Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 190/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính...

Theo quy định, việc áp dụng phương thức điện tử trong xử lý vi phạm hành chính được thực hiện khi đáp ứng các điều kiện cụ thể, gồm:
Cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính có phương tiện điện tử phù hợp, có hệ thống thông tin đáp ứng yêu cầu cơ bản đối với hệ thống thông tin, nền tảng số phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử.
Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có phương tiện điện tử phù hợp, có khả năng tiếp cận, tương tác và chấp nhận thực hiện toàn bộ hoặc một phần quy trình xử lý vi phạm hành chính thông qua phương thức điện tử.
Các điều kiện về bảo mật, an toàn thông tin mạng, xác thực điện tử và lưu trữ dữ liệu được bảo đảm theo quy định của pháp luật.
Hệ thống thông tin, phần mềm, cơ sở dữ liệu dùng trong xử lý vi phạm hành chính được kết nối, liên thông hoặc có khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính và các hệ thống quản lý nhà nước có liên quan.
Nghị định quy định việc sử dụng chữ ký số và xác thực danh tính trong thủ tục xử lý vi phạm hành chính trên môi trường điện tử được thực hiện như sau:
Người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm sử dụng chữ ký số trong thủ tục xử phạt điện tử phải đáp ứng điều kiện về chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
Trường hợp tổ chức vi phạm thực hiện thủ tục xử phạt điện tử thông qua người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền, thì phải sử dụng chữ ký số của người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền.
Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không sử dụng được chữ ký số trong thủ tục xử phạt điện tử, thì sử dụng phương tiện xác thực yếu tố về sinh trắc học bằng ảnh khuôn mặt hoặc vân tay để xác định danh tính theo quy định của pháp luật và thay thế cho chữ ký số của người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm.
Trường hợp lập biên bản vi phạm hành chính trên môi trường điện tử mà không xác định được chủ thể thực hiện hành vi vi phạm hoặc người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không ký, thì biên bản chỉ cần chữ ký số của người lập biên bản.
Việc gửi các biên bản, quyết định và các tài liệu khác trong xử lý vi phạm hành chính trên môi trường điện tử được thực hiện thông qua một trong các phương thức sau:
Gửi đến địa chỉ thư điện tử của người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm, bị xử phạt đã thông báo với người có thẩm quyền.
Gửi qua ứng dụng định danh quốc gia/tài khoản định danh điện tử (có xác thực mức độ 2 trở lên) hoặc gửi qua ứng dụng được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật của ngành, lĩnh vực, địa phương.
Gửi tin nhắn SMS đến số điện thoại của người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm, bị xử phạt đã thông báo với người có thẩm quyền;
Gửi đến địa chỉ thư điện tử của cơ quan thu tiền phạt và cơ quan liên quan khác (nếu có) để thi hành.
Quy định trên có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.
Toàn văn Nghị định số 190 có thể xem tại đây.