CADIVI - thương hiệu đứng vững trên thị trường

Mười năm (1995-2004), là quãng thời gian đầy ý nghĩa đối với Công ty Dây và cáp điện Việt Nam (CADIVI), một doanh nghiệp Nhà nước, đã bứt phá, vượt lên trở thành một trong những đơn vị hàng đầu về sản xuất dây và cáp điện. Thương hiệu CADIVI đã đứng vững trên thị trường trong nước, có mặt và khẳng định vị trí tại một số thị trường nước ngoài.     

Bài toán về đầu tư

Ðến năm 1994, sau 20 năm thành lập, với những cố gắng, nỗ lực, CADIVI đã có một cơ sở vật chất kỹ thuật khá, sản xuất dây và cáp điện nhiều chủng loại, đáp ứng đáng kể nhu cầu thị trường. Nhưng, cũng tại thời điểm này, tình hình sản xuất, kinh doanh và thị trường đối với ngành hàng dây và cáp điện đã bắt đầu thay đổi lớn. Nhiều thành phần kinh tế: Nhà nước, liên doanh nước ngoài, tư nhân, tập thể, với hàng chục cơ sở bung ra sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu (chưa kể những hoạt động sản xuất, nhập lậu), báo hiệu tính chất cạnh tranh sẽ trở nên gay gắt, quyết liệt, phức tạp trong giai đoạn tiếp theo.

Ðể đứng vững trên thị trường, tập thể cán bộ, công nhân CADIVI xác định, không còn con đường nào khác, ngoài việc phải tập trung đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Bài toán đặt ra là, làm thế nào đầu tư hiệu quả, trong điều kiện thiếu vốn, phải vay thương mại đầu tư trung dài hạn. Cách giải của CADIVI là chủ động, mạnh dạn vay vốn theo lãi  suất thị trường của ngân hàng, không trông chờ, ỷ lại cơ chế ưu đãi, nắm bắt thời cơ, đầu tư vào khâu, bộ phận xung yếu, quan trọng, tạo đột biến tăng về sản lượng, bảo đảm chất lượng những mặt hàng thị trường có nhu cầu, tiêu thụ mạnh. Kết hợp, tập trung nguồn vốn, tích cực trong đầu tư đồng bộ, nâng cao toàn diện các dây chuyền, bộ phận sản xuất.

Mười năm qua, CADIVI đã đầu tư 150 tỷ đồng, mua thiết bị mới tiên tiến, hiện đại, thay thế 90% thiết bị cũ, lạc hậu. Trong đó, hiện đại hóa các khâu: nấu, cán, kéo kim loại; xoắn, bọc dây, cáp điện; tạo hạt PVC, với những thiết bị điển hình như thiết bị đúc, cán nhôm liên tục, công suất 24 nghìn tấn/năm, thiết bị kéo, ủ đồng liên tục Henrich  cho ra nhiều loại sản phẩm dây, tiết diện từ một đến 4,5 mm, máy xoắn cáp 60 sợi, máy bọc ba lớp cáp ngầm dùng cho điện trung thế 24 kV, máy tráng men đứng loại SVT 1000, tráng hai lớp men dây, cáp, chịu nhiệt hơn 200 độ C, nâng cao năng suất, tiết kiệm điện, không độc hại đối với môi trường. 

Việc mạnh dạn, quyết tâm đầu tư của CADIVI, bắt trúng nhu cầu thị trường tăng về chủng loại, chất lượng dây và cáp điện. Sản phẩm của đơn vị làm tiêu thụ hết. Uy tín của sản phẩm tăng nhanh trên thương trường. Chẳng những trúng thầu những công trình, dự án lớn về phát triển lưới điện, sản phẩm dây và cáp điện của CADIVI còn được xuất khẩu sang các thị trường: Myanmar, Cam-pu-chia, Lào, Trung Ðông, Mỹ.

Ðổi mới tổ chức, quản lý

Ðầu tư, sản xuất gắn với thị trường, đòi hỏi CADIVI liên tục đổi mới tổ chức, quản lý. Ðịnh hướng tổ chức sản xuất là chuyên môn hóa sâu, kết hợp đa dạng sản phẩm, nguyên tắc quản lý là tiết kiệm, hiệu quả, tinh gọn, khoa học, hợp lý. Công ty đã thành công trong việc tổ chức sản xuất theo mô hình cụm công nghệ, thích hợp thiết bị tiên tiến, hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, đạt hiệu quả cao. Từ năm 1998 đến nay, CADIVI áp dụng hệ thống quản lý tiêu chuẩn ISO 9000, 9001.

Ðến nay, CADIVI có năm xí nghiệp thành viên, một liên doanh, một công ty cổ phần, hai chi nhánh, hơn 200 đại lý phân phối, tiêu thụ, hơn một nghìn thiết bị, 1161 cán bộ, công nhân, tiến hành tổ chức sản xuất tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố Ðồng Nai, Lâm Ðồng, Ðà Nẵng. Với không gian sản xuất, tiêu thụ rộng lớn, công ty xây dựng, áp dụng hệ thống định mức sát hợp, thực hiện cơ chế khoán, phân cấp, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả, tiết kiệm chi phí trong quản lý, kinh doanh.

CADIVI quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ðơn vị đã hoàn thành phổ cập giáo dục trung học phổ thông cho cán bộ, công nhân, có chính sách khuyến khích mọi người học tập, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, kỹ thuật. Chi phí đào tạo bình quân một người, một năm từ 239 nghìn đồng (năm 1995) lên 1450 nghìn đồng (năm 2004). lao động có trình độ đại học trở lên là 169 người (14,5%), công nhân kỹ thuật bậc cao (từ 5 đến 7/7) là 214 người (18,4%).

Phong trào thi đua của cán bộ, công nhân, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, giải pháp hữu ích, góp phần quan trọng trong việc tăng trưởng và tiết kiệm. Mỗi năm, hàng chục sáng kiến được ứng dụng, làm sáng lên tinh thần phát huy nội lực, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Mười năm qua, cán bộ, công nhân của CADIVI có 472 sáng kiến, làm lợi cho đơn vị hai tỷ 797 triệu đồng. Phó Giám đốc Công ty Nguyễn Khắc Quý cho biết: Phong trào thi đua chẳng những mang lại hiệu quả trong công việc, mà còn tăng cường sự hiểu biết, gắn kết giữa các cộng sự, giữa cá nhân, bộ phận với lãnh đạo, qua đó, đánh giá đúng người, bố trí đúng việc, phát huy cao nhất năng lực từng người, từng tập thể.            

Năm 2004, doanh thu của CADIVI đạt 788 tỷ đồng, tăng gấp 2,9 lần, nộp ngân sách Nhà nước 41,5 tỷ đồng, tăng 3,1 lần, lợi nhuận trước thuế 11,5 tỷ đồng, tăng 1,85 lần, thu nhập bình quân một người một tháng 2950 nghìn đồng, tăng 1,67 lần so với năm 1995. Lãnh đạo Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cho biết mười năm qua CADIVI liên tục hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Công ty được Nhà nước giao 38 tỷ đồng vốn năm 1995 (17 tỷ đồng vốn cố định, 21 tỷ đồng vốn lưu động), năm 2004 đã tăng lên 109 tỷ đồng  (77 tỷ đồng vốn cố định, 32 tỷ đồng vốn lưu động). Cán bộ, công nhân CADIVI tự hào về sản phẩm của đơn vị đã tham gia xây dựng các đường điện 500 kV, 220 kV, 110 kV, các dự án năng lượng nông thôn, cải tạo lưới điện trên khắp mọi miền của Tổ quốc.

CADIVI phụng dưỡng tám Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, xây tặng 12 nhà tình nghĩa, 21 nhà đoàn kết đóng góp hai tỷ đồng vào các hoạt động xã hội, từ thiện.

Với những thành tích đạt được, CADIVI được tặng thưởng Huân chương Ðộc lập hạng ba năm 2000, Huân chương Lao động hạng nhất năm 1996 và nhiều phần thưởng của Nhà nước, đoàn thể, địa phương.  

Xem thêm