của con nhỏ. Không chỉ có vậy, từ ngày đưa vào hoạt động, chủ sân không bơm, quét rác, bụi… mà dùng máy thổi công suất lớn, khiến bụi bay mù mịt qua các nhà ở lân cận, nhà ông suốt ngày đêm phải đóng cửa vì bụi, tiếng ồn”, ông Nguyễn Núi cho biết.

Cũng cùng bức xúc như ông Núi, ông Nguyễn Hồng có nhà liền kề phía sau sân pickleball nói trên cho hay: Sợ nhất là những lúc có giải đấu, chủ sân và người chơi đưa loa kẹo kéo công suất lớn đến mở nhạc, dùng micro để cổ vũ, la hét, tiếng ồn cực lớn khiến các gia đình chung quanh đều phải đóng kín cửa nhưng vẫn cảm thấy hết sức bức xúc, mệt mỏi. Khu vực sân pickleball không có nơi đỗ xe ô-tô nên người thi đấu và người đến cổ vũ đậu xe trên các tuyến đường gần sân, gây cản trở giao thông, làm rất nhiều người bức xúc nhưng không biết phải giải quyết cách nào.

Bức xúc kéo dài, đại diện các hộ dân có nhà liền kề sân pickleball trên đường Giáng Hương 3 tại khu đô thị Euro Village 2 đã nhiều lần làm đơn gửi đến chính quyền phường Hòa Xuân, Ủy ban nhân dân quận Cẩm Lệ, tiếp đó là Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng và cá nhân đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố… nhưng không được trả lời thấu đáo và không có biện pháp xử lý.

Khu vực nhà vệ sinh sân pickleball được bê-tông hóa rất kiên cố. (Ảnh: ĐÌNH TĂNG)

Khu vực nhà vệ sinh sân pickleball được bê-tông hóa rất kiên cố. (Ảnh: ĐÌNH TĂNG)

Trách nhiệm cần được chỉ rõ, xử lý không né tránh

Một công trình sai phạm xây dựng trên đất ở, dưới danh nghĩa “tạm” lại được xây kiên cố, hoàn thiện và đưa vào sử dụng giữa khu đô thị cao cấp, biệt lập, chỉ bố trí đất xây biệt thự giữa lòng thành phố Đà Nẵng, cho thấy dấu hiệu buông lỏng quản lý kéo dài, có thể là biểu hiện của cơ chế “ngó lơ” hoặc dung túng sai phạm.

Sự thiếu minh bạch trong cấp phép, thiếu quyết liệt trong kiểm tra, và trì hoãn trong xử lý không thể chấp nhận ở một khu đô thị kiểu mẫu của Đà Nẵng. Công luận đang chờ một phản ứng nghiêm túc từ Ủy ban nhân dân quận Cẩm Lệ và thành phố Đà Nẵng, không chỉ xử lý phần ngọn mà cần làm rõ, xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể có liên quan trong bộ máy chính quyền địa phương khi buông lỏng quản lý, vòng vo, đùn đẩy trách nhiệm.

Xem thêm