Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: DUY LINH)
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: DUY LINH)

Lan tỏa tinh thần đột phá thể chế từ Nghị quyết 206/2025/QH15 của Quốc hội

Các bộ, cơ quan, tổ chức ở Trung ương, địa phương chủ động lựa chọn hình thức truyền thông phù hợp, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm tạo lan tỏa sâu rộng nội dung Nghị quyết số 206/2025/QH15 của Quốc hội.

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 206/2025/QH15 – một Nghị quyết được xem là bước đột phá về thể chế khi lần đầu tiên Quốc hội cho phép áp dụng một cơ chế linh hoạt, đặc biệt để xử lý các vướng mắc pháp lý mà nếu chờ sửa đổi luật theo quy trình thông thường thì sẽ mất nhiều thời gian, gây ảnh hưởng đến hoạt động quản lý, điều hành và phát triển.

Với tầm quan trọng đó, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương đã ban hành Công văn số 4302/HĐPH-PB&TG đề nghị các bộ, cơ quan, tổ chức ở Trung ương, địa phương quán triệt, tổ chức truyền thông nội dung Nghị quyết, đặc biệt là cho cán bộ, công chức tham mưu xây dựng pháp luật.

Để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 206/2025/QH15, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương đề nghị các bộ, cơ quan, tổ chức ở Trung ương và Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cấp tỉnh quan tâm chỉ đạo, định hướng triển khai một số nội dung sau:

Quán triệt, thông tin, truyền thông về nội dung cơ bản của Nghị quyết, tập trung vào 3 phương án để xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật, bao gồm:

Giải thích luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định tại Điều 60 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Điều 61 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn để quy định vấn đề mới, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế quy định hiện hành theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ban hành nghị quyết của Chính phủ, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để điều chỉnh quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 4 của Nghị quyết số 206/2025/QH15 trong thời gian luật, nghị quyết của Quốc hội chưa được sửa đổi, bổ sung, thay thế.

nq-206-11jpg.jpg
nq-206-22jpg.jpg
Bộ Tư pháp xây dựng Infographic giới thiệu các nội dung cơ bản của Nghị quyết số 206/2025/QH15 và đã đăng tải trên mục Nghị quyết 66 của Cổng Pháp luật quốc gia (địa chỉ: https://phapluat.gov.vn), mục để các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương, địa phương tham khảo, khai thác, sử dụng.

Đáng chú ý, Nghị quyết quy định cho phép Chính phủ được ban hành nghị quyết quy phạm pháp luật để điều chỉnh một số quy định có liên quan tại luật, nghị quyết của Quốc hội là cơ chế đặc biệt, khác so với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Việc xây dựng, ban hành nghị quyết của Chính phủ trong trường hợp này phải thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Nghị quyết số 206/2025/QH15 và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội tại phiên họp, kỳ họp gần nhất; nghị quyết được ban hành trong trường hợp này chỉ có hiệu lực tối đa đến ngày 28/2/2027.

Trên cơ sở đó, các bộ, cơ quan, tổ chức ở Trung ương, địa phương chủ động lựa chọn hình thức quán triệt, thông tin, truyền thông phù hợp, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, kết hợp linh hoạt giữa truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông trực tiếp nhằm tạo lan tỏa sâu rộng nội dung Nghị quyết.

Xem thêm